Dự án thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp sẽ được ưu tiên 'rót' vốn ODA

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có tờ trình về việc tiếp thu, giải trình ý kiến đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Theo tờ trình, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại cuộc họp ngày 10/2/2020, liên quan đến nội dung ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, Bộ KH&ĐT đã điều chỉnh dự thảo Nghị định như sau:

Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; an sinh xã hội; chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng các thành tố ưu đãi của khoản vay.

Dự án thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp sẽ được ưu tiên "rót" vốn ODA

Dự án thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp sẽ được ưu tiên "rót" vốn ODA

Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế xã hội; chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo từng thời kỳ.

Cũng theo tờ trình, về quy trình phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án, Bộ KH&ĐT đề xuất xây dựng trình tự, thủ tục tại Khoản 1 Điều 13 dự thảo Nghị định quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một lần duy nhất (thay vì 2 lần như quy định của Luật Quản lý nợ công và Luật Đầu tư công) đối với mỗi đề xuất dự án và dưới hình thức văn bản phê duyệt.

Cụ thể, trình tự sẽ là: Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ay ODA, vay ưu đãi nước ngoài gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo quy định.

Bộ Tài chính chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay mới đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, xác định cơ chế tài chính trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công và đồng gửi Bộ KH&ĐT.

Bộ KH&ĐT tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính được nêu tại điểm b của Khoản này, ý kiến các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có liên quan và đánh giá sự cần thiết của chương trình, dự án, đánh giá sơ bộ tính khả thi, hiệu quả kinh tế xã hội, sơ bộ tác động môi trường (nếu có) và tác động của chương trình, dự án đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn, lựa chọn đề xuất chương trình, dự án phù hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bước cuối cùng là Thủ tướng xem xét và có văn bản phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án với các nội dung: Tên chương trình, dự án; tên nhà tài trợ, đồng tài trợ nước ngoài; tên cơ quan chủ quản; mục tiêu, quy mô dự kiến; thời gian thực hiện dự kiến; tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn dự kiến; cơ chế tài chính trong nước dự kiến và các nội dung khác có liên quan.

P.V

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/du-an-thiet-yeu-khong-co-kha-nang-thu-hoi-von-truc-tiep-se-duoc-uu-tien-rot-von-oda-565804.html