Dự án thủy điện nhỏ có liên quan đến đất rừng không được bổ sung quy hoạch

Đó là khẳng định của ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, tổ chức chiều nay (16/10/2020).

Vấn đề về các dự án thủy điện làm nóng cuộc họp thường kỳ chiều nay của Bộ Công Thương.

Vấn đề về các dự án thủy điện làm nóng cuộc họp thường kỳ chiều nay của Bộ Công Thương.

Ông Quân cho biết, Bộ Công Thương đã đi các tỉnh, địa phương rà soát các dự án thủy điện... Đặc biệt từ 2016 đến nay, sau khi có Chỉ thị 13 của Chính phủ, tất cả các dự án thủy điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên đều không được bổ sung vào quy hoạch.

Tất cả các dự án liên quan đất rừng tự nhiên đều phải báo cáo Chính phủ, được Chính phủ đồng ý mới triển khai và hạn chế tối đa việc sử dụng diện tích đất rừng để làm thủy điện nhỏ.

Còn những dự án thủy điện nhỏ trước đó đều được theo dõi kiểm soát chặt chẽ hoạt động. Từ 2017 đến nay, Bộ đã đề xuất và lãnh đạo Bộ cũng đã có chỉ đạo các địa phương không bổ sung các dự án dưới 3MW vào quy hoạch.

Theo ông Quân, trước đây, bình quân diện tích chiếm đất các loại khoảng từ 4-5ha/01MW thì từ năm 2016 đến nay, các dự án thủy điện chỉ chiếm bình quân dưới 2 ha đất các loại kế cả diện tích chiếm đất sông suối cho 1MW công suất và không chiếm dụng đất rừng tự nhiên.

Đối với vấn đề cảnh báo các dự án thủy điện, trước đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường có cảnh báo là các dự án thủy điện sẽ có tác động như bồi lắng, cản trở dòng chảy thì phải xem xét trước khi quy hoạch. Riêng ở Huế có rủi ro lớn về sạt lở đất.

Ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, cũng cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tập trung vào việc rà soát đánh giá thực hiện an toàn hồ chứa, cụ thể ở đây là Nghị định 114 về an toàn hồ chứa nước.

Bộ cũng đã yêu cầu các Sở Công Thương địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra và cho thấy, các hồ chứa trên cả nước đều đang trong mức an toàn. Liên quan đến vấn đề chỉ đạo điều hành hồ chứa, với các hồ chứa có dung tích phòng lũ, quy định trong mùa lũ các hồ chứa phải đưa về mực nước bão lũ để làm giảm nguy cơ tràn về vùng hạ du.

Khi được lệnh xả lũ, tất cả các hồ thủy điện đều phải có cảnh báo, thông báo đến người đân vùng hạ du để hạn chế thấp nhất những tác động của bão lũ đến vùng hạ du. Thường ngày, có sự kết nối các cơ sở dữ liệu để nắm bắt lượng nước về hồ để có sự điều hành đảm bảo cho công trình cũng như an toàn khu vực vùng hạ du.

Qua thống kê, lượng mưa thống kê từ ngày 5-12/10/2020, tổng lượng mưa tại miền Trung có nơi đạt đến 1.200 - 1800 mm, đặc biệt ở Huế, có nơi đạt đến 2000 mm, như A Lưới 2.200mm; Bạch Mã 2.600mm, cùng các rủi ro về địa chất nên đã gây ra sạt lở nghiêm trọng trong khu vực. Trong khi trước đây, cả mùa mưa, thông thường ở Huế chỉ đạt mức cao nhất đến 2100 mm. Như vậy, chỉ trong vài ngày tại Huế lượng mưa đã đạt mức như trên là quá lớn.

Khu vực miền Trung lại có địa hình dốc, mỏng, không có các hồ chứa lớn, chủ yếu là hồ nhỏ và đập tràn tự do, nên khi nước về dẫn đến tình trạng ngập cao... Trên cơ sở dự báo thời tiết, lường trước được lượng nước tràn về, Ban chỉ huy các địa phương đã thực hiện việc điều tiết để duy trì mực nước đón lũ, với mục đích làm giảm nguy cơ lũ lên quá cao.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành địa phương chỉ đạo các công trình thủy điện các phương án ứng phó thiên tai để lường trước những tình huống có thể xảy ra; Tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ chứa để từ đó kiểm soát được quá trình vận hành của các hồ, có những chỉ đạo kịp thời đảm bảo an toàn trong vận hành hồ chứa, giảm thiểu những nguy cơ đối với vùng hạ du.

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/du-an-thuy-dien-nho-co-lien-quan-den-dat-rung-khong-duoc-bo-sung-quy-hoach-550267.html