Dự án treo 17 năm giữa lòng thành phố Thanh Hóa: Các cơ quan đá quả bóng trách nhiệm

An cư rồi mới lập nghiệp nhưng có một thực tế nhiều hộ gia đình không thể an cư trong chính ngôi nhà của mình. 17 năm qua họ phải sống lay lắt trong những ngôi nhà dột nát mà không được phép xây dựng chỉ vì quy hoạch 'treo'.

Đây là hiện trạng ngôi nhà hơn 40 năm của gia đình ông An, 3 thế hệ phải sống chen chúc trong ngôi nhà xập xệ như thế này. Không gian sống thì chật chội, nhếch nhác và xuống cấp theo thời gian.

Ông NGUYỄN ĐÌNH AN, khu dân cư CL8, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa: “Giữa lòng thành phố mà như ổ chuột, nắng không sao chứ mưa trong nhà phải đem áo mưa ra hứng che. Nhất là các cháu nhỏ bây giờ, chúng đang ở trong môi trường bệnh tật ghê gớm lắm. Tôi thường nói với họ, các anh không giải quyết đi, đến khi tôi chết chắc cũng không giải quyết được.”

Ngôi nhà này cũng chẳng khá hơn là mấy. Ban đầu chỉ có 2 khẩu nhưng theo thời gian số người trong gia đình đã lên tới 7, trong khi diện tích của căn nhà lại không thể tăng. Không còn cách nào khác, các phòng được ngăn tạm thành những bức vách nên rất bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

Bà NGUYỄN THỊ OANH, khu dân cư CL8, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa: “Thực tế, ở đây rất mất vệ sinh chật chội, có cơn bão tới là lo chạy trốn, sợ sập lắm! Cũng đã sập 1 lần, phường đã cho tiền để sửa sang lại. Căng cả bạt để chống mưa, thậm chí mưa nhiều, bắn vào tường không ngủ được.”

Nguyên nhân là khu đất này nằm trong dự án tái định cư cho các hộ dân để làm đường vành đai Đông Tây, thành phố Thanh Hóa. Dự án do Công ty cổ phần Sông Mã làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt năm 2004. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc bố trí tái định cư cho các hộ dân vẫn chưa được thực hiện. Trong khi các lô đất khu vực xung quanh đã được giải tỏa, nhiều công trình xây dựng cao tầng đã được hoàn thành thì khu dân cư này vẫn còn nguyên hiện trạng, không khác khu ổ chuột là mấy.

Bà VŨ THỊ VÂN, khu dân cư CL8, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa: “Chúng tôi khổ lắm rồi. Chúng tôi ở giữa thành phố, phường Lam Sơn là một phường to mà không bằng ở một vùng quê xa xôi. Chúng tôi cũng già rồi, chúng tôi bất lực. Với pháp luật Việt Nam, chúng tôi mong cấp trên nhìn đến chúng tôi.”

Phóng viên Phạm Cường: Đây là căn bếp được lắp ghép tạm bợ khi số nhân khẩu trong mỗi gia đình ngày một tăng lên. Mọi thứ trong khu vực này đều là chắp vá tạm như thế này. Dự án này treo suốt 17 năm qua khiến cuộc sống của người dân nơi đây đảo lộn, đi không được, ở cũng không xong.

Dự án treo 17 năm - các cơ quan đá quả bóng trách nhiệm

Đi không được ở cũng không xong là thực trạng của các hộ dân trong khu lô đất có kí hiệu CL8, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa. Suốt 17 năm, các hộ dân mòn mỏi đợi các chủ đầu tư và chính quyền địa phương giải quyết cho tái định cư. Thế nhưng, mọi thứ đều trở nên vô vọng khi các đơn vị chức năng chưa bố trí được nơi tái định cư.

Suốt 17 năm mòn mỏi chờ tái định cư nhưng chờ mãi chẳng thấy đâu chỉ thấy sự xuống cấp nghiêm trọng của những căn nhà chực đổ. Hàng chục năm qua, họ gửi đơn thư kêu cứu đi khắp nơi nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Ông NGUYỄN VĂN MINH, Khu dân cư CL8, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa: “Bọn tôi lần lượt gửi đơn từ những năm 2000, gửi đơn rất nhiều đơn. Thành phố bảo giao Sở Tài nguyên Môi trường đấu nối với Công ty Sông Mã nhưng bọn tôi chỉ nghe như thế, không có ai xuống xem xét, giải quyết, cứ năm này qua năm khác như thế.”

Theo chủ đầu tư là Công ty cổ phần Sông Mã, dự án đường vành đai Đông - Tây đoạn do đơn vị làm chủ đầu tư có 641 hộ phải giải phóng mặt bằng. Đến nay, công ty đã giải phóng được 598 hộ, còn lại 43 hộ chưa có quỹ đất để tái định cư.

Ông LÊ VĂN TÁM, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Mã: “Hiện nay, Công ty Sông Mã là đơn vị phối hợp là thành viên hội đồng giải phóng mặt bằng, còn chủ trì hội đồng giải phóng mặt bằng là UBND thành phố và quỹ đất tái định cư cũng phải do UBND thành phố bố trí chứ Công ty Sông Mã không có quỹ đất tái định cư và không được phép, không có quyền bố trí khu đất đó.”

Liên quan đến nội dung này, UBND thành phố Thanh Hóa cho biết, do khó khăn về quỹ đất tái định cư nên UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương điều chỉnh dự án. Theo đó, khu CL8 sẽ được giữ nguyên để tái định cư tại chỗ. Để làm cơ sở hạ tầng cho khu dân cư, một số hộ dân vẫn phải giải phóng mặt bằng để tái định cư, tuy nhiên quỹ đất hiện nay thành phố chưa bố trí được cho các hộ dân nơi đây.

Ông HÀ ĐÌNH ANH, Phó Phòng Quản lý Đô thị, Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa: “Về mặt quản lý nhà nước nhiều làn UBND thành phố rất nhiều lần đôn đốc Công ty Sông Mã nhanh chóng thực hiện công tác rà soát để giải phóng mặt bằng bố trí tái định cư và đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho đồng bộ. Trách nhiệm chính là do chủ đầu tư được giao thực hiện dự án này. Để kéo dài có nhiều nguyên nhân, công ty chưa quyết tâm rà soát bố trí quỹ đất tái định cư cho các hộ để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.”

17 năm không bố trí được nơi tái định cư, người dân nơi đây hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về năng lực điều hành, chỉ đạo và thực hiện dự án của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Sông Mã và UBND thành phố Thanh Hóa khi trách nhiệm của 2 cơ quan này đá cho nhau.

Thực hiện : Phạm Cường Như Huỳnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/du-an-treo-17-nam-giua-long-thanh-pho-thanh-hoa-cac-co-quan-da-qua-bong-trach-nhiem