Dự án 'treo', thịt thì xơi, xương đẩy cho khách

Khách đầu tư mua 4 dự án của Tập đoàn Đức Long - Gia Lai mòn mỏi mong các dự án sớm hoàn thành. Nhưng chủ đầu tư viện lý do đất công nên các dự án không thể triển khai.

Bốn dự án của Đức Long Gia Lai nằm ở Thành phố Hồ chí Minh gồm: Dự án Newland – Quận 8, dự án Golden land – Quận 7, dự án Wester Park – Quận Bình Tân và dự án Elysium – Quận 7. Trong đó, ngoại trừ Wester Park, công ty Vạn Gia Long (trực thuộc Đức Long Gia Lai land) sở hữu 51% cổ phần của 3 dự án còn lại.

Dự án Newland nằm dưới đường dây điện.

Dự án Newland nằm dưới đường dây điện.

Lỗi tại….. "ông" Nhà nước

Làm việc với khách hàng đã đặt mua, ông Nguyễn Sĩ Toàn, Tổng giám đốc công ty Đồng Phú Hưng giãi bày: Đất dự án Newland – Quận 8 đang vướng đường dây điện, dự án bị chia cắt làm hai. Giờ muốn thi công phải xin ý kiến cấp trên. Đây là lý do bất khả kháng.

Ông Toàn nói thêm, ban đầu Nhà nước cho đóng tiền sử dụng đất, giờ Nhà nước lại bảo là đất công nên phải chuyển sang đấu giá.

Cụ thể, “dự án Newland, ban đầu có quyết định giao đất. Giao xong sẽ đóng tiền sử dụng đất và ra sổ cho chủ đầu tư, rồi xây dựng bàn giao cho khách là xong. Tuy nhiên, theo quy định mới, diện tích dự án thuộc đất công nên Thành phố không đủ thẩm quyền duyệt cấp nữa”.

Cấp phó của ông Toàn là ông Phạm Minh Việt cũng nói chắc nịch: “Trình các dự án này lên chắc chắc thành phố không duyệt. Đụng đến đất công là mấy bác trên thành phố đẩy đi hết. Theo Thành phố đất này phải đấu giá hoặc chỉ định. Nhưng là chỉ định thì phải chuyển lên Thủ tướng”.

Dự án Golden Land, do phát sinh việc công an điều tra các cổ đông, nên dự án phải tạm “đóng băng”. 4 đến 6 tháng nữa mới hoàn tất điều tra. Tháng 10 mới có thể sẽ tiến hành điều chỉnh 1/500, đóng tiền sử dụng đất và xây dựng.

Không đồng tình với các lý do này, tập thể cư dân bức xúc, cáo buộc chủ đầu tư sử dụng ‘bừa bãi’ cụm từ bất khả kháng.

‘Thịt’ thì xơi, đẩy ‘xương’ đẩy cho khách

Dự án Wester Park không hề có động thái xây dựng nào.

Dự án Wester Park không hề có động thái xây dựng nào.

Tập thể khách hàng phản đối, lý do chủ đầu tư đưa ra không phải là bất khả kháng. Bất khả kháng phải là thiên tai, địch họa, bão lũ. Dự án ban đầu đã thu tiền, cầm tiền của dân thì phải tính, phải lường trước mọi chuyện.

Nhiều ý kiến phản biện gay gắt, đi khắp Sài Gòn này không ai dùng cụm từ “bất khả kháng” như các dự án của Đức Long Gia Lai Land, Đồng Phú Hưng và Vạn Gia Long. Đã làm kinh doanh có chơi có chịu, có thắng có thua là bình thường. Đằng này cách họ làm ăn dễ khiến liên tưởng kiểu “thịt mình ăn, xương đẩy cho khách”.

Các khách hàng cho rằng, nếu chủ đầu tư vướng mắc thì cần phải thông báo cho khách hàng, cập nhật thông tin cho khách hàng biết. Dở nhất là chủ đầu tư không thông báo, né tránh. Nhưng bất luận sao đi nữa, chủ đầu tư vẫn phải tuân thủ theo hợp đồng cũ đã ký với khách hàng.

Và họ đã đồng lòng không ký thêm bất cứ phụ lục hợp đồng nào như chủ đầu tư thông báo ngày 18/6/2019. Họ e ngại, nếu ký lại phụ lục sẽ chỉ mang lại lợi ích cho chủ đầu tư.

Hiện nay dân đang yêu cầu một cuộc họp với chủ đầu tư và các bên liên quan để có câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề mà cư dân đang thắc mắc. Hạn chót ngày 8/7/2019.

Công Hưng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/giao-dich-mua-ban/du-an-cua-duc-long-gia-lai-thit-thi-xoi-xuong-day-cho-khach-547974.html