Dự án trọng điểm: Vì sao chậm tiến độ?

Với số vốn đầu tư từ xấp xỉ nghìn tỷ tới nhiều nghìn tỷ đồng, các dự án đầu tư trực tiếp trọng điểm được kỳ vọng sẽ tạo đột phá tăng trưởng kinh tế, cơ cấu sản phẩm, dịch vụ và thu ngân sách, đưa Thanh Hóa sớm đạt các mục tiêu phát triển như hoạch định. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, nhiều dự án quy mô lớn hiện đang trong tình trạng chậm tiến độ, chưa phát huy được giá trị sử dụng đất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Dây chuyền 3 Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2 đã lắp đặt xong thiết bị từ tháng 8/2022, hiện đang chờ đấu nối điện để vận hành thử trong tháng 12/2024.

Dây chuyền 3 Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2 đã lắp đặt xong thiết bị từ tháng 8/2022, hiện đang chờ đấu nối điện để vận hành thử trong tháng 12/2024.

Hàng loạt dự án không về đích đúng hẹn!

Dự án Khu Du lịch sinh thái Tân Dân (thị xã Nghi Sơn) do Tập đoàn T&T Group làm chủ đầu tư có quy mô 84,8ha, với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 3.663 tỷ đồng, khởi công xây dựng tháng 6/2021. Quy mô lớn, chủ đầu tư tầm cỡ, dự án được kỳ vọng sẽ “biến” lợi thế rừng và biển tại vùng đất Nghi Sơn thành điểm đến nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cho người dân trong nước, du khách quốc tế và các chuyên gia nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS). Tại thời điểm khởi công, chủ đầu tư đặt mục tiêu sẽ đưa dự án vận hành vào tháng 5/2024. Tuy nhiên hiện nay, dự án mới thi công đạt 40% khối lượng. Tháng 8/2024 UBND tỉnh đã quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này với số vốn tăng lên 11.096 tỷ đồng, đồng thời “giãn” tiến độ đưa vào vận hành khai thác tới năm 2026.

Cũng tại KKTNS, Dự án Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2 (dây chuyền 3 và 4) được Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn khởi công tháng 1/2022. Với công suất 3 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, dự án sử dụng công nghệ thép DANIELI của Italia hiện đại bậc nhất châu Âu này đặt mục tiêu đưa ra thị trường 3 triệu tấn phôi thép và 1,5 triệu tấn thép cán mỗi năm. Qua đó, giúp tăng thu ngân sách cho tỉnh hàng trăm tỷ đồng, góp phần khẳng định thương hiệu thép Nghi Sơn cũng như vận hành đồng bộ Khu liên hợp gang thép Nghi Sơn. Tuy nhiên, mục tiêu đưa dây chuyền đầu tiên của nhà máy đi vào vận hành năm 2023 đã không về đích đúng hẹn.

Theo rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 23 dự án đầu tư trực tiếp quy mô lớn, trọng điểm đang triển khai rà soát hiện nay có tổng mức đầu tư khoảng 74.208 tỷ đồng. Trong đó, có 7 dự án khởi công trước năm 2021, với tổng mức đầu tư là 25.681 tỷ đồng và 16 dự án đã khởi công giai đoạn 2021-2024 với tổng mức đầu tư 48.527 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 1 dự án đã đi vào vận hành khai thác tháng 11/2023 là khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO Thanh Hóa tại xã Thạch Tượng và xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành do Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam đầu tư với số kinh phí 654 tỷ đồng.

Trong 22 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, chỉ có 6 dự án bảo đảm tiến độ. Trong đó, Nhà máy xi măng Đại Dương tại KKTNS và Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial tại Khu B, Khu công nghiệp (KCN) Bỉm Sơn hiện đang chạy thử để hiệu chỉnh máy móc vận hành chính thức. Nhà máy sản xuất giấy bao bì Miza Nghi Sơn - giai đoạn 2 đã được bàn giao đất, đang thực hiện các hồ sơ, thủ tục để khởi công dự án. Nhà máy dệt may tại cụm công nghiệp Thái Thắng (Hoằng Hóa) cơ bản xây dựng xong các công trình nhà xưởng; nhà máy gia công sản xuất giày dép xuất khẩu tại cụm công nghiệp Vạn Hà (Thiệu Hóa) đã hoàn thành xây dựng 2 xưởng, 2 xưởng còn lại đang xây dựng với giá trị ước đạt 90% tổng khối lượng. Khu Resort Sao Mai Thanh Hóa tại xã Thọ Lâm (Thọ Xuân) đang triển khai xây dựng giá trị ước đạt 83% tổng khối lượng.

16 dự án quy mô lớn, trọng điểm khác được đánh giá đang bị chậm tiến độ so với quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong đó có nhiều dự án từng được đặt kỳ vọng lớn ở các lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp tới thương mại, du lịch, dịch vụ như: Nhà máy Intco Medical Việt Nam tại Bắc Khu A, KCN Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn) với vốn đầu tư 2.796 tỷ đồng; Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên (Quảng Xương) với số vốn 6.849 tỷ đồng; Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1 tại xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) với số vốn 3.000 tỷ đồng; Cảng tổng hợp Long Sơn với số vốn 2.300 tỷ đồng; Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại huyện Nông Cống và huyện Như Thanh với số vốn 3.800 tỷ đồng...

Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 37 mới đây, cùng với góp ý các giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh xúc tiến thu hút nguồn lực doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, nhiều đại biểu trăn trở khi tiến độ của nhiều dự án còn chậm trễ. Mặc dù thu ngân sách của tỉnh năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước tới nay, nhưng nguồn thu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thuế giá trị gia tăng từ nhập khẩu dầu thô và thu tiền sử dụng đất. Nếu các dự án mới chậm đưa vào kinh doanh khai thác sẽ khó tạo thêm dư địa để củng cố sự tăng trưởng bền vững của ngân sách thời gian tới.

“Nhiều dự án đầu tư lớn đã chấp thuận chủ trương đầu tư chậm được khởi công hoặc chậm tiến độ xây dựng. Đặc biệt trong lĩnh vực thương mại - du lịch, mặc dù đã thu hút được một số dự án của các chủ đầu tư có tên tuổi, nhưng đa phần các dự án đều không đưa vào vận hành đúng tiến độ. Do đó, Thanh Hóa vẫn chưa hình thành được cơ sở hạ tầng du lịch chất lượng cao nhằm thu hút dòng khách hạng sang, kích cầu du lịch và tạo đột phá về doanh thu”, Bí thư Thành ủy TP Sầm Sơn Lương Tất Thắng bày tỏ.

Nhiều nguyên nhân

Trong nhiều lý do biện giải cho nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án, giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là một trong những nguyên nhân được nhắc đến hàng đầu. Trong 16/23 dự án quy mô lớn, trọng điểm đang bị “liệt” vào danh mục chậm tiến độ, có tới 11 dự án có nguyên nhân do gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB. Điển hình như dây chuyền 4 nhà máy xi măng Long Sơn tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) còn tồn tại 3ha chưa GPMB do chưa thỏa thuận được với các hộ dân; Khu du lịch sinh thái Tân Dân tại phường Tân Dân (thị xã Nghi Sơn) hiện vẫn còn 7,28ha chưa được GPMB; Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1 tại xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) còn 17ha chưa được GPMB; Khu đô thị Đông đại lộ Bắc Nam (TP Thanh Hóa) gặp khó khăn khi tồn tại hơn 1ha chưa được thu hồi đất...

Theo Ban GPMB hỗ trợ và tái định cư thị xã Nghi Sơn, ngay từ khi bắt đầu triển khai, Khu du lịch sinh thái Tân Dân đã gặp phải một số khó khăn do vướng mắc về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, loại đất... Một số diện tích đất nông nghiệp đã được UBND thị xã ban hành quyết định thu hồi đất nhưng không đủ điều kiện được bồi thường, hỗ trợ, do bản đồ địa chính đo vẽ hiện là đất giao thông, đất thủy lợi, đất nghĩa địa, mặt nước hoang. Cùng với đó, một số hộ dân không đồng ý với đơn giá bồi thường về đất, tài sản trên đất và đề nghị chủ đầu tư thỏa thuận... Hiện nay, việc điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật về đất đai khi Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định có hiệu lực thi hành cũng đang khiến chủ đầu tư lúng túng khi triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Dây chuyền 3 Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2 đã lắp đặt xong thiết bị từ tháng 8/2022, hiện đang chờ đấu nối điện để vận hành thử trong tháng 12/2024.

Dây chuyền 3 Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2 đã lắp đặt xong thiết bị từ tháng 8/2022, hiện đang chờ đấu nối điện để vận hành thử trong tháng 12/2024.

Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đối với nguyên nhân về GPMB tình trạng xác định nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn do thiếu hồ sơ, dữ liệu minh chứng, gây khó khăn trong việc xây dựng phương án GPMB là thực tế nan giải đang diễn ra. Cùng với đó, việc đầu tư xây dựng một số khu tái định còn chậm cũng ảnh hưởng đến tiến độ GPMB của dự án; công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan, thời gian giải quyết hồ sơ trong công tác bồi thường GPMB có lúc chưa kịp thời, hiệu quả; phần lớn các dự án đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh có sử dụng đất nông nghiệp, nhà đầu tư phải thực hiện việc bồi thường GPMB thông qua hình thức tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận góp vốn hoặc thuê quyền sử dụng đất với các chủ sử dụng đất, nên việc GPMB gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến việc nhà đầu tư chậm hoàn thiện hồ sơ sử dụng đất.

Cùng với GPMB, tiến độ một số dự án chậm còn do công tác hoàn thành hồ sơ, thủ tục kéo dài bởi nhiều quy định của pháp luật còn chồng chéo và thay đổi thường xuyên, như pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, nhà ở và kinh doanh bất động sản, đấu thầu, quản lý, sử dụng tài sản công, quản lý vốn của Nhà nước. Một số dự án quy mô lớn, trọng điểm có thủ tục, hồ sơ phải trình các bộ, ngành Trung ương, dẫn đến kéo dài thời gian triển khai thực hiện, điển hình như: Cảng tổng hợp Long Sơn; Khu bến container 2 tại KKTNS; nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn); nhà máy Intco Medical Việt Nam tại Bắc Khu A, KCN Bỉm Sơn; chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại huyện Nông Cống và huyện Như Thanh. Một số dự án còn phải chờ hướng dẫn thực hiện như: Khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí Nam Sông Mã tại phường Quảng Châu và Quảng Tiến (Sầm Sơn) là dự án đối ứng của dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT) nên phải thực hiện theo nguyên tắc ngang giá. Tuy nhiên hiện nay, việc xác định giá đất dự kiến tại thời điểm giao đất, cho thuê đất làm cơ sở để tiếp tục giao đất thanh toán dự án BT còn nhiều vướng mắc, dẫn đến chưa thể tiếp tục giao đất để đầu tư xây dựng dự án...

Cũng có dự án, nguyên nhân chậm tiến độ đến từ việc hạ tầng phục vụ dự án chưa kịp thời. Đơn cử như Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2, chủ đầu tư đã lắp đặt thiết bị hoàn thiện vào đầu tháng 8/2022 sẵn sàng cho việc vận hành chạy thử máy. Tuy nhiên, dự án đường dây và TBA 220KV KKTNS do Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư và dự án đường dây 110KV cấp điện cho TBA 110KV luyện kim 2 chậm hoàn thành, dẫn tới không có điện phục vụ cho vận hành giai đoạn 1 của dự án. Do đó, chủ đầu tư cũng điều chỉnh kéo giãn thời gian lắp đặt dây chuyền 4 để phù hợp với tiến độ đóng điện và thời điểm đưa các dây chuyền vào sản xuất thương mại lần lượt.

Ông Phạm Tuấn Anh - đại diện Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn, chia sẻ: “Cuối tháng 10 vừa qua, sau khi các khó khăn về GPMB được giải quyết, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đã nhanh chóng tổ chức thi công, đóng điện trạm biến áp 220KV KKTNS và đường dây đấu nối. Chúng tôi đang chờ phía ngành điện hoàn thành các khâu kỹ thuật, đấu nối điện vào nhà máy để vận hành dây chuyền 3 vào tháng 12/2024. Sau khi vận hành thử ổn định và hiệu chỉnh cần thiết, chúng tôi sẽ đưa nhà máy đi vào vận hành thương mại vào quý I/2025. Khi dây chuyền 3 hoạt động ổn định, công ty sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng dây chuyền 4”.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, không thể không kể đến nguyên nhân chủ quan khi một số chủ đầu tư chưa có trách nhiệm, hoặc thiếu năng lực dẫn tới dự án bị trì trệ. Đó là Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên (Quảng Xương) chậm tiến độ, mới thi công được 20% khối lượng và còn một khối lượng công việc lớn liên quan đến GPMB. Hiện nhà đầu tư chưa bố trí được vốn ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ để chi trả kinh phí GPMB cho các hộ dân đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác GPMB tại dự án. Các dự án: Khu đô thị Đông đại lộ Bắc Nam (TP Thanh Hóa); nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) cũng trong tình trạng tương tự. Cá biệt, có dự án hỗn hợp nhiều nguyên nhân dẫn tới khó có thể hoàn thành, kể cả sau khi được điều chỉnh, gia hạn tiến độ.

Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp, Thanh Hóa hiện có 173 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 14,96 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước. Đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) cũng khởi sắc trong nhiều năm gần đây với những dự án của các nhà đầu tư có tên tuổi tầm cỡ quốc gia. Tuy nhiên, tiến độ các dự án đầu tư chưa bảo đảm khiến một số mục tiêu kỳ vọng của tỉnh bị bỏ lỡ và phần nào ảnh hưởng tới niềm tin, môi trường đầu tư đối với các doanh nghiệp. Cùng với các biện pháp vào cuộc, tháo gỡ khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, thì việc đưa ra các biện pháp cứng rắn khi xử lý các nhà đầu tư không chủ động triển khai dự án, cũng như chọn lọc thu hút nhà đầu tư có chất lượng, là giải pháp mà tỉnh Thanh Hóa đang hướng tới để đón những dòng vốn uy tín vào hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Bài và ảnh: Minh Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-an-trong-diem-vi-sao-cham-tien-do-232958.htm