Dự án VnSAT góp phần tăng thu nhập của nông dân trồng lúa
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng (Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng) được Ngân hàng Thế giới tài trợ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án năm 2016 - 2022 tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua 7 năm triển khai thực hiện, dự án đã tác động tích cực đến quá trình canh tác lúa của nông dân trong vùng dự án. Thông qua các lớp tập huấn canh tác lúa tiên tiến, nông dân đã chuyển đổi từ việc trồng lúa theo phương thức truyền thống sang trồng lúa áp dụng quy trình kỹ thuật '3 giảm, 3 tăng', '1 phải, 5 giảm' (giảm giống, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước, giảm thất thoát sau thu hoạch), góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong canh tác lúa.
Ông Trương Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) chia sẻ, Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ và là “bệ đỡ” giúp hợp tác xã phát triển ngày một lớn mạnh hơn. Thông qua Dự án đã hỗ trợ tập huấn 40 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” cho 1.405 thành viên hợp tác xã; xây dựng mô hình cánh đồng lớn có diện tích 40ha, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và liên kết sản xuất tiêu thụ lúa sau thu hoạch giúp hợp tác xã; xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa diện tích 50ha. Ngoài ra, dự án đã đầu tư xây dựng nhà kho cho hợp tác xã, diện tích 1.000m2; xây dựng nhà làm việc và cầu dẫn nối đường từ nhà kho của hợp tác xã xuống bến sông Saintard; hỗ trợ hệ thống sấy; máy sàng lọc tách hạt; máy cuốn rơm… Từ các hỗ trợ của dự án đến nay đã có hơn 95% thành viên thực hành canh tác lúa theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, nhờ đó giảm chi phí sản xuất từ 500.000 - 1 triệu đồng/ha, năng suất lúa tăng lên từ 500 - 700kg/ha, góp phần tăng lợi nhuận hơn so với trước khi có dự án từ 10 - 30%.
Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng triển khai tại 6 huyện, gồm: Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Tú, Long Phú, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, có 29.000 hộ dân tham gia dự án, với 43.000ha lúa. Qua thời gian triển khai tại các địa phương, dự án đã đào tạo kỹ thuật canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng” là 605 lớp cho hơn 17.746 hộ/26.329ha và thực hiện 48 mô hình trình diễn với diện tích 96ha; tổ chức đào tạo 343 lớp “1 phải, 5 giảm” cho 13.351 hộ/15.598ha và thực hiện 27 mô hình trình diễn với diện tích hàng trăm hécta. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (nhà kho tạm trữ, công suất 1.000 tấn/nhà kho; đường, 11 cầu giao thông, 2 trạm bơm và 7 cống cấp thoát nước phục vụ sản xuất lúa gạo) phục vụ sản xuất cho 11 hợp tác xã, với số vốn gần 100 tỷ đồng. Đồng thời, dự án đã hỗ trợ 3 thiết bị sấy, 2 máy cuốn rơm, 3 thiết bị tách hạt, 5 máy cấy lúa, 4 máy phun hạt cho 5 hợp tác xã; hỗ trợ thiết bị chuyên dùng phòng thí nghiệm cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh; hỗ trợ hàng hóa và thiết bị văn phòng cho Ban Quản lý dự án; hỗ trợ máy cấy lúa, máy gieo mạ, máy gặt đập liên hợp và sàng phân loại hạt giống cho Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh; hỗ trợ máy phun hạt giống và bón phân hỗ trợ công tác tập huấn và xây dựng mô hình trình diễn.
Dự án cũng đã xây dựng 12 mô hình (quy mô 40ha/mô hình) tại 12 hợp tác xã nông nghiệp; tổ chức 4 cuộc thi “Nông dân sản xuất lúa bền vững theo tiêu chí dự án VnSAT” tại 4 huyện trong vùng dự án; tổ chức 1 cuộc hội nghị “Liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo bền vững tỉnh Sóc Trăng năm 2022”. Đầu tư 12 tiểu dự án hạ tầng công với tổng kinh phí hơn 111 tỷ đồng; hỗ trợ củng cố, nâng chất và thành lập mới 31 hợp tác xã vùng dự án; mở rộng quy mô liên kết lên 200 - 500ha/hợp tác xã...
“Dự án VnSAT triển khai tại tỉnh Sóc Trăng đã góp phần tăng lợi nhuận cho hộ dân canh tác lúa vùng dự án trên 22 triệu đồng/ha so với trước khi có dự án, cùng với đó dự án đã góp phần tăng cường mối liên kết sản xuất giữa các nông hộ, theo mô hình hợp tác xã và nâng cao khả năng canh tác lúa thích ứng biến đổi khí hậu và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, có hiệu quả. Diện tích trồng lúa không đốt rơm rạ trong mùa khô trên 95%, giảm hơn 50% so với trước khi có dự án. Nông dân áp dụng thành công kỹ thuật canh tác lúa bền vững “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế cho nông hộ, mà còn góp phần vào việc giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác lúa so với phương pháp canh tác lúa truyền thống…”, đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng chia sẻ.