Dự án VnSAT góp phần vào tái cơ cấu nông nghiệp địa phương

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (Dự án VnSAT) tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện từ năm 2016 tại 30 xã, thuộc 6 huyện, gồm: Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị và Mỹ Xuyên. Theo đó, mục tiêu của dự án là góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, giúp tăng thu nhập cho nông dân sản xuất lúa gạo, tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, giảm tác động tiêu cực tới môi trường đối với sản xuất lúa.

Qua 5 năm triển khai thực hiện dự án tại các xã đã giúp cho hàng ngàn nông dân trên địa bàn tỉnh thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích đất, đặc biệt là tập hợp nông dân thành lập các hợp tác xã (HTX), sản xuất ra lượng lúa lớn cùng chất lượng, thuận tiện liên kết tiêu thụ…

Công trình cầu, đường giao thông dẫn đến cánh đồng lúa HTX giúp nông dân trong và ngoài vùng dự án đi lại thuận tiện. Ảnh: THÚY LIỄU

Công trình cầu, đường giao thông dẫn đến cánh đồng lúa HTX giúp nông dân trong và ngoài vùng dự án đi lại thuận tiện. Ảnh: THÚY LIỄU

Lợi ích thiết thực cho địa phương…

Huyện Châu Thành là một trong những địa phương nằm trong vùng Dự án VnSAT triển khai thực hiện và thông qua dự án hỗ trợ đã có 3 nhà kho được hình thành tại các HTX. Theo đó, Dự án VnSAT triển khai trên địa bàn 6 xã, thị trấn gồm: Hồ Đắc Kiện, Phú Tâm, Phú Tân, An Hiệp, Thuận Hòa và thị trấn Châu Thành, với tổng diện tích 6.803ha, có 5.547 hộ nông dân canh tác. Để nông dân nắm vững các kỹ thuật sản xuất lúa, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, khi mới bắt đầu triển khai tại các địa phương, dự án đã mở các lớp tập huấn “3 giảm 3 tăng” (3G3T), “1 phải 5 giảm” (1P5G). Đồng thời, nhằm tạo giống lúa chất lượng cao cung cấp cho hộ dân, dự án đã hướng dẫn nông dân việc nhân giống lúa kết hợp xây dựng mô hình sản xuất lúa theo chương trình, xây dựng các mô hình như: mô hình luân canh cây màu trên đất lúa, mô hình tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ… Bên cạnh đó, để tạo đầu ra ổn định cho hạt lúa sau thu hoạch, dự án hỗ trợ HTX trong khâu liên kết bao tiêu lúa.

Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành Nguyễn Công Định chia sẻ: “Dự án VnSAT đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân vùng dự án. Theo thống kê, có 100% hộ trồng lúa trong vùng dự án của huyện (5.547 hộ, 6.803ha) được đào tạo tập huấn 3G3T và 1P5G, trong đó có khoảng 80% hộ áp dụng 3G3T (trong số này có 50% hộ áp dụng 1P5G). Đồng thời, dự án hỗ trợ địa phương củng cố và thành lập mới trong vùng dự án 7 HTX, tổ hợp tác (THT). Thông qua việc áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa do dự án hướng dẫn, giảm tác động tiêu cực môi trường mùa vụ sản xuất bởi giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác lúa…”.

Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Thạnh Trị Trần Trang Nhã thông tin: “Dự án VnSAT trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện tại 5 xã: Lâm Kiết, Lâm Tân, Tuân Tức, Thạnh Trị, Thạnh Tân, trong đó có 3 HTX được dự án đầu tư xây dựng nhà kho, đường giao thông, trạm bơm, cống. Các công trình trên đã hỗ trợ HTX và bà con vùng dự án có nơi dự trữ lúa sau thu hoạch, chờ giá tốt để bán, kèm theo đó con đường giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa… Song song đó, dự án còn tổ chức hàng chục lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX, THT và tập huấn về 3G3T, 1P5G, luân canh cây trồng, tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp, nhằm giúp cho nông dân trong vùng dự án tiếp cận được với các tiến bộ khoa học mới, góp phần tăng thu nhập và đạt mục tiêu của dự án”.

Lợi ích công trình Dự án VnSAT đem đến cho HTX

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Long Phú Lâm Văn Vũ cho biết: “Dự án VnSAT triển khai tại huyện trong những năm qua không chỉ giúp cho nông dân canh tác lúa hiệu quả hơn mà còn góp phần giúp huyện cơ cấu giống lúa tại các xã vùng dự án thuận tiện hơn và tập hợp nông dân liên kết sản xuất tạo ra sản lượng lúa lớn cùng chất lượng. Cùng với đó huyện có 1 HTX được dự án đầu tư xây dựng nhà kho, cầu giao thông và một số trang thiết bị làm dịch vụ trên đồng ruộng đem lại lợi nhuận tốt cho HTX, đơn cử như nhà kho sẽ giúp HTX triển khai các dịch vụ kinh doanh mua bán vật tư phân bón, lúa giống, tạm trữ lúa và tận dụng làm trụ sở làm việc. Lò sấy tạo điều kiện cho HTX chủ động trong liên kết sản xuất và bao tiêu lúa với các thành viên trong và ngoài HTX.

Lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành và Thạnh Trị mong muốn Dự án VnSAT tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, để phát huy thành quả dự án đem đến cho nông dân, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân tăng cường các biện pháp ứng dụng chương trình 3G3T, 1P5G. Song song đó, hỗ trợ các HTX, THT, nông dân trong và ngoài vùng dự án phát triển mô hình lúa đặc sản, mô hình lúa an toàn, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP… liên kết sản xuất giữa các xã trong vùng dự án với tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi. Hỗ trợ các HTX sử dụng quản lý và khai thác có hiệu quả các công trình, trang thiết bị được Dự án VnSAT đầu tư...

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/du-an-vnsat-gop-phan-vao-tai-co-cau-nong-nghiep-dia-phuong-44510.html