Dự án xây dựng Cảng vận chuyển hàng hóa ở Bắc Ninh vẫn khó giải phóng mặt bằng
Phần lớn hộ dân chưa đồng tình ủng hộ bàn giao mặt bằng khiến việc triển khai gặp nhiều khó khăn.
Dự án Đầu tư xây dựng Cảng vận chuyển hàng hóa tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh là cảng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc với công năng cảng hàng hóa tổng hợp, khi đi vào vận hành đóng góp to lớn phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn hộ dân chưa đồng tình ủng hộ bàn giao mặt bằng khiến việc triển khai gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Công Ký, Chủ tịch UBND huyện Gia Bình, dự án Đầu tư xây dựng Cảng vận chuyển hàng hóa tại xã Cao Đức do Công ty TNHH Cảng và Tuyển than An Phú làm chủ đầu tư tại khu xứ đồng Bãi Kênh, Bãi Nở thôn Văn Than, thôn Trại Than, xã Cao Đức, diện tích gần 30.000m2 gồm hơn 1.700m2 đất sản xuất kinh doanh; hơn 27.800m2 đất bằng trồng cây hàng năm khác và hơn 226,2 đất giao thông.
Dự án được UBND tỉnh Bắc Ninh giới thiệu địa điểm lập đề xuất dự án tại văn bản 4416/UBND-XDCB ngày 15/11/2018 và được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý bổ sung vào quy hoạch chi tiết hệ thống cảng đường thủy nội địa quốc gia theo văn bản số 13215/BGTVT-KHĐT ngày 17/12/2018 và có quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 69/QĐ-UBND ngày 31/10/2019 của UBND tỉnh Bắc Ninh và được UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư tại quyết định số 529/QĐ-UBND ngày 3/10/2024.
Theo đó, dự án Đầu tư tư xây dựng Cảng vận chuyển hàng hóa tại xã Cao Đức được đầu tư với mục tiêu xây dựng cảng vận chuyển hành hóa sử dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường và phù hợp với quy hoạc xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cảng được xây dựng quy mô cảng cấp II, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 950 tấn, xem xét mở rộng đến 1.500 tấn. Tổng mức đầu tư dự kiến 39,5 tỷ đồng. Dự án giải phóng mặt bằng từ tháng 12/2018-6/2025; xây dựng cảng, lắp đặt máy móc thiết bị từ tháng 6/2025-6/2026 và đi vào hoạt động tháng 6/2026.
Dự kiến khi đi vào vận hành, đây sẽ là cảng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc, có vai trò tập kết, trung chuyển, thông quan hàng hóa của các tỉnh khu vực phía Bắc; góp phần đóng góp sự phát triển kinh tế địa phương cũng như khu vực.
Để triển khai dự án, UBND huyện Gia Bình ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện dự án, thông báo về việc thu hồi đất để thực hiện dự án. Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện đã phối hợp với Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Cao Đức tổ chức hội nghị họp triển khai chủ trương, thông báo thu hồi đất, gửi hồ sơ tài liệu pháp lý liên quan và tuyên truyền chính sách đến người có đất thu hồi theo quy định. Hội đồng bồi thường, Đơn vị tư vấn thu hồi đất (Trung tâm phát triển Quỹ đất tỉnh Bắc Ninh) tiến hành quy chủ, kiểm đếm đất đai, tài sản trên đất.
Tuy nhiên các hộ không đồng ý thu hồi đất, không phối hợp để quy chủ, kiểm đếm đất đai, tài sản trên đất. Lý do người dân cho rằng việc thu hồi đất là để xây dựng cảng than (không phải Cảng vận chuyển hàng hóa), gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư, ảnh hưởng đến an toàn giao thông khu dân cư.
Ngay sau đó, Hội đồng bồi thường, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã làm việc, đối thoại với các hộ dân, tuy nhiên, phần lớn hộ dân không đồng tình, ủng hộ. Cùng với đó, Hội đồng bồi thường huyện có thông báo, tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo phương án bồi thường phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Trong số đó, tổng diện tích bồi thường hơn 29.500m2; kinh phí bồi thường hơn 12,7 tỷ đồng của 122 hộ. Trong đó về đất 119 hộ, về tài sản 3 hộ.
Kết quả 20/122 hộ đã nhận tiền bồi thường, có 3 trường hợp người thân đã nhận tiền; 99 hộ chưa nhận tiền.
Đến nay, huyện Gia Bình đã ban hành các quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Bởi, nếu không cưỡng chế thì ảnh hưởng đến tư tưởng những người đã nhận tiền ủng hộ dự án; khó khăn cho chính quyền địa phương trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và ổn định an ninh cơ sở; ảnh hưởng đến việc thu hồi đất các dự án khác trên địa bàn; ảnh hưởng thu hút đầu tư và tạo tiền lệ xấu về hiệu lực quản lý nhà nước của huyện.
“Mặc dù UBND huyện đã lên kế hoạch cưỡng chế giải phóng mặt bằng vào sáng 26/12, từ nay đến khi cưỡng chế, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, mong muốn người dân đồng tình, ủng hộ. UBND huyện tiếp tục bố trí cán bộ trực, sẵn sàng chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng nếu người dân đồng ý”, ông Nguyễn Công Ký nói.