Dự báo áp lực bán ròng của khối ngoại giảm bớt về cuối năm, triển vọng cổ phiếu BĐS, ngân hàng ra sao?

Theo vị chuyên gia từ Chứng khoán Rồng Việt, cổ phiếu bất động sản và ngân hàng có triển vọng hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế dần theo thời gian. Tuy nhiên, câu chuyện phân hóa và chọn lọc cổ phiếu tiếp tục là khuyến nghị đầu tư chính, mà VDSC hướng đến những doanh nghiệp bất động sản có dự án sắp mở bán, có quỹ đất lớn, quỹ đất tập trung ở những đô thị loại 1; hay những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt...

Tháng 5, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục chứng kiến đà hồi phục. Kết phiên 31/5, VN-Index đạt 1.261,72 điểm, tăng hơn 4% so với thời điểm đầu tháng và tăng hơn 8% so với đầu năm. Thanh khoản trung bình phiên (HOSE) đạt 21,788 tỷ đồng trong tháng.

Tuy nhiên, trái ngược với diễn biến tăng điểm của thị trường, khối ngoại tiếp tục miệt mài bán ròng trên HOSE. Số liệu từ VietstockFinance cho thấy trong tháng, khối ngoại đã bán gần 16.695 tỷ đồng trên HOSE. Tổng cộng trong tháng có tới 16/22 phiên chứng kiến bán ròng, trong đó 8 phiên bán ròng với giá trị trên 1.000 tỷ, cao nhất có phiên lên tới 1.700 tỷ. Chỉ có 6/22 phiên mua ròng, giá trị cao nhất cũng hơn 550 tỷ đồng.

Lũy kế 5 tháng, ước tính bán ròng của khối ngoại đã vượt 35.000 tỷ, hơn cả con số gần 24.500 tỷ đồng bán ròng cả năm 2023.

Bên lề Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai năm 2024 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2024) do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức chiều 6/6, ông Đỗ Thanh Tùng, Phó giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã có một số chia sẻ nhanh với truyền thông về triển vọng thị trường chứng khoán, xu hướng bán ròng của khối ngoại cũng như triển vọng một số nhóm cổ phiếu trong những tháng còn lại của năm.

 Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt. Ảnh: NVCC

Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt. Ảnh: NVCC

PV: Sau diễn biến khá tích cực trong tháng 5, thị trường chứng khoán tháng 6 tiếp tục có những phiên giao dịch sôi động. Ông có đánh giá gì về triển vọng thị trường tháng 6, đâu sẽ là điểm nhấn mà nhà đầu tư cần lưu ý?

Tháng 6 cũng là thời điểm tiến gần đến mùa báo cáo tài chính quý II. Việc tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn là điểm nhấn chính cho tăng trưởng của thị trường chứng khoán, trong khi một xu hướng đáng lưu ý của năm nay là kỳ vọng về phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế nói chung cũng như rất nhiều doanh nghiệp niêm yết. Một số cổ phiếu mà chúng tôi khuyến nghị đến nhà đầu tư là các cổ phiếu nhóm thép, xuất khẩu, bán lẻ. Đây là những nhóm ngành chúng tôi kỳ vọng sẽ có những bước tiến đáng chú ý trong tháng 6 và năm nay.

PV: Ông nhận định ra sao về câu chuyện bán ròng của khối ngoại?

Xu thế bán ròng của khối ngoại đã diễn ra từ cuối năm 2023 và tiếp tục tiếp diễn trong 2024, mà nguyên nhân có thể kể đến là do sự mất giá của VND và chiến lược đầu tư của một số quỹ ngoại.

Gần đây, diễn biến bán ròng của khối ngoại rất mạnh khi VND mất giá khá mạnh trong tháng 4 qua, nhưng phải thấy đặc thù là việc bán ròng tập trung khá lớn vào một số nhóm: nhóm ngành BĐS, mới đây là ngân hàng và nhóm tiêu dùng. Điều này hàm ý sự lo ngại của khối ngoại về rủi ro đặc thù của từng nhóm ngành trên.

Về diễn biến nửa cuối năm, chúng tôi cho rằng vấn đề tỷ giá vẫn nằm trong kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước với nhiều công cụ chính sách tiền tệ. Áp lực tỷ giá có thể nguôi ngoai trong nửa cuối năm, từ đó làm giảm bớt đà bán ròng của khối ngoại.

Dù vậy, khi xét đến cụ thể từng nhóm ngành thì ,mức độ bán ròng còn phụ thuộc vào đặc thù riêng của những nhóm ngành và chiến lược của từng quỹ. Do đó, có khả năng đà bán ròng của khối ngoại vẫn có thể tiếp diễn ở một số nhóm ngành hoặc cổ phiếu cụ thể.

PV: Ông vừa nhắc đến cổ phiếu bất động sản đang có những e ngại về rủi ro đặc trưng của ngành này như pháp lý... Nhưng có một số ý kiến cho rằng thời điểm này là vùng đáy để có thể chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn, mà gần nhất là tháng 8 tới khi Luật đất đai sửa đổi dự kiến có hiệu lực. Vậy theo ông, cơ hội sắp tới cho cổ phiếu bất động sản ra sao?

Nhóm ngành bất động sản là nhóm chịu áp lực rất nhiều trong những chu kỳ suy thoái. Trong 2 năm vừa rồi, các doanh nghiệp bất động sản cũng có khá ít dự án cung ra thị trường. Điều này cùng kết hợp với sức mua của người dân, thu nhập của người dân, dẫn đến ảnh hưởng khá lớn tới tốc độ phục hồi của ngành nói chung.

Sắp tới, chúng tôi cho rằng khi Luật đất đai sửa đổi có hiệu lực, trong ngắn hạn sẽ tác động tích cực đến tâm lý đầu tư.

Tuy nhiên, về dài hạn hơn, chúng tôi cho rằng sóng cổ phiếu bất động sản có tính chọn lọc khá cao. Những doanh nghiệp được chúng tôi ưu tiên lựa chọn là những doanh nghiệp bất động sản có dự án sắp mở bán, có quỹ đất lớn, quỹ đất tập trung ở những đô thị loại 1 vì đây là những vùng có tốc độ phục hồi sớm nhất khi thị trường bất động sản vào chu kỳ phục hồi.

PV: Vậy còn triển vọng cho cổ phiếu ngân hàng thì sao, thưa ông?

Về nhóm cổ phiếu ngân hàng, đây là nhóm ngành có tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán do đặc thù tỷ trọng vốn hóa lớn. Thực tế từ đầu năm, nhóm ngành này đã dẫn dắt cho đà tăng trưởng của VN-Index khá ấn tượng, diễn biến của nhóm ngành trong đầu năm liên quan rất nhiều đến kết quả kinh doanh của ngành khi tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2023 bật tăng từ nền thấp cùng kỳ năm 2022 và nợ xấu có xu hướng giảm dần từ quý II/2023. Những điều này đã tác động tích cực đến tâm lý đầu tư.

Tuy nhiên từ BCTC quý I của các ngân hàng, phải thấy rằng vấn đề nợ xấu vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để, và chúng tôi cho rằng đây vẫn là một trong những lo ngại chính của thị trường với nhóm ngành này. Đây cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu ngân hàng chứng kiến 1 đợt điều chỉnh nhẹ sau khi có BCTC quý I.

Nửa cuối năm, nền kinh tế vẫn trong quá trình phục hồi với những chỉ báo sáng về dòng vốn FDI, xuất nhập khẩu, cùng với đó là những chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ từ chính phủ. Chúng tôi kỳ vọng quá trình phục hồi sẽ tiếp tục diễn ra theo thời gian, qua đó kéo theo hoạt động kinh tế và nhu cầu tín dụng tăng trở lại trong nửa cuối năm nay. Cùng với đó, thu nhập của người dân kỳ vọng cải thiện, kéo theo triển vọng nợ xấu ngân hàng cải thiện, điều này sẽ tạo nên những tín hiệu tích cực cho ngành ngân hàng.

Tuy nhiên chúng tôi không cho rằng tất cả các ngân hàng có thể hưởng lợi từ xu thế phục hồi này, mà đó tiếp tục là câu chuyện về sự phân hóa, chọn lọc. Chúng tôi đang hướng đến những cổ phiếu ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn vì những ngân hàng này có năng lực xử lý vấn đề nợ xấu tốt hơn, đảm bảo mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cho những quý tiếp theo.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/du-bao-ap-luc-ban-rong-cua-khoi-ngoai-giam-bot-ve-cuoi-nam-trien-vong-co-phieu-bds-ngan-hang-ra-sao.html