Dự báo: Bão số 6 đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ chiều tối 10-11, do ảnh hưởng của bão số 6, trên đất liền ven biển các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11.
Gia Lai, Đắk Lắk gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 1,5 - 2,5m.
Hồi 4 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Từ 4 giờ ngày 10 đến 4 giờ ngày 11-11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Vào khoảng 4 giờ ngày 11-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh: Phía Bắc vĩ tuyến 11,0 độ Vĩ Bắc.
Từ sáng 11 đến sáng 12-11, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến khoảng 4 giờ ngày 12-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Bắc Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13. Sóng biển cao 5-7m; biển động rất mạnh. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao 4-6m. Biển động rất mạnh.
Do ảnh hưởng của bão số 6, từ ngày 10-11 đến ngày 12-11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực: Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, Đắk Nông, Lâm Đồng 100-150mm; Bình Định đến Khánh Hòa 200-300mm, cục bộ có nơi hơn 300mm; khu vực Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk 100- 200 mm.
Tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước các sông ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, phía Nam tỉnh Phú Yên, phía Nam tỉnh Khánh Hòa và khu vực Bắc Tây Nguyên lên mức báo động 1- báo động 2, có sông lên trên báo động 2. Các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Bắc Phú Yên, Bắc Khánh Hòa lên mức báo động 2- báo động 3 và trên báo động 3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Riêng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra ngập lụt diện rộng và ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão là cấp 3. (THANH HẢI)
* Sáng 10-11, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định, Sở Chỉ huy nhẹ Bộ tư lệnh Quân khu 5 về ứng phó với bão số 6 họp nắm tình hình và triển khai những biện pháp khẩn cấp phòng, chống bão số 6. Thiếu tướng Cao Phi Hùng, Phó tư lệnh Quân khu 5 chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của các đơn vị Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định và các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn thì công tác phòng, chống bão số 6 đang được triển khai quyết liệt.
Các đơn vị đã chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, hệ thống mái nhà, bảo đảm an toàn tuyệt đối; triển khai lực lượng giúp nhân dân gia cố đê, kè ở các vị trí xung yếu ven sông, ven biển; kêu gọi 6.233 tàu/43.179 người và di dời hàng nghìn hộ dân đến nơi trú tránh an toàn… Các đơn vị cũng đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, phương tiện, lực lượng ứng trực 24/24 để sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra.
Kết luận cuộc họp, Thiếu tướng Cao Phi Hùng yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, quy định, công điện của Trung ương, Ủy ban Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp và của Bộ tư lệnh Quân khu 5; tiếp tục rà soát, kiểm tra lại toàn bộ công tác bảo đảm an toàn cho doanh trại, kho tàng, vũ khí trang bị của đơn vị; tham mưu và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai các hoạt động chặt chẽ, an toàn; bảo đảm tốt chỉ huy, thông tin trước, trong và sau bão; đồng thời có các phương án sẵn sàng khắc phục hậu quả sau bão... (Tin, ảnh: NGUYỄN ANH SƠN)