Dự báo chỉ số giá tiêu dùng: Không thể nói… khó!

Việc theo dõi và dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luôn là hoạt động quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô, cũng là yêu cầu tự thân của từng cá nhân hoặc mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh. Trong tháng 4-2014, CPI cả nước chỉ tăng 0,08% và là mức tăng thấp nhất trong 13 năm qua. Như vậy, yêu cầu đặt ra là phân tích và dự báo về khả năng diễn biến CPI để tìm cách điều chỉnh một cách kịp thời, hợp lý…

Sức cầu còn hạn chế

Diễn biến CPI tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng không có sự chuyển hướng để sôi động hơn và làm "nóng" thị trường… Cụ thể, sau khi CPI tại Hà Nội giảm trong tháng 3 thì đã tăng trở lại trong tháng 4, tuy nhiên mức tăng không đáng kể (tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 6,27% so với cùng kỳ năm 2013). Trong khi đó, CPI của TP Hồ Chí Minh lại giảm 0,04% so với tháng trước, cho thấy sự ảm đạm trên thị trường lớn nhất cả nước, với hơn 10 triệu người tiêu dùng. Thực tế trên cũng cho thấy, thị trường vẫn trong xu thế trầm lắng, sức cầu rất yếu, chưa có dấu hiệu sẽ chuyển biến tích cực trong tương lai gần. Xét về mặt sản xuất, CPI cả nước tăng thấp đang gây áp lực về tiêu thụ sản phẩm đối với các doanh nghiệp, làm "nguội" hoạt động sản xuất đang được các cấp điều hành cũng như nền kinh tế mong mỏi trong suốt 4 tháng qua.

Khách hàng lựa chọn các sản phẩm tại Siêu thị BigC. Ảnh: Trung Kiên

Khách hàng lựa chọn các sản phẩm tại Siêu thị BigC. Ảnh: Trung Kiên

Ngay từ đầu năm, các chuyên gia dự báo, CPI năm 2014 có xu hướng tăng khá so với năm trước, tuy nhiên mức tăng này cũng chỉ xấp xỉ bằng mục tiêu mà Quốc hội thông qua. Mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, lạm phát của Việt Nam nhiều khả năng sẽ dưới mức 7% trong năm 2014 và nằm trong giới hạn cho phép. Cơ sở của dự báo là, trong bối cảnh tổng cầu nói chung hồi phục chậm, sức mua của đại bộ phận người tiêu dùng chưa cải thiện đáng kể thì áp lực đối với lạm phát không quá gay gắt. Nhưng, CPI vẫn thể hiện rõ đặc điểm "truyền thống" là sẽ tăng dần qua các tháng, tính từ thời điểm sau nửa năm đến Tết âm lịch. Đây là những cơ sở tổng quát để theo dõi, kiểm chứng cũng như đưa ra quyết sách trong công tác điều hành đối với các cấp quản lý TƯ và địa phương.

Tăng cường chất lượng dự báo

CPI chính xác sẽ là bao nhiêu? Nếu tính theo từng tháng và cả năm thì phải chờ đến từng thời điểm cụ thể. Trên thực tế, chỉ số phân nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống (chủ yếu gồm lương thực, thực phẩm) thường chiếm tỷ trọng cao trong CPI, nhưng nó lại phụ thuộc vào diễn biến thời tiết, diễn biến hoạt động sản xuất nông nghiệp, có tính đến yếu tố gắn liền với thời vụ. Vì vậy, nếu thời tiết thuận lợi, mùa vụ cho thu hoạch tốt thì sẽ là điều kiện quan trọng, đủ sức "neo" giá các loại nông sản và thực phẩm; từ đó kìm hãm mức tăng CPI nói chung. Bên cạnh đó, đến nay chỉ số giá của nhóm bưu chính - viễn thông cùng nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đã xác lập được "ngưỡng mới" là ổn định hoặc giảm dần qua thời gian - cũng sẽ là yếu tố tích cực để khống chế tốc độ lạm phát.

Một số chuyên gia đã tỏ ra lạc quan về tình hình ổn định trên thị trường nhiên liệu quốc tế, cũng như dự đoán sẽ tiếp tục ổn định trong những tháng còn lại của năm 2014. Đây là điều kiện rất quan trọng, có tính chất nền tảng và quyết định đến kết quả CPI. Ngược lại, nếu xảy ra biến động nào đó, như bất ổn chính trị tại các quốc gia, khu vực chuyên cung cấp dầu mỏ, hoặc thảm họa thiên nhiên sẽ dẫn đến ách tắc, khan hiếm nguồn cung và chắc chắn sẽ đẩy giá nhiên liệu tăng nhanh chóng. Trong kịch bản này, CPI trong nước sẽ tăng vì giá xăng dầu nhập khẩu đầu vào của Việt Nam phải tăng tương ứng với mức tăng chung trên thị trường thế giới. Một ẩn số khác là tình hình thời tiết trên các vùng lãnh thổ vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, bất ngờ; nhất là nguy cơ cao về lũ, lụt nghiêm trọng trong mùa mưa bão tại khu vực Tây Bắc, miền Trung hoặc tình trạng nước biển dâng, ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế cho thấy, rất khó dự đoán được "chuyện của Trời", nên biện pháp ứng phó tốt nhất là chuẩn bị tốt phương án dự phòng, chủ động xử lý khi sự cố xảy ra.

Xét từ các nhóm hàng khác, nói chung giá bán sẽ khá ổn định do quan hệ cung - cầu đã được thiết lập bền vững và diễn ra phù hợp với sức mua của xã hội. Đến nay, nền kinh tế đã đảm nhận được phần lớn các sản phẩm phục vụ đời sống dân sinh, theo hướng đa dạng và phong phú về chủng loại. Sau cùng, cơ quan chức năng cần minh bạch hóa thông tin cũng như lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu giai đoạn 2014-2015 theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Ngoài ra, các hoạt động nhằm bình ổn thị trường như thu mua nông sản, trong đó tập trung vào mặt hàng gạo cũng sẽ góp phần giữ giá và hỗ trợ đời sống cho nông dân. Tuy vậy, tại thời điểm hiện nay, chuyên gia dự báo tỷ lệ lạm phát của Việt Nam cả năm 2014 sẽ đạt khoảng 6,84%.

Anh Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/682408/du-bao-chi-so-gia-tieu-dung-khong-the-noi%E2%80%A6-kho