Dự báo chính sách đối ngoại của ông Trump ở nhiệm kỳ thứ 2
Chiến thắng của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng đặt ra câu hỏi về những định hướng trong chính sách đối ngoại sắp tới của Mỹ đối với các vấn đề, khu vực trên thế giới.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, đánh dấu sự trở lại Nhà Trắng sau bốn năm. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam (VN) tại Mỹ (2014-2018), về tác động từ chiến thắng của ông Trump tới nền chính trị toàn cầu.
Đối ngoại vẫn sẽ phục vụ “Nước Mỹ trước tiên”
. Phóng viên: Từ những gì ông Trump đã làm trong nhiệm kỳ trước (2017-2021) và những tuyên bố mà ông đưa ra xuyên suốt chiến dịch tranh cử vừa qua có thể hình dung chính sách đối ngoại của ông thời gian tới ra sao, thưa đại sứ?
+ Đại sứ Phạm Quang Vinh: Thứ nhất, trong cuộc tranh cử lần này ông Trump nhấn rất mạnh vào cương lĩnh của đảng Cộng hòa, đặc biệt theo đuổi chủ thuyết “Nước Mỹ trước tiên” và “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Chắc chắn trong quan hệ với các nước, ông Trump vẫn sẽ tiếp tục nhấn mạnh chủ thuyết “Nước Mỹ trước tiên” mà cá nhân ông theo đuổi. Thứ hai, nếu nhìn vào cả nhiệm kỳ trước và những gì ông Trump làm, ông vẫn sẽ rất cần tranh thủ quan hệ với thế giới, đặc biệt là quan hệ với các đồng minh, đối tác.
Với châu Âu, cách làm của ông Trump có lẽ vẫn thúc đẩy quan hệ nhưng sòng phẳng hơn và cũng sẽ có những yêu cầu, đòi hỏi. Ví dụ như yêu cầu đồng minh ở châu Âu hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải chia sẻ gánh nặng liên quan đến an ninh, quốc phòng, hay là câu chuyện với các nước châu Âu hoặc nước khác ở phương Tây.
Sòng phẳng, công bằng, có đi có lại cũng là điều ông Trump đòi hỏi ở các đối tác kinh tế lớn của Mỹ. Ông Trump từng yêu cầu những nước châu Âu như Pháp, Đức hoặc một số nước châu Á như Nhật là trong thương mại cũng phải minh bạch và công bằng với nước Mỹ.
Điểm đáng chú ý nữa trong chính sách đối ngoại sắp tới của ông Trump là câu chuyện liên quan đến cạnh tranh nước lớn. Trong nhiệm kỳ lần trước, ông Trump đã đưa vấn đề này lên thành cạnh tranh chiến lược. Vấn đề này cũng là sự đồng thuận của hai đảng ở Mỹ, cho nên dù chính quyền nào đi nữa, cạnh tranh nước lớn vẫn sẽ tiếp tục và có lẽ cạnh tranh nước lớn theo quan điểm của ông Trump sẽ thiên nhiều hơn về kinh tế, công nghệ, thương mại để lấy lại sự công bằng và lợi ích cho nước Mỹ.
Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) chắc chắn vẫn sẽ là mối quan tâm hàng đầu của Mỹ, tác động nhiều chiều đến thế giới và khu vực. Cạnh tranh nước lớn có những hệ lụy khiến thế giới phát triển khác đi.
Không muốn Mỹ sa lầy vào các điểm nóng xung đột
. Với một số cuộc khủng hoảng đang xảy ra, ông Trump có cách tiếp cận khác so với chính quyền hiện tại thế nào, thưa đại sứ?
+ Đối với Trung Đông, cả hai đảng ở Mỹ đều ủng hộ đồng minh Israel. Tuy nhiên, ông Trump muốn Israel phải xử lý nhanh chóng các vấn đề liên quan đến lực lượng Hamas, chấm dứt cuộc chiến ở Gaza và ông không nói gì đến câu chuyện về Palestine. Trong khi đó, chính quyền Biden - Harris nhấn mạnh đến cả hai, ủng hộ Israel nhưng cũng chỉ trích những hành động quá mức của Israel và muốn tháo gỡ cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.
Nhìn lại quá khứ, ông Trump từng muốn thúc đẩy nối lại hòa bình giữa các nước Israel và vùng Vịnh với thỏa thuận Abraham. Có thể quan điểm này sẽ trở lại, đi kèm với việc kiềm chế Iran, ủng hộ Israel chống Hamas nhưng vẫn thúc đẩy những câu chuyện của nước Mỹ liên quan đến vùng Vịnh, thúc đẩy vùng Vịnh nối lại quan hệ với Israel.
Với câu chuyện Ukraine, ông Trump từng nhấn mạnh rằng trong mẫu chung của các cuộc khủng hoảng, nước Mỹ không muốn có những cuộc chiến vô bổ và kéo dài vĩnh viễn, mãi mãi mà không có hồi kết. Dù là câu chuyện Trung Đông hay Ukraine, ông Trump không muốn có những cuộc chiến và không muốn nước Mỹ sa lầy vào những vấn đề đó.
Trong quá trình tranh cử, ông Trump từng nói “có thể giải quyết câu chuyện (Ukraine) trong 24 giờ”. Hiện chưa thể biết việc đó sẽ diễn ra như thế nào. Tháng 9-2024, ông Trump gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Dù không biết nội dung gì đã được trao đổi nhưng tựu trung ông Trump không muốn can thiệp vào những câu chuyện xung đột trên khắp thế giới. Ông Trump cũng từng nhắc đến việc Nga và Ukraine cần phải “hòa đàm”. Theo đó, ông Trump có thể sử dụng viện trợ nhằm “mặc cả” với cả Ukraine và Nga để hai bên có áp lực ngừng bắn.
Những chính sách chung của ông Trump ở khu vực châu Á, chẳng hạn với TQ hay các đồng minh khác bao gồm ASEAN, sẽ có những ảnh hưởng và cần có sự thay đổi cách tiếp cận. Chính sách của ông Trump khác với ông Biden, có những ưu tiên khác, ví dụ như thương mại, thặng dư, thâm hụt, công nghệ… Vì vậy, phía VN cần phải nghiên cứu những ưu tiên mới của ông Trump để tính hướng gắn kết và phát triển - Đại sứ Phạm Quang Vinh.
Châu Á vẫn rất quan trọng với ông Trump
. Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì sao, thưa đại sứ?
+ Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, năm 2017, ông Trump đã đưa chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào thực tế và chắc ông sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược này. Châu Á - Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là những khu vực quan trọng với nước Mỹ, với ông Trump và cả hai đảng.
Trong bối cảnh đan xen câu chuyện cạnh tranh nước lớn và tranh thủ các đối tác như thế nào nếu cạnh tranh Mỹ - TQ vẫn tiếp tục và gia tăng, ông Trump vẫn cần tranh thủ các đối tác và đồng minh ở khu vực này. Tuy nhiên, cách tranh thủ của ông Trump sẽ khác so với chính quyền Tổng thống Joe Biden, đó là vẫn làm ăn kinh tế nhưng phải công bằng, sòng phẳng với nhau và ông Trump sẽ nhấn ít hơn các yếu tố về mặt chính trị, chẳng hạn như bao vây, kiềm chế TQ.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ông Trump, dù có thể không bằng như trước.
. Đại sứ dự báo gì về sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ vốn đã được vun đắp suốt thời gian qua?
+ Với VN, suốt hơn 30 năm qua, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều ủng hộ câu chuyện xây đắp và nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ. Vì vậy có nền tảng chắc chắn rằng những gì đang có hiện nay, bao gồm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, vẫn sẽ được tiếp tục và củng cố.
Trong quan hệ Việt - Mỹ, cả nước Mỹ có lợi và VN cũng có lợi, lợi ích song trùng này sẽ tiếp tục gắn kết hai nước. Công ty và doanh nghiệp Mỹ cũng rất cần làm ăn ở VN, chính điều đó giúp thúc đẩy quan hệ.
Một điều nữa, ông Trump đã hai lần thăm VN và lần nào cũng có những đánh giá cao với VN. Đây là nền tảng rất tốt để tăng cường hiểu biết cấp cao và hợp tác trên nhiều mặt.
. Xin cảm ơn đại sứ. •
Lần này ông Trump sẽ thuận lợi hơn nhiệm kỳ đầu
Quan sát kỳ bầu cử năm nay của Mỹ, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng nhiệm kỳ thứ hai này ông Trump sẽ ở vị trí thuận lợi hơn rất nhiều so với nhiệm kỳ đầu khi mà đảng Cộng hòa cũng giành thắng lợi trong bầu cử.
Không chỉ nắm Nhà Trắng, đảng Cộng hòa cũng kiểm soát Thượng viện và đang dẫn trước cuộc đua ở Hạ viện. Đảng Cộng hòa cũng thắng ở cấp độ thống đốc các bang. Có thể thấy đảng Cộng hòa đang lấy lại được sự ủng hộ của cử tri trong nước.
Với thế thắng này, cục diện khác hoàn toàn bầu cử giữa kỳ năm 2022 khi đảng Cộng hòa bị lấn át và chắc chắn bối cảnh này thuận hơn cho ông Trump trong việc triển khai những chính sách.
Nguồn PLO: https://plo.vn/du-bao-chinh-sach-doi-ngoai-cua-ong-trump-o-nhiem-ky-thu-2-post818984.html