Dự báo có 3 nhóm ngành sẽ 'lên ngôi' trong năm 2022, EVS Research chỉ tên 9 cổ phiếu tiềm năng nhà đầu tư không nên bỏ lỡ

EVS Research đánh giá với mức dự phóng EPS tăng trưởng 22% và mức P/E vào khoảng 16 lần, VN-Index năm 2022 có thể chạm mốc 1.663 điểm, tương ứng với mức tăng 11% so với mức đóng cửa cuối năm 2021.

Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Everest (EVS Research) đánh giá với mức dự phóng EPS tăng trưởng 22% và P/E vào khoảng 16 lần, VN-Index năm 2022 có thể chạm mốc 1.663 điểm, tương ứng với mức tăng 11% so với mức đóng cửa cuối năm 2021.

EVS Research tin rằng triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022 vẫn sẽ lạc quan nhờ các yếu tố (1) Khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt giúp thị trường vẫn giữ được sự lạc quan về nền kinh tế; (2) Các gói hỗ trợ tài khóa, kích thích sự phục hồi của các doanh nghiệp được đưa ra; (3) Các Hiệp định thương mại quốc tế có hiệu lực kết hợp thúc đẩy đầu tư công đón đầu làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài; (4) Làn sóng nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán không chỉ là hiện tượng mà sẽ là xu hướng trong dài hạn, hỗ trợ thanh khoản VN-Index chinh phục những mốc đỉnh mới.

"Mặt khác, thị trường vẫn tiềm ẩn những rủi ro về việc đại dịch Covid-19 có thể tái bùng phát với các biến chủng mới. Tuy nhiên xác suất xảy ra giãn cách xã hội sẽ không cao do chủ trương của Chính phủ đã thay đổi thành "thích ứng an toàn, lịnh hoạt, kiểm soát có hiệu quả" vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội", báo cáo của EVS nêu rõ.

Từ những yếu tố trên, EVS chỉ ra ba nhóm ngành tiêu biểu mà nhà đầu tư không nên bỏ qua trong năm 2022.

Thứ nhất, nhóm ngân hàng, EVS cho biết tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục được duy trì ở mức cao với kỳ vọng 12%-14% do nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh gia tăng và nhu cầu vay mua nhà tiếp tục tăng. Nhóm ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao, chất lượng tài sản tốt sẽ tiếp tục được cấp thêm hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành.

Tuy chất lượng tài sản suy giảm nhưng EVS cho rằng vẫn trong tầm kiểm soát. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) và nợ xấu mở rộng tăng lần lượt 0,21% và 0,56% dù đã nhận được sự hỗ trợ từ Thông tư 14 của Chính Phủ - kéo giãn thời hạn cho phép tái cơ cấu nợ cũng như cung cấp các gói hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên các ngân hàng cũng đã rất thận trọng trong việc gia tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LDR) so với cuối năm 2020.

Đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay cá nhân cao, đây sẽ là "con dao hai lưỡi" khi vừa giúp các ngân hàng tăng trưởng được lợi nhuận nhưng cũng đi cùng rủi ro gia tăng nợ xấu. Mặt khác, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn sẽ không phải chịu nhiều áp lực về trích lập dự phòng. Đánh giá về nhóm ngân hàng, EVS cho rằng VCB, TCB, MSB là những mã có tiềm năng lớn.

Thứ hai, nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp. Theo các chuyên gia phân tích của EVS, nhóm bất động sản khu công nghiệp vẫn có tiềm năng phát triển nhờ nhiều yếu tố tích cực từ nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ. Tính đến quý 3/2021, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các KCN tại miền Bắc và miền Nam đạt 78.5% và 87.2%. Nhu cầu thuê đất khu công nghiệp trong 2021 đã bị ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19 làm gián đoạn việc đi chuyển nội địa cũng như các chuyến bay quốc tế.

Tuy nhiên, với việc dòng tiền FDI liên tục tìm tới Việt Nam cùng với việc Chính phủ thay đổi các phòng chống dịch và tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng vào các dự án trọng điểm như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái kết nối các thành phố trung ương với trung tâm kinh tế Hà Nội và Hồ Chí Minh sẽ thúc đẩy sự phát triển cho ngành bất động sản khu công nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp có quỹ đất để khai thác và cho thuê trong 3 năm tới sẽ nổi bật trong xu hướng tăng trưởng của ngành. Những cái tên tiêu biểu nhất trong ngành được EVS kể đến là SZC, BCM, KBC.

Thứ ba, nhóm ngành bán lẻ cũng được kỳ vọng sẽ có dư địa tăng trưởng tốt trong năm 2022. EVS cho rằng trong năm 2021 lĩnh vực bán lẻ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những biện pháp giãn cách xã hội.

Tuy nhiên rất nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi và thích ứng bằng cách ứng dụng công nghệ vào mô hình kinh doanh với động thái lấn sân sang mảng TMĐT. Cùng với sự quyết liệt của Chính phủ thức đẩy chiến dịch tiêm chủng, kỳ vọng năm 2022 sẽ không còn tình trạng giãn cách xã hội sẽ là tiền đề để ngành bán lẻ phục hồi.

Các động lực khác thúc đẩy cho sự tăng trưởng của ngành bán lẻ có thể kể đến như (1) Tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến xu hướng làm việc, học tập tại nhà phát triển, thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng điện thoại, máy tính bảng, laptop,… (2) Cơ cấu dân số trẻ sẵn sàng đẩy mạnh chi tiêu tại các thành phố nhỏ và khu vực ngoại ô và (3) Sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng từ mô hình Tạp hóa truyền thống sang Cửa hàng hiện đại (đặc biệt là các siêu thị và cửa hàng tiện ích) và Thương mại điện tử (web, app,…). EVS cho rằng MWG, PNJ, PET sẽ là những cổ phiếu bán lẻ được hưởng lợi bởi những yếu tố trên.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/du-bao-co-3-nhom-nganh-se-len-ngoi-trong-nam-2022-evs-research-chi-ten-9-co-phieu-tiem-nang-nha-dau-tu-khong-nen-bo-lo-420227215505839.htm