Dự báo dân số thủ đô mới của Indonesia
Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời người đứng đầu Chính quyền thành phố thủ đô mới (IKN) Nusantara của Indonesia Bambang Susantono cho biết khu vực này sẽ là nơi sinh sống của khoảng 1,7 - 1,9 triệu người vào năm 2045.
Phát biểu tại một sự kiện mới đây, ông Bambang cho hay quá trình phát triển thủ đô mới sẽ được thực hiện trong ba giai đoạn chính 2024, 2035 và 2045. Vào năm 2045, Nusantara sẽ là vùng kinh tế có khả năng thúc đẩy Indonesia trở thành một quốc gia phát triển.
Cũng theo ông Bambang, diện tích của thủ đô mới nằm ở tỉnh Đông Kalimantan sẽ lớn gấp 4 lần Jakarta, tương đương khoảng 56.000 ha. Đây cũng sẽ là một khu rừng nhiệt đới vì chỉ 25% tổng diện tích được dành cho xây dựng. Ông Bambang nhấn mạnh: “Rừng nhiệt đới đó sẽ là nơi hấp thụ khí thải carbon rất lớn. Đây là lý do tại sao khái niệm xây dựng thương hiệu này được thế giới đánh giá cao”.
Dự án phát triển thủ đô mới đã được khởi động, bao gồm việc chuẩn bị đất, xây dựng các tuyến đường phục vụ hậu cần, và hạ tầng cung cấp nước sạch.
Chính phủ Indonesia lần đầu tiên công bố kế hoạch chuyển thủ đô khỏi đảo Java đông dân nhất thế giới vào tháng 4/2019. Vài tháng sau đó, Tổng thống Joko Widodo công bố hai huyện Bắc Penajam Paser và Kutai Kertanegara thuộc tỉnh Đông Kalimantan được lựa chọn là địa điểm đặt thủ đô mới.
Nusantara sẽ đóng vai trò là trung tâm hành chính của Indonesia, trong khi Jakarta - thủ đô hiện tại và là nơi sinh sống của trên 10 triệu dân - sẽ vẫn là trung tâm kinh tế và tài chính của Indonesia.
Việc khởi công dự án xây dựng trị giá hàng tỷ USD này ban đầu dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 8/2020, nhưng đại dịch COVID-19 đã buộc chính phủ phải tạm dừng kế hoạch này.
Đầu năm nay, Quốc hội Indonesia đã thông qua Luật về thành phố thủ đô quốc gia. Tiếp đó ngày 15/2, luật này được Tổng thống Joko Widodo chính thức phê chuẩn, trong đó quy định rằng ban lãnh đạo Chính quyền Nusantara sẽ được lựa chọn, bổ nhiệm và miễn nhiệm trực tiếp bởi Tổng thống.
Nusantara sẽ được quản lý như một khu tự trị trên cơ sở Hiến pháp. Người đứng đầu chính quyền thủ đô mới sẽ mang hàm bộ trưởng nội các. Ngoài ra, Nusantara cũng sẽ được trao các quyền hạn rộng rãi để thực thi các nhiệm vụ, đồng thời linh hoạt trong việc quản lý địa phương mà không có sự can thiệp hoặc xung đột từ các bộ hoặc cơ quan chính phủ, cũng như các quy định khác.