Dự báo gần 7.000 người cần đào tạo nhưng thực tế không tuyển được ai?
Nhu cầu nhân lực phục vụ cho sân bay Long Thành rất lớn nhưng Đồng Nai vẫn loay hoay giải bài toán tìm đối tượng và khả năng đào tạo nghề cho những hộ dân nhường đất làm dự án.
Sân bay Long Thành đi vào hoạt động mang lại nhiều giá trị, lợi ích to lớn cho tỉnh Đồng Nai cũng như khu vực Đông Nam bộ và cả nước. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai vẫn loay hoay giải bài toán tìm đối tượng và khả năng đào tạo nghề cho những hộ dân nhường đất làm dự án trọng điểm của quốc gia, trong khi nhu cầu nhân lực phục vụ cho sân bay lại rất lớn.
Ưu tiên nhân lực tại chỗ
Tháng 7/2018, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án Đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành. Đề án này có tổng kinh phí 305 tỷ đồng, được giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai chủ trì thực hiện.
Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai là tạo điều kiện cho người dân địa phương, đặc biệt là con em những gia đình đã nhường đất phục vụ dự án tham gia làm việc trong sân bay, góp phần cung cấp nhân lực tại chỗ, an sinh xã hội, phát triển bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng: Cư dân ở vùng đất gần sân bay phải được ưu tiên vì họ giao đất cho sân bay, hy sinh cuộc sống của họ thì họ phải được phát triển cùng với sự phát triển của sân bay, không được đẩy họ ra khỏi sự phát triển đó. Ngoài ra, nói đến nhân lực phục vụ sân bay Long Thành là cần phải nhìn rộng hơn.
"Thực ra phải chuẩn bị nguồn lực cho cả vùng sân bay, không chỉ 5.000 ha sân bay Long Thành mà phải là 30.000 ha xung quanh sân bay, còn là thành phố sân bay trong tương lai. Và việc này cũng không chỉ cho đến năm 2026 vận hành sân bay mà còn là sự dài hơi trong quá trình phát triển", ông Lĩnh cho biết.
Nhu cầu nhân lực lớn
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết: Đến nay, chưa có người dân thuộc diện di dời nộp hồ sơ hỗ trợ học nghề. Nguyên nhân là giai đoạn 2016 – 2017, cơ quan chức năng ước lượng có khoảng 7.000 người có nhu cầu học nghề nhưng điều này chưa sát thực tế.
Việc dự báo không chính xác khiến nguồn kinh phí thực hiện đề án còn dư. Trong hơn 5.000 trường hợp thuộc diện tái định cư, hiện chỉ có khoảng 1.600 người ở khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Qua khảo sát, người dân ở khu tái định cư này cũng không có nhu cầu học nghề vì họ tự chuyển đổi nghề nghiệp.
Nói về nguyên nhân của việc này, bà Hiền cho biết: "Lúc đó sân bay chưa có gì hết, vẫn còn chưa giải tỏa được hộ dân nào. Dự báo khoảng 7.000 người, cuối cùng không được người nào hết. Lúc đó chưa hình thành gì đã phải trình Quốc hội rồi. Đây là tính toán không chuẩn xác".
Theo tính toán của đơn vị khai thác sân bay Long Thành, vào cuối năm 2026, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực phục vụ cho sân bay Long Thành gần 14.000 người. Đồng Nai có 21 trường (gồm 6 đại học, 10 cao đẳng, 5 trung cấp) đang đào tạo 78 ngành nghề nhưng chưa có trường nào đào tạo chuyên ngành về hàng không.
Ông Nguyễn Khánh Cường – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA 2 cho biết: Hiện nhà trường có một số ngành đào tạo tương đương với yêu cầu tay nghề phục vụ sân bay Long Thành. Vừa qua, phía nhà trường đã kết hợp với các huyện, các thành phố xung quanh sân bay để thông tin về chương trình đào tạo tới đúng đối tượng và các hoạt động khác để thu hút người học.
"Đồng thời, chúng tôi đang đề xuất chính sách hỗ trợ về học phí hoặc chính sách tín dụng cho con em hộ dân vay để đi học những ngành nghề phục vụ sân bay Long Thành. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng đề án, chúng tôi hy vọng sớm hoàn thành", ông Cường chia sẻ.
Thời điểm sân bay Long Thành giai đoạn 1 đi vào vận hành theo dự kiến là năm 2026 cũng đã gần kề. Do đó, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai cần khẩn trương xây dựng các chính sách cụ thể, thiết thực để vừa có nguồn nhân lực cho sân bay, vừa ổn định đời sống người dân trong khu vực.