Dự báo giá cà phê, cao su tiếp tục neo cao do nguồn cung thiếu hụt

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng, từ giờ đến hết quý III/2024, giá cà phê, cao su thế giới và trong nước sẽ tiếp tục neo cao do những lo ngại về thời tiết; nguồn cung vẫn trong trạng thái thâm hụt và từ nhu cầu của Trung Quốc đối với cao su, giá vẫn cao so với cùng kỳ.

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Phương Anh

PV: Ông đánh giá thế nào về thị trường cà phê, cao su trong nước và thế giới từ tháng 6/2024 đến nay?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Theo tôi, kể từ tháng 6/2024 đến nay, diễn biến giá cà phê, cao su trong nước và thế giới đều có những phiên biến động đặc biệt và đáng chú ý. Trong đó phải kể tới xu hướng “lệch nhịp” giữa giá cà phê thế giới và Việt Nam.

Theo MXV, giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) đã neo ở mức cao ròng rã suốt ba tháng qua. Đặc biệt, vào ngày 21/8, giá cà phê Robusta vừa xác lập mức đỉnh lịch sử mới khi tiến sát mốc 5.000 USD/tấn. Như vậy, giá cà phê thế giới đã tăng khoảng 80% so với đầu năm 2024 và cao gần gấp đôi mức giá ghi nhận vào cùng kỳ năm trước, tại 2.500 USD/tấn.

Trong nước, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ từ tháng 6 đến nay cũng vẫn nằm ở vùng giá cao, trong khoảng 117.300 - 128.500 đồng/kg. Tuy nhiên, thay vì xác lập được mức đỉnh lịch sử mới như giá cà phê thế giới, giá cà phê Việt Nam ngày 22/8 dừng lại dưới mốc 120.000 đồng/kg, tức là còn gần 11% để tiến về mức đỉnh lịch sử cũ được thiết lập vào cuối tháng 4 năm nay, mức 134.400 đồng/kg. Tuy vậy, với mức giá gần 120.000 đồng/kg, giá cà phê trong nước hiện tại vẫn cao hơn khoảng 50.000 đồng so với đầu năm và gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.

Biến đổi nguồn cung tác động lên mặt bằng giá

Nguyên nhân hàng đầu tác động lên diễn biến giá cà phê và cao su trong gần ba tháng qua vẫn là biến đổi của nguồn cung, cùng những rủi ro về thời tiết tại các vùng sản xuất chính.

Phân tích về diễn biến của thị trường cao su, giá cao su RSS3 trên Sở Giao dịch Hàng hóa Osaka (OSE) và giá cao su tự nhiên trên Sở Giao dịch Thượng Hải (SHFE) đều ghi nhận những chuyển biến khá tương đồng. Đóng cửa ngày 21/8, giá cao su trên Sở OSE đạt mức 339 Yên/kg (tương đương 2.325 USD/tấn), là mức cao nhất trong hai tháng và đang trên xu hướng tiến lại mức đỉnh 13 năm, ghi nhận vào ngày 7/6 tại 358 Yên/kg. Đồng thời, giá cao su trên Sở SHFE hiện tại cũng chạm mức cao nhất trong hơn hai tháng, tại 14.900 NDT/tấn (tương đương 2.090 USD/tấn).

Cùng chung xu hướng với diễn biến giá thế giới, giá cao su xuất khẩu từ Việt Nam ổn định ở mức từ đầu tháng 6 tới nay. Trong 15 ngày đầu tháng 8, mỗi tấn cao su xuất khẩu thu về 1.655 USD/tấn, thấp hơn so với giá thế giới, nhưng tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2023.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm trong những tháng qua?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Theo tôi, nguyên nhân hàng đầu tác động lên diễn biến giá cà phê và cao su trong gần ba tháng qua vẫn là biến đổi của nguồn cung, cùng những rủi ro về thời tiết tại các vùng sản xuất chính. Trên thị trường cà phê, lo ngại thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là sự thu hẹp sản lượng tại các quốc gia sản xuất chính như Việt Nam và Brazil tạo thành hỗ trợ quan trọng không chỉ giữ giá đứng vững ở vùng giá cao mà còn xác lập thêm kỷ lục lịch sử mới.

Tại Việt Nam, sản lượng cà phê vụ mới, 2024 - 2025 dự kiến giảm sâu, về mức thấp nhất 13 năm trong khi nguồn cung vụ mới cạn kiệt, khiến hoạt động xuất khẩu trở nên trầm lắng. Tính chung 7 tháng đầu năm, nước ta chỉ xuất hơn 979.300 tấn cà phê, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, hãng Hedgepoint Global Markets cắt giảm dự báo khoảng 2,4 triệu bao cà phê vụ 2024 - 2025 tại Brazil so với dự báo ban đầu, về 63,3 triệu bao.

Bên cạnh nguồn cung thiếu hụt, thời tiết bất lợi trở thành nguyên nhân trọng yếu đẩy giá cà phê tiến sát 5.000 USD/tấn và xác lập mức giá kỷ lục mới.

Sương giá đã diễn ra vào ngày 11/8, tuy không gây ảnh hưởng lớn lên nguồn cung, song những lo ngại này tác động không nhỏ lên tâm lý nhà đầu cơ trên thị trường. Bên cạnh sương giá, nông dân tại một số vùng trồng cà phê chính của Brazil đang đối mặt với lo ngại khô hạn làm giảm triển vọng mùa vụ 2025 - 2026.

Về cao su, nguồn cung eo hẹp cũng là nguyên nhân quan trọng giúp giá tiếp tục tăng cao kể từ tháng 6 tới nay. Sự chuyển pha giữa El Nino và La Nina gây ra các tác động xấu đối với mùa vụ. Trước bối cảnh đó, Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã tăng dự báo thâm hụt cao su toàn cầu lên tới 1,24 triệu tấn trong năm 2024. Ngoài ra, Indonesia, quốc gia sản xuất cao su lớn thứ hai thế giới ước tính giảm 13,4% lượng xuất khẩu trong năm 2024 so với năm trước, xuống còn 1,55 triệu tấn.

Tại Việt Nam, lượng cao su đưa ra thị trường cũng ở mức thấp so với cùng kỳ các năm. Theo WhatNext Rubber Media, ước tính sản lượng cao su trong 3 tháng đầu năm tại nước ta giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, trong 7 tháng đầu năm 2024, nước ta chỉ xuất đi 1,4 triệu tấn cao su, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

PV:Dự báo giá cà phê, cao su trong nước và thế giới đến hết quý III/2024 sẽ diễn biến ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Tôi cho rằng, từ giờ đến hết quý III/2024, giá cà phê thế giới và trong nước sẽ tiếp tục neo cao theo những lo ngại về thời tiết. Trong đó, mốc giá quan trọng 5.000 USD/tấn có thể bị phá vỡ khi các đơn vị dự báo thời tiết tại Brazil cảnh báo không khí lạnh sẽ tăng cường xuống phía Nam Brazil vào cuối tháng 8 và nguy cơ sương giá sẽ vẫn còn hiện hữu.

Sương giá xảy ra ở thời điểm này gần như không còn tác động đến sản lượng cà phê tại Brazil, với 96% sản lượng dự kiến đã được thu hoạch tính đến 13/8. Tuy nhiên, cảnh báo về sương giá sẽ tác động lên tâm lý nhà đầu tư và nông dân, khiến nông dân hạn chế bán cà phê trong khi nhà đầu cơ trên thị trường lại đẩy mạnh mua vào. Hơn thế, sương giá nếu xảy ra với cường độ mạnh có thể gây hỏng cây cà phê non cũng như phá hủy cây cà phê đang ra hoa cho vụ 2025 - 2026, khiến sản lượng giảm trong vụ tiếp theo.

Ngoài ra, tình trạng khô hạn cũng là một trong những tâm điểm cần lưu ý trên thị trường cà phê. La Nina xảy ra mang theo tình trạng thời tiết khô hơn bình thường tại Brazil. Thiếu nước, cây cà phê đang ra hoa hiện tại có thể không phát triển tốt và đưa đến nguồn cung thấp.

Trong nước, giá cà phê sẽ tiếp tục neo cao, nhưng khó để vượt mốc 130.000 đồng/kg, cũng như quay lại đỉnh lịch sử cũ. Hoạt động thương mại trong nước đang trầm lắng do hết hàng. Do đó, ít nhất phải đợi đến cuối năm khi cà phê vụ mới được thu hoạch, hoạt động mua - bán sôi nổi trở lại, giá mới có những biến động lớn.

Với mặt hàng cao su, giá thế giới cũng sẽ tiếp tục dao động ở vùng cao trong bối cảnh nguồn cung vẫn trong trạng thái thâm hụt. Trong khi đó, giá cao su xuất khẩu từ nước ta sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn từ nhu cầu của Trung Quốc, giá vẫn cao so với cùng kỳ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-bao-gia-ca-phe-cao-su-tiep-tuc-neo-cao-do-nguon-cung-thieu-hut-157885-157885.html