Dự báo lợi nhuận Vinamilk năm nay vượt 9.000 tỷ bất chấp sức ép lạm phát

Dù được coi là sản phẩm thiết yếu, thế nhưng dưới tác động của lạm phát và kinh tế, người tiêu dùng ngày càng trở nên nhạy cảm về giá các mặt hàng sữa. Do đó, nhiều dự báo cho rằng hoạt động kinh doanh của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) sẽ phải chịu áp lực từ lạm phát trong năm nay. Bù lại, biên lãi ròng có thể cải thiện nhờ xu hướng giá nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh so với cùng kỳ.

Trong phân tích doanh nghiệp mới công bố, Chứng khoán VCBS cho rằng Vinamilk sẽ tiếp tục gặp những khó khăn trong năm nay do áp lực của lạm phát và chi phí bán hàng, trước khi hồi phục vào năm những năm tới.

Đơn vị này cho rằng, phân khúc phổ thông của VNM sẽ bị áp lực giảm doanh số. Phân khúc cao cấp ít bị nhạy cảm về giá hơn, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của sản phẩm cao cấp có thể chậm hơn trước vì số lượng khách hàng hạn chế. VNM dù tiếp tục dẫn đầu thị trường sữa uống tại Việt Nam, tuy nhiên đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng và có vẻ như đang dần mất thị phần trong năm qua. Việc phải đổi mới và cải thiện cũng như mở rộng phạm vi phân phối và nhận diện thương hiệu sẽ tăng chi phí marketing và quảng cáo.

Trong ngắn hạn, VNM thể hiện phục hồi yếu và bị mất thị phần so với ngành trong khi biên lợi nhuận biến động phụ thuộc vào giá sữa bột nguyên liệu nhập khẩu nhiều. Về dài hạn đến 2025 các mảng đầu tư mới mới bắt đầu đóng góp nhiều và tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp.

Trong mảng sữa chua, VCBS cho rằng dù có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, VNM vẫn có khả năng giữ vị trí thống trị nhờ liên tục đầu tư. Với kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng cao và còn nhiều dư địa tăng trưởng nên sữa chua thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư hơn. Euro monitor dự phóng sữa chua có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 đạt 6,4%-8,5% cho sữa chua nguyên chất và sữa chua uống.

Với sữa nước, VNM đang thu hút thêm đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước. Sữa hoàn nguyên vẫn phổ biến nhất vì mang lại tiện lợi và bảo quản dễ vì không cần giữ mát như sữa tươi. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang thúc đẩy chuyển hướng sang nhu cầu sữa tươi với hình ảnh tốt hơn và ít chế biến hơn. Mảng này được VCBS kỳ vọng tăng trưởng CAGR 6,6% trong 2022-2027.

Mảng sữa bột của VNM bị suy giảm do sữa bột trẻ em bị giảm tăng trưởng và cạnh tranh khốc liệt với đối thủ nội địa và sữa nhập. Tuy nhiên, VNM đã hợp tác với 6 tập đoàn dinh dưỡng để cải tiến sản phẩm và thay đổi cái nhìn của người tiêu dùng về sữa bột công thức cho trẻ em. Do đó mảng sữa bột công thức trẻ em được dự phóng tăng trưởng với CAGR 3,8% từ 2022-2027.

Nhìn chung, VCBS cho rằng năm 2023 tiếp tục là năm thách thức đối với VNM khi mảng nội địa suy giảm do bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Nỗ lực gia tăng tăng trưởng tại các thị trường xuất khẩu không đủ bù đắp cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, điểm tích cực là kỳ vọng xu hướng biên lợi nhuận ròng sẽ tích cực nhờ hưởng lợi từ xu hướng giá nguyên vật liệu đầu vào đã giảm mạnh so với năm ngoái.

 Diễn biến giá sữa bột từ tháng 1/2022 đến nay.Nguồn: Bloomberg, VNM, VCBS tổng hợp

Diễn biến giá sữa bột từ tháng 1/2022 đến nay.Nguồn: Bloomberg, VNM, VCBS tổng hợp

Biên gộp tích cực hơn 2022 nhờ vào tồn kho giá thấp từ quý I sẽ phản ánh trong kết quả kinh doanh quý II và quý III, cùng với giá bán bình quân đã tăng từ cuối năm ngoái.

Do đó, chuyên gia VCBS dự phóng 2023 doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VNM tăng trưởng là 1,2% và 10% so với cùng kỳ, đạt 60.650 tỷ đồng và 9.379 tỷ đồng.

Cùng với những dự phóng khó khăn cho năm 2023, thế nhưng chứng khoán SSI Research có phần lạc quan hơn khi kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt của VNM trong năm 2023 đạt 63.800 tỷ đồng, tăng 6,4% và lợi nhuận ròng 9.200 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2022, tuy nhiên thấp hơn 3% so với ước tính lợi nhuận ròng trước đây.

Đơn vị này cho rằng, mặc dù doanh thu VNM trong tháng 4 giảm tốc, tuy nhiên sang tháng 5 đã có dấu hiệu cải thiện. Quan hệ đối tác được mở rộng và những nỗ lực trong việc nghiên cứu, cải tiến sữa bột sẽ là cơ sở cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm nay.

 SSI Research dự phóng kết quả kinh doanh của Vinamilk. Nguồn:SSI Research

SSI Research dự phóng kết quả kinh doanh của Vinamilk. Nguồn:SSI Research

Trước đó, năm 2022, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần giảm 1,6% so với cùng kỳ, đạt 59.956 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 19%, đạt 8.516 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ thị trường nội địa chiếm tới 85% với gần 51.000 tỷ. Sự sụt giảm từ thị trường nội địa là nguyên nhân chính cho kết quả kinh doanh đi xuống của doanh nghiệp trong năm ngoái.

Biên lãi gộp giảm 3,2%, xuống gần 40% chủ yếu do giá sữa nguyên vật liệu tăng mạnh, ước tính bình quân giá sữa bột đã tăng 15-25% so với cùng kỳ, trong đó cao điểm với giá sữa bột tăng 25-35%. VNM không thể chuyển phần chi phí tăng cho người tiêu dùng nhằm duy trì sức mua trong thời kỳ khó khăn và lạm phát.

Bước sang quý I/2023, tình hình thị trường nội địa vẫn tiếp tục màu sắc ảm đạm khi giảm 1,4% so với cùng kỳ, đạt 11.491 tỷ đồng. Bù lại, việc xuất khẩu và các chi nhánh nước ngoài tăng 7,5% và 11,3%.

Theo phân tích của Chứng khoán VCBS, doanh thu nội địa giảm do mảng sữa bột công thức cho trẻ em và sữa nước hoàn nguyên bị sụt giảm. Theo dòng sản phẩm thì sữa hoàn nguyên ước tính giảm trên 5% so với cùng kỳ do khách hàng chuyển đổi sang sữa tươi và bị áp lực cạnh tranh mạnh từ các thương hiệu sữa tươi khác. Sản phẩm sữa tươi của VNM có tăng khoảng 2% nhưng chưa đủ bù đắp từ lượng giảm của sữa hoàn nguyên.

Riêng sữa CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (mã: MCM) tăng trưởng doanh thu 8,8% đạt 734 tỷ đồng trong quý I, lợi nhuận sau thuế 101,5 tỷ, tăng 18,4%. Biên gộp duy trì đạt 32,3%. Kết quả tích cực trên nhờ việc tăng cường đầu tư cho hệ thống phân phối, thiết lập mối quan hệ với các đối tác tiềm năng cũng như củng cố vị thế ở thị trường miền Bắc.

Trong quý I, mảng xuất khẩu trực tiếp và doanh thu nước ngoài tiếp tục đem về lợi nhuận tăng trưởng cho toàn tập đoàn.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/du-bao-loi-nhuan-vinamilk-nam-nay-vuot-9000-ty-bat-chap-suc-ep-lam-phat.html