Dự báo lũ đầu nguồn ở Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn năm ngoái

Theo đánh giá từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo lũ đầu nguồn sông Cửu Long trong tháng 8 sẽ cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 0,2-0,6m.

Dự báo đỉnh lũ chính vụ ở ĐBSCL năm nay có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10. (Ảnh minh họa).

Dự báo đỉnh lũ chính vụ ở ĐBSCL năm nay có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10. (Ảnh minh họa).

Tại trạm thủy văn Tân Châu, mực nước 7h sáng ngày 4/8 đã lên 2m. Dù vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm nhưng so với năm ngoái, mực nước vẫn cao hơn gần nửa mét.

Tương tự ở trạm Châu Đốc, ngày 4/8, mực nước quan trắc được cũng đã lên 1,89m, cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới 0,7m.

Nguồn nước đổ về nhiều hơn như vậy là bởi tháng 7 vừa qua, trên lưu vực sông Mê Kông có mưa nhiều hơn, nhất là khu vực Đông Bắc Campuchia vào giữa tháng 7 do ảnh hưởng mạnh của áp thấp nhiệt đới và gió mùa tây nam mạnh, gây mưa rất lớn. Lượng mưa lên tới 300-1000mm, có nơi mưa lớn trên 1000mm.

Nước đổ về sông Mê Kông cũng tăng cao. Tại trạm Kratie, mực nước cao nhất tháng 7 là vào ngày 31/7 vừa qua, lên tới 18,86m. Cao hơn tới 3,64m so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đánh giá từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo lũ đầu nguồn sông Cửu Long trong tháng 8 này sẽ tiếp tục cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 0,2-0,6m.

Kết hợp với triều cường lên cao hơn trung bình mọi năm có thể sẽ gây ngập cục bộ ở các vùng trũng thấp, ngoài đê bao các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, đặc biệt là tại Long An. Diện tích sản xuất ngoài ô bao trên địa phương này còn khá nhiều.

Tính đến hết tháng 7, diện tích lúa hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thu hoạch được khoảng 43%, ước tính trong đầu tháng 8 này sẽ tăng diện tích thu hoạch lên 50%.

Đồng thời các địa phương cũng đang tăng cường xuống giống vụ Thu Đông theo kế hoạch. Dự kiến là 700.000ha, đến nay đã xuống giống được 353.481ha, chiếm trên 50%, tập trung ở các tỉnh thành Đồng Tháp, Kiên Giang và Cần Thơ.

Dự báo đỉnh lũ chính vụ ở ĐBSCL năm nay có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10.

Đỉnh lũ tại Tân Châu dao động ở mức 3,20 – 3,50 m, xấp xỉ báo động 1, cao hơn năm 2023 từ 0,11 - 0,41 m.

Đỉnh lũ tại Châu Đốc dao động ở mức 2,90 – 3,20 m, xấp xỉ BĐ1, cao hơn năm ngoái gần 0,27 m.

Riêng khu vực vùng Giữa và vùng Ven Biển ĐBSCL, do tác động mạnh của triều cường nên nhiều khả năng đỉnh lũ xuất hiện cùng với đỉnh triều cường.

Cụ thể là vào kỳ triều cuối tháng 10 và tháng 11, đỉnh lũ phổ biến ở mức xấp xỉ và trên mức BĐ3, cao hơn khá nhiều TBNN và cao hơn cùng kỳ năm 2023. Nguy cơ cao sẽ xảy ra ngập lụt ở các khu vực này, ảnh hưởng đến sản xuất.

Để đảm bảo an toàn sản xuất, các địa phương cần lưu ý:

Các khu vực ngoài đê bao hay chưa có đê bao cần thu hoạch trước ngày 20/8.

Rà soát các tuyến bờ bao xung yếu, các tuyến mới đắp và xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời.

Chỉ xuống giống vụ Thu Đông ở các vùng có ô bao triệt để, không xuống giống ở các khu vực có ô bao không đảm bảo cao trình.

Đối với các tiểu vùng thủy lợi có cao trình bờ đê bao thấp như trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Kiên Giang cần theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và diễn biến thủy triều để có phương án vận hành tiêu thoát nước kịp thời và chuẩn bị các phương án bơm tiêu nước khi xảy ra ngập úng.

Chủ động tích trữ nước ngọt cho sản xuất vụ lúa trên nền đất tôm - lúa ở các tỉnh ven biển.

Dự báo lũ dài hạn vùng ĐBSCL sẽ còn liên tục cập nhật vì phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến lũ trên sông Mê Kông.

Vũ Đậu

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/du-bao-lu-dau-nguon-o-dong-bang-song-cuu-long-cao-hon-nam-ngoai-443095.html