Dự báo mưa lũ phức tạp vào cuối năm: Cần chủ động ứng phó từ sớm
Theo cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ tháng 8/2024, nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan là rất cao, đe dọa đến sản xuất, sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân. Vì vậy, việc chủ động phòng, chống thiên tai trong thời gian tới cần đặc biệt quan tâm.
Bài 1: Mưa lũ và câu chuyện ổn định đời sống sau thiên taiTheo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai đã làm 104 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Mùa mưa lũ năm nay ở miền Bắc diễn ra phức tạp. Trong tháng 7 đã có nhiều ngày mưa rào và dông, trong đó xuất hiện nhiều đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng gây ra lũ, lũ quét, làm tổn thất lớn về người và của tại nhiều địa phương.Nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ
Sau hơn hai tuần bị ngập lụt, đến ngày 9/8/2024, xã Nam Phương Tiến, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt ngập úng vừa qua ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), đã cơ bản cạn nước.
Những ngày qua, công tác khắc phục hậu quả được chính quyền địa phương tiến hành khẩn trương. Cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội cùng lực lượng dân quân, cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên cũng tích cực tham gia công tác tổng vệ sinh môi trường, hỗ trợ người dân tại các thôn, làng.
UBND huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tập trung kiểm kê, xác minh thiệt hại, kịp thời hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
Theo thống kê, toàn huyện Chương Mỹ có hơn 91.300m đường giao thông nội đồng, 15.690m đường giao thông nông thôn, 21 công trình công cộng, di tích bị ngập. Trận mưa lũ vừa qua đã làm ngập, ảnh hưởng 1.183ha lúa, 354ha rau màu, 243ha cây ăn quả, 1.703ha nuôi trồng thủy sản, 4.893 gia súc và 184.912 gia cầm…
Theo chính quyền huyện Chương Mỹ, diện tích đất lúa bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đã không còn phù hợp để tái vụ. Vì vậy, sau khi nước rút cạn, huyện ưu tiên trồng rau và cây vụ Đông sớm ở những ngôi đất cao; đồng thời, động viên người dân tái đàn gia súc, gia cầm. Kiểm soát, hướng dẫn xử lý dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi.
Theo bà Trần Thị Thu Hằng, Bí thư Đảng ủy xã Nam Phương Tiến, việc hỗ trợ về giống cây trồng và vật nuôi tái sản xuất, từng bước ổn định lại cuộc sống sau mưa lũ là điều người dân rất mong mỏi.
Xã sẽ tập trung chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại về trồng trọt và chăn nuôi để đề xuất cấp trên hỗ trợ theo quy định và hỗ trợ một số loại cây, giống cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.
Nỗi lo sinh kế cho người dân
Điện Biên cũng là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai thời gian qua. Ảnh hưởng của cơn bão số 2 đã gây mưa lớn, dẫn đến lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại 4 bản của xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) rạng sáng 25/7/2024. Theo báo cáo của Huyện ủy Điện Biên, mưa lớn đã khiến 4 người chết; 3 người mất tích; 7 người bị thương; 100 ngôi nhà bị thiệt hại.
Ngày 4/8/2024, Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đến kiểm tra tình hình thiệt hại sau trận lũ quét tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy nhanh hơn nữa tiến độ khắc phục hậu quả thiên tai, sớm bố trí mặt bằng để làm nơi tái định cư, ổn định đời sống cho người dân vùng xảy ra lũ quét, sạt lở; thực hiện di dời đối với các hộ gia đình còn nằm ở trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, nhằm đảm bảo tuyệt đối tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Tiếp tục tính toán phương án hỗ trợ, khắc phục hậu quả của trận lũ quét để sớm ổn định đời sống cho người dân. Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp tỉnh Điện Biên 10 tỉ đồng để tỉnh nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ.
Chia sẻ về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, ngày 9/8/2024, ông Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, cho biết Tỉnh ủy đã chỉ đạo chính quyền huyện Điện Biên cùng với các lực lượng quân đội, công an huy động tối đa lực lượng, khẩn trương triển khai công tác khắc phục thiệt hại và tìm kiếm cứu nạn.
Lực lượng y tế kịp thời chăm sóc và điều trị cho những người bị thương. Chính quyền địa phương kịp thời bố trí chỗ ở tạm thời, an toàn cho những hộ dân bị mất nhà ở. Những hộ mất nhà trong trận lũ đang được bố trí ở tạm tại nhà người thân, nhà văn hóa hay điểm trường học.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Điện Biên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Giải pháp lâu dài được đưa ra là tìm quỹ đất bố trí tái định cư cho người dân khu vực lũ quét và những gia đình phải di dời khỏi khu vực nguy cơ sạt lở cao; đồng thời tìm hướng sinh kế cho bà con khi hơn 40ha lúa đã bị bùn đất vùi lấp, 2ha thủy sản thiệt hại hoàn toàn…
Trước tình hình thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra với các địa phương trong thời gian qua, Cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đã kiến nghị với UBND tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ 382,37 tỉ đồng cho các huyện khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong đó, hỗ trợ huyện Điện Biên 350 tỉ đồng nhằm trợ giúp gia đình có người chết, thực hiện hỗ trợ sản xuất, làm nhà ở và khắc phục cơ sở hạ tầng, tái định cư cho nhân dân vùng lũ quét, sạt lở xã Mường Pồn. Hỗ trợ huyện Nậm Pồ 32,37 tỉ đồng thực hiện khắc phục 4 công trình và hỗ trợ dân sinh.
Về phía chính quyền huyện Điện Biên, ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết, sau khi lũ quét và sạt lở đất đi qua, chính quyền huyện đã phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn; thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời có hỗ trợ kinh phí để các hộ dân ổn định cuộc sống.
Nhấn mạnh sự cấp thiết của việc bố trí nơi ăn, chốn ở, hỗ trợ sinh kế cho bà con, ông Chinh cho biết, huyện Điện Biên đã xác định, bố trí những hộ nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng bởi lũ quét.
"Huyện Điện Biên xác định sẽ có 3 điểm tái định cư cho người dân bị thiệt hại. Đồng thời, huyện cũng tiến hành tái định cư tại chỗ đối với những hộ gia đình có nguy cơ ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
UBND huyện cũng đề xuất xây dựng kè bảo vệ chống sạt lở khu vực dân cư bản Tin Tốc, bản Lĩnh; ngầm tạm qua suối vào bản Lĩnh… hỗ trợ mô hình chăn nuôi gia cầm thương phẩm để tạo sinh kế cho người dân, dự kiến bắt đầu từ tháng 8/2024 đến hết năm 2025", ông Chinh cho biết.
(Còn nữa)