Dự báo sản lượng cá da trơn, cá tra năm 2024 tăng 2,8%
Sáng 15/12, tại thành phố Long Xuyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023.
Hội nghị có sự tham dự của ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp sản xuất chế biến cá tra của một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cùng đại diện Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc tại Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Băng Tâm, Phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024 dự báo sản lượng cá da trơn/cá tra sẽ tăng 2,8% so với năm 2023. Lạm phát toàn cầu có khả năng được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng có khả năng sẽ hồi phục từ quý II/2024.
Diện tích thả nuôi cá tra năm 2023 giảm không nhiều so với cùng kỳ năm 2022 nhưng mật độ thả thưa hơn có thể khiến sản lượng thu hoạch trong 2 quý đầu năm 2024 không cao như kỳ vọng. Tuy nhiên, với đà phục hồi như hiện nay, sản lượng cá tra dự kiến thu hoạch trong quý I, II/2024 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu sản lượng cá tra nuôi thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là hai tỉnh tỉnh An Giang và Đồng Tháp cần tập trung nâng cao chất lượng cá tra giống; trong đó, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng (khả năng kháng bệnh, tỷ lệ phile, mùi vị sản phẩm, tỷ lệ đạm, mỡ trong sản phẩm, khả năng chịu mặn,…) theo nhu cầu thị trường; công nghệ vaccine phòng bệnh, di truyền phân tử… để nâng cao chất lượng giống cá tra.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục bổ sung, thay thế đàn cá tra bố mẹ được cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng và kháng bệnh cho các cơ sở sản xuất giống theo nhu cầu, đảm bảo cung ứng đủ con giống chất lượng cao cho nuôi thương phẩm, hạ giá thành sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất giống, đặc biệt các cơ sở ương dưỡng giống cá tra và xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ quy định; kiểm soát chất lượng giống cá tra bố mẹ trong quá trình sử dụng.
Các địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, lưu thông, sử dụng kháng sinh nguyên liệu, sử dụng thuốc thú y, chế phẩm xử lý cải tạo môi trường. Chủ động phối hợp với cơ quan thẩm quyền quốc gia nhập khẩu có biên giới với Việt Nam trong việc kiểm soát thủ tục xuất nhập khẩu và các yêu cầu về chứng thư đối với hàng hóa xuất khẩu qua đường biên giới.
Cùng với đó, các địa phương khuyến khích các bên có liên quan liên kết, gắn kết hoạt động sản xuất, chế biến theo chuỗi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình sản xuất, giúp đảm bảo ổn định sản xuất, cắt giảm chi phí. Từng bước áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải; áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận để nâng cao giá trị.
Các địa phương tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm theo các phân khúc thị trường khác nhau, đặc biệt quan tâm sản phẩm chế biến sẵn. Tận dụng một cách có hiệu quả phụ phẩm cá tra; xử lý bùn thải sản xuất phân bón hữu cơ. Tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm thiểu rủi ro, giảm giá thành sản xuất, nuôi có chứng nhận để nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin.
Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất chế biến cá tra cần quan tâm mở rộng thị trường trong nước, hướng tới các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học; mở rộng thị trường, thực hiện các quy định về chứng nhận cho sản phẩm cá tra theo yêu cầu của các thị trường quốc gia Hồi giáo…
Nhằm ứng phó tốt hơn trong bối cảnh thị trường cạnh trạnh ngày càng khó khăn, các quy định, rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu ngày càng khắt khe; điều kiện nuôi không còn thuận lợi như trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như giải quyết những khó khăn nội tại về chất lượng giống, thức ăn và sự thực thi các quy định của pháp luật…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu các cục trực thuộc bộ và các hiệp hội ngành hàng cần chủ động, kịp thời phối hợp với cơ quan thẩm quyền các quốc gia nhập khẩu và các đơn vị liên quan để xử lý các rào cản kỹ thuật (nếu có); tiếp tục quan tâm, kết nối, phát triển thị trường cho sản phẩm cá tra, nhất là khối thị trường Hồi giáo và thị trường Trung Quốc; thường xuyên cập nhật thông tin về yêu cầu và diễn biến thị trường, kịp thời tham mưu, chia sẻ thông tin với các đơn vị có liên quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra trong thời gian tới.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023 dưới tác động của lạm phát và bất ổn chính trị, ngành thủy sản nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng đối mặt với không ít khó khăn. Hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng tồn kho cao của các nhà bán lẻ, thị trường ngày càng khó khăn. Ước cả năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.700 ha (bằng 98% so với cùng kỳ năm 2022); sản lượng cá tra ước khoảng 1,61 triệu tấn (tương đương với cùng kỳ năm 2022); kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, mặc dù các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương và bộ, ngành trung ương đã nỗ lực cùng nhau giải quyết các khó khăn khách quanh đến từ thị trường nhập khẩu và bất ổn chính trị, nhưng kết quả sản xuất không như mong đợi. Các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam năm 2023 đều có xu hướng giảm; trong đó, thị trường Trung Quốc giảm gần 22%, Hoa Kỳ giảm hơn 53%, EU giảm hơn 17%, CPTPP giảm gần 27%. Thị trường Đức, Anh, Brazil, Saudi Arabia tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022, nhưng đây là những thị trường chiếm tỉ trọng nhỏ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Tôn Thất Thịnh cho rằng, việc sản xuất, tiêu thụ cá tra theo chuỗi giá trị ngành hàng còn bộc lộ nhiều rủi ro, chỉ có rất ít chuỗi giá trị hoàn chỉnh được vận hành có hiệu quả. Việc thất thoát, hao hụt tại các công đoạn sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ còn cao, sự liên kết của các thành viên tham gia chuỗi liên kết chưa thật sự bền vững, đây là khó khăn trong việc tìm và mở rộng liên kết sản xuất tiêu thụ.
"Ngành hàng cá tra là sản phẩm mang lại giá trị xuất khẩu cao, nhưng hiện tại giá bán xuống rất thấp và chưa có dấu hiệu khởi sắc. Hiện tại giá cá tra đang bán tại ao nuôi 26.000 đồng/kg, trong khi giá thành khoảng 27.000 - 28.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi đang lỗ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Với tình hình nuôi thủy sản đang đối diện khó khăn với chi phí sản xuất tăng, giá thành sản xuất tăng, giá thức ăn tăng, thị trường xuất khẩu không ổn định kéo dài dẫn đến treo ao, tạm ngưng sản xuất", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, nguyên nhân ngành hàng cá tra của Việt Nam sụt giảm thời gian qua do bất ổn chính trị và lạm phát toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản có xu hướng giảm, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho lớn. Một số quốc gia láng giềng đã phát triển sản xuất cá tra nên giảm nhập khẩu từ Việt Nam. Sản phẩm cá tra còn đơn điệu, sản phẩm giá trị gia tăng chiếm tỉ trọng nhỏ nên chưa tạo ra sự cạnh tranh và giá trị thương mại lớn.
Bên cạnh đó, công đoạn giống, nuôi thương phẩm, thức ăn chiếm tỉ trọng lớn (70 - 80%) trong giá thành sản xuất cá tra; một số cơ sở sản xuất giống nhưng chưa quan tâm đến việc kiểm soát chặt chẽ đàn cá bố mẹ trong quá trình sản xuất giống. Đáng chú ý, một số cơ sở sản xuất giống cá tra chưa tuân thủ đúng thời hạn sử dụng cá bố mẹ, tỷ lệ sống giai đoạn ương dưỡng còn thấp; một số địa phương chưa thực hiện cấp giấy xác nhận nuôi cho các cơ sở nuôi nhỏ lẻ theo quy định. Cùng với đó, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho một số dòng sản phẩm cá tra, thay vào đó vẫn đang chú trọng cạnh tranh bằng giá bán hơn cạnh tranh bằng chất lượng…