Dự báo: Siêu bão số 9 đổ vào, biển Mỹ Khê, Hội An sẽ ngập sâu đến 2m
Trong vài ngày tới, các tỉnh từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An sẽ có mưa lớn. Nước biển dâng 0,5 – 1,5 m. Riêng biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) dự kiến ngập đến 1-2m.
Chiều nay, 27/10, tại Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9 đóng tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương liên quan về công tác ứng phó với bão số 9 đang chuẩn bị đổ bộ vào miền Trung.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tuyệt đối không được chủ quan với bão số 9. Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Trung trong 20 năm qua, cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh và phạm vi ảnh hưởng rộng nên các địa phương không được chủ quan.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 9 đã di chuyển nhanh và cách đất liền Đà Nẵng – Phú Yên khoảng 440 km. Ngay trong đêm nay, bão số 9 sẽ ảnh hưởng đến đất liền và có cường độ mạnh nhất từ sáng mai (28/10). Các đảo Lý Sơn (Quảg Ngãi), Cù Lao Chàm (Quảng Nam) sẽ có gió giật cấp 16, trong đất liền sẽ có giá mạnh cấp 11-12.
Diễn biến đường đi của bão số 9
“Cơn bão này không suy yếu nhanh khi vào bờ, có thể Bắc Tây Nguyên cũng chịu ảnh hưởng với gió mạnh đến cấp 8-9. Bão còn gây mưa với lưu lượng từ 200-240 mm. Trong vài ngày tới, các tỉnh từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An sẽ có mưa lớn. Vùng biển các địa phương có nước biển dâng 0,5 – 1,5 m. Riêng biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) sẽ có ngập đến 1-2m” - đại diện Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay.
Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết thêm, tính đến 11h ngày 27/10, các lực lương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 tàu (29.290 lao động) vào nơi trú tránh an toàn. Hiện còn 142 tàu đang hoạt động trên Biển Đông với 1.118 dân đang thoát ra khu vực nguy hiểm.
Cụ thể, thuyền thoát khỏi khu vực nguy hiểm là 4.061 tàu (29.748 lao động), neo đậu tại các bến: 40.806 tàu (198.424 lao động). Hiện các tàu đã nắm được thông tin về diễn biến và hướng đi của bão số 9. Tất cả các địa phương trong khu vực ảnh hưởng của bão số 9 đã cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi.
Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên lên phương án sơ tán 448.067 người trong khu vực nguy hiểm, dự kiến sẽ hoàn thành sơ tán vào 17-19h chiều ngày 27/10.
Quang cảnh cuộc họp Ban chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9 đóng tại Đà Nẵng
Sau khi nghe ý kiến của đại diện các đơn vị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: "Bão số 9 mạnh hơn rất nhiều lần bão Damrey đổ bộ vào Khánh Hòa năm 2017, mạnh hơn bão Xangsane cấp 11-12 đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006. Cơn bão có mạnh và có tính chất nguy hiểm nên các đơn vị, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, mục tiêu là bảo vệ an toàn tính mạng của người dân và của nhà nước. Thời gian không còn nhiều, đề nghị các đơn vị tập trung ứng phó”.
Bên cạnh đó, để ứng phó với bão số 9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương chủ động ứng phó với phương châm 4 tại chỗ, cùng sự hỗ trợ của TƯ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT… cùng các bộ ngành khác vào cuộc.
"Phải đảm bảo an toàn cho người dân khi bão đổ bộ vào bờ. Sơ tán dân khỏi ở những khu vực nguy hiểm, nơi nước xiết. Các đơn vị đảm bảo lương thực, thực phẩm, các khu vực sản xuất, nhà máy, khu công nghiệp,… đồng thời cấm người dân đi lại ra ngoài khi bão đổ bộ vào đất liền" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các địa phương ứng phó với bão số 10
Ngoài ra, để ứng phó hiệu quả với bão số 9, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị bố trí lực lượng tại chỗ, các đơn vị quân đội, công an, tìm kiếm cứu nạn… tổ chức điều phối lực lượng, Bộ Quốc phòng và các Quân khu 4, Quân khu 5, các đơn vị đóng quân trên địa bàn tổ chức hỗ trợ khi cần thiết. Đặc biệt chuẩn bị phương tiện, xuồng nhỏ sẵn sàng ứng cứu người dân và chủ động tìm kiếm cứu nạn trên biển khi cần.