Dự báo sớm thiên tai để chủ động phòng, ứng phó

Trước tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, việc ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phòng, chống thiên tai là việc làm cần thiết, nhằm chủ động trong mọi tình huống.

Quan trắc tại Trạm Khí tượng Sơn La.

Quan trắc tại Trạm Khí tượng Sơn La.

Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, cho biết: Với sự hỗ trợ đắc lực của khoa học, công nghệ thông tin, công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai ngày càng chính xác, hiệu quả. Nhờ đó, các ngành, đơn vị, địa phương có đầy đủ thông tin để chỉ đạo, điều hành, giúp hạn chế thấp nhất các rủi ro, thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người do thiên tai.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh được đặt tại trụ sở Chi cục Thủy lợi. Vào thời gian cao điểm mưa lũ, đơn vị sẽ phân công cán bộ, nhân viên trực 24/24 để cập nhật, tổng hợp tình hình, báo cáo cấp trên chỉ đạo xây dựng phương án ứng phó, bảo đảm dự báo sát với diễn biến.

Anh Lường Khắc Kiên, Phó Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Chi cục Thủy lợi tỉnh, chia sẻ: Thời điểm trước năm 2021, Phòng trực ban chỉ được trang bị một chiếc ti vi, một điện thoại bàn và một máy tính. Sau khi nhận thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Tây Bắc qua email, các cán bộ của văn phòng phải nhập thủ công trên máy, rồi đánh dấu trên bản đồ giấy, rất khó khăn cho công tác chỉ đạo, ứng phó.

Theo dõi hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam tại Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Theo dõi hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam tại Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Hiện nay, Văn phòng thường trực được trang bị hệ thống thiết bị họp trực tuyến cùng các trang thiết bị cơ bản đảm bảo phục vụ công tác trực ban, tham mưu và chỉ đạo, điều hành; 2 ti vi màn hình lớn có kết nối internet liên tục cập nhật thông tin từ hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam; hệ thống đo mưa chuyên dùng, ứng dụng cung cấp dịch vụ theo dõi dự báo thời tiết toàn cầu; hệ thống cơ sở dữ liệu ngành thủy lợi (bản đồ, hồ chứa, mực nước, quy trình vận hành) theo thời gian thực, giúp công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai được chính xác, hiệu quả.

Ngoài ra, các website đều được tích hợp tính năng số hóa, lưu trữ để tạo thành bộ cơ sở dữ liệu trong công tác phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, việc kết nối phòng họp trực tuyến của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, các huyện, thành phố để tổ chức các cuộc họp khẩn khi có thiên tai, lũ lụt xảy ra, góp phần thông tin nhanh chóng kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo.

Với hệ thống máy tính được kết nối internet, các công điện, chỉ đạo về ứng phó với thiên tai được triển khai rộng rãi chỉ trong thời gian ngắn. Thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh, chỉ cần có kết nối internet, ở bất kỳ đâu, cán bộ, nhân dân đều có thể cập nhật, theo dõi tình hình diễn biến thiên tai để đưa ra phương án chỉ đạo và ứng phó sát với thực tế.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt 45 trạm đo mưa tự động; 5 trạm thủ công đo mực nước và cảnh báo lũ; hai trạm quan trắc khí tượng tự động phục vụ dự báo, cảnh báo mưa lớn, rét đậm, rét hại, băng giá tại huyện Bắc Yên và Vân Hồ. Các trạm được kết nối với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Có 86 đập, hồ chứa đã lắp đặt thiết bị quan trắc; hai đập, hồ chứa lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng và hai đập lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin cảnh báo an toàn đập và vùng hạ du.

Quan trắc tại Trạm Khí tượng Sơn La.

Quan trắc tại Trạm Khí tượng Sơn La.

Thông qua các thiết bị, dữ liệu được truyền về máy chủ đặt tại Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cơ quan quản lý có thể qua máy tính, điện thoại hoặc các trang web chuyên ngành, để truy cập theo dõi tình hình công trình, có phương án ứng phó trong trường hợp xảy ra tình huống bất thường.

Chuyển đổi số đã giúp cho việc dự báo, cảnh báo sớm thiên tai ngày càng chính xác, giúp các đơn vị, địa phương sớm xây dựng kịch bản phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hiệu quả, phát huy tối đa “4 tại chỗ”, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/du-bao-som-thien-tai-de-chu-dong-phong-ung-pho-CsK1qaXIR.html