Dự báo tác động từ việc Nga thành lập căn cứ hải quân tại Sudan

Kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân của Nga tại Sudan là một động thái chiến lược có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực Biển Đỏ. Trong bối cảnh xung đột nội bộ tại Sudan và sự phức tạp của tình hình khu vực, kế hoạch này đặt ra nhiều thách thức cho cả Nga và Sudan.

Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan (giữa), trong chuyến thăm căn cứ hải quân Flamingo ở thành phố Port Sudan, ngày 28/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan (giữa), trong chuyến thăm căn cứ hải quân Flamingo ở thành phố Port Sudan, ngày 28/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga đang tiến hành kế hoạch thành lập một căn cứ hải quân trên bờ biển Sudan, động thái này được Đại sứ quán Nga tại quốc gia Bắc Phi xác nhận với báo Izvestia (Nga) ngày 23/8. Tuy nhiên, kế hoạch này không chỉ gặp phải sự phản đối từ một số quốc gia trong khu vực mà còn gây lo ngại cho Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Sudan đang phải đối mặt với xung đột nội bộ.

Theo chuyên gia quân sự Nga Vasily Dandykin, vị trí chiến lược của Sudan giúp Moskva có lợi thế lớn khi xây dựng một trung tâm hỗ trợ vật chất và kỹ thuật tại đây. Sự gần gũi với các tuyến đường thương mại và Biển Đỏ sẽ tăng cường khả năng kiểm soát của hải quân Nga tại khu vực này. Tuy nhiên, sự mở rộng hiện diện quân sự của Nga tại Sudan chắc chắn sẽ không làm Mỹ hài lòng.

Mỹ từ lâu đã có lợi ích trong việc duy trì quyền kiểm soát đối với các tuyến đường biển và vùng lãnh hải chiến lược trên toàn cầu. Việc Nga xây dựng căn cứ hải quân tại Sudan có thể làm suy yếu quyền kiểm soát này, đồng thời đánh dấu sự hồi sinh của Nga sau thời kỳ Liên Xô tan rã.

Chuyên gia Dandykin nhận định rằng việc Nga tăng cường lực lượng hải quân và mở rộng các căn cứ quân sự ở những khu vực chiến lược trên thế giới là một bước đi mạnh mẽ, có khả năng thay đổi thế trận quân sự toàn cầu. Đối với Mỹ, sự hiện diện này không chỉ là một thách thức về quyền lực mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia và lợi ích chiến lược của họ.

Trong khi đó, Nikolay Shcherbakov, nhà nghiên cứu chính tại Viện Châu Á và Châu Phi thuộc Đại học Tổng hợp Moskva, cho rằng việc Nga thành lập căn cứ quân sự tại Sudan sẽ ngay lập tức thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, có thể gây ra sự bất bình từ một số quốc gia. Việc có một vị trí chiến lược như vậy ở Biển Đỏ, đặc biệt trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại Yemen, là một thách thức lớn.

Ông Shcherbakov cũng chỉ ra rằng việc mở căn cứ hải quân tại Sudan có thể được coi là dấu hiệu của mối quan hệ chính thức giữa Nga và chính quyền của Tướng Abdel Fattah Al-Burhan, Chủ tịch Hội đồng Chủ quyền Chuyển tiếp kiêm Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Sudan (SAF).

Có thể nói, kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân của Nga tại Sudan là một động thái chiến lược có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực Biển Đỏ, gây ra sự phản ứng từ nhiều phía. Trong bối cảnh xung đột nội bộ tại Sudan và sự phức tạp của tình hình khu vực, kế hoạch này đặt ra nhiều thách thức cho cả Nga và Sudan.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo TASS)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/du-bao-tac-dong-tu-viec-nga-thanh-lap-can-cu-hai-quan-tai-sudan-20240824162448565.htm