Dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2025 ở mức 15%
Theo các chuyên gia phân tích, đến cuối tháng 11/2024, tín dụng đã tăng trưởng 11,9% so với đầu năm và 16,6% so với cùng kỳ, vượt mức trung bình 14,4% trong giai đoạn 2013-2023. Dự báo, tín dụng ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng 15% vào năm 2025, tương đương mục tiêu năm 2024.
Ngành ngân hàng có mức định giá hợp lý
Trong báo cáo phân tích mới nhất về ngành Ngân hàng của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), các chuyên gia chỉ ra rằng, tổng thu nhập của ngành ngân hàng được dự báo sẽ tăng trưởng 15,3% so với năm trước, với động lực chính đến từ tăng trưởng tín dụng, dự báo đạt mức 15,6%. Tuy nhiên, thu nhập ngoài lãi lại chỉ kỳ vọng tăng trưởng 8,5% do mảng bảo hiểm vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn.
Đáng chú ý, chi phí hoạt động của các ngân hàng được các chuyên gia dự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn so với tổng thu nhập, với mức tăng chỉ 10,8%, giúp các ngân hàng duy trì khả năng sinh lời ổn định. Nhờ vào các khoản đầu tư vào số hóa trong những năm qua, các ngân hàng trong danh mục phân tích của ACBS có thể kiểm soát tốt hơn tốc độ tăng trưởng chi phí nhân sự, điều này góp phần duy trì lợi nhuận ổn định trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
Một điểm sáng là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có dấu hiệu đạt đỉnh và chất lượng tài sản có thể phục hồi trong năm 2025. Tỷ lệ nợ xấu dự báo sẽ giảm xuống còn 1,5% vào năm 2025, từ mức 1,6% của năm 2024.
Dự báo trong năm 2025, tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ đạt 15%, tương đương với mục tiêu của năm 2024 và cao hơn mức tăng trưởng GDP danh nghĩa khoảng 10%.
Tuy nhiên, chi phí tín dụng dự báo sẽ tăng nhẹ lên 1,2% trong năm 2025, so với 1,1% trong năm 2024. Chi phí dự phòng cũng được kỳ vọng sẽ tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, do bộ đệm dự phòng hiện tại không còn dày, và sự phân hóa sẽ diễn ra giữa các ngân hàng trong cách quản lý vấn đề này.
Về định giá, theo các chuyên gia, ngành ngân hàng hiện đang giao dịch ở mức P/E 9,5 lần, thấp hơn gần 1 độ lệch chuẩn so với mức trung bình lịch sử, cho thấy mức giá hợp lý để đầu tư dài hạn, mặc dù lợi nhuận có sự tăng trưởng chậm nhưng vẫn ổn định.
Tính đến cuối tháng 11/2024, tín dụng toàn ngành đã tăng trưởng 11,9% so với đầu năm và 16,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng trung bình giai đoạn 2013-2024 (14,4%). Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, giúp phục hồi nền kinh tế đang đối mặt với khó khăn từ khủng hoảng thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Trong khi đó, thị trường tiền gửi lại có sự tăng trưởng chậm chạp. Tính đến cuối tháng 9/2024, tăng trưởng tiền gửi thị trường 1 mới chỉ đạt 4,9%, thấp hơn so với mức tăng trưởng tín dụng cùng kỳ (9%). Nguyên nhân một phần đến từ sự chênh lệch lãi suất VND-USD ở mức âm trong một số thời điểm, gây khó khăn trong việc thu hút vốn.
Tuy nhiên, các biện pháp điều tiết từ NHNN đã giúp duy trì thanh khoản ổn định trong hệ thống. Dự báo áp lực thanh khoản sẽ giảm dần khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ cắt giảm lãi suất xuống còn 4,5% vào cuối năm 2024 và tiếp tục giảm xuống 3,5% - 4,25% vào cuối năm 2025.
Chính sách thuế nhập khẩu của Mỹ có thể gây chậm lại quá trình giảm lạm phát, nhưng dòng vốn từ xuất siêu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và kiều hối vẫn duy trì ổn định, giúp lãi suất USD giảm và hỗ trợ cho lãi suất huy động VND ổn định ở mức khoảng 5% trong năm 2025.
Một yếu tố quan trọng nữa là các khoản tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, hiện khoảng 2/3 đang được gửi tại NHNN. Điều này sẽ giúp hỗ trợ cho các ngân hàng quốc doanh trong trường hợp gặp khó khăn về thanh khoản, tạo dư địa thanh khoản cho họ và giúp họ duy trì lãi suất đầu vào cạnh tranh hơn so với các ngân hàng tư nhân.
Dự báo phục hồi NIM năm 2025
Cũng theo các chuyên gia từ ACBS, tình hình lợi suất ròng (NIM) của toàn ngành ngân hàng không mấy khả quan trong quý III/2024, khi giảm 24 điểm cơ bản so với quý trước và giảm 4 điểm cơ bản so với cùng kỳ, đạt 3,4%. Điều này phản ánh tình hình cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Năm 2025, các chuyên gia kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ phục hồi dần, cùng với việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, sẽ kích thích nhu cầu tín dụng và giúp cải thiện lợi suất cho vay của các ngân hàng, qua đó nâng cao NIM trong nửa cuối năm 2025.
Mặc dù lãi suất cho vay, đặc biệt là các khoản vay ngắn hạn, đang ở mức thấp (5-7%), các gói ưu đãi và ân hạn lãi vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Bão Yagi sẽ tiếp tục duy trì áp lực lên NIM cho đến hết năm 2024.
Bên cạnh đó, tỷ lệ CASA (tiền gửi thanh toán) đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí vốn và cải thiện kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Mặc dù tỷ lệ CASA đã có sự phục hồi từ sau giai đoạn lãi suất giảm mạnh từ quý I/2023, nhưng vẫn chưa đạt được mức đỉnh như trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Điều này ảnh hưởng đến chi phí vốn và kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, dự báo tỷ lệ CASA sẽ cải thiện rõ rệt trong năm 2025, giúp giảm chi phí vốn cho các ngân hàng.
Từ sau khủng hoảng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp năm 2022-2023, chất lượng tài sản của các ngân hàng đã suy yếu đáng kể. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết vẫn duy trì ở mức cao trong suốt bốn quý liên tiếp và tăng nhẹ 4 điểm cơ bản trong quý III/2024 lên 2,25%. Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 chiếm khoảng 0,8% tổng dư nợ.
Các ngân hàng cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hiện có tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với các ngân hàng cho vay doanh nghiệp lớn. Bộ đệm dự phòng của các ngân hàng hiện tại không còn dày và chỉ tương đương với giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ trong hai quý gần đây, nhưng các dấu hiệu cho thấy nợ xấu đã đạt đỉnh và sẽ có thể cải thiện trong năm 2025. Tỷ lệ nợ chuyển quá hạn, bao gồm cả nợ tái cơ cấu, đã giảm dần xuống còn 0,23% trong quý III/2024, thấp hơn mức trung bình lịch sử là khoảng 0,5%/quý.
Ngoài ra, nợ nhóm 2, một chỉ báo sớm của nợ xấu, các chuyên gia đánh giá rằng nợ đã giảm nhẹ và tiếp tục giảm trong hai quý gần đây nhờ sự phục hồi của nhóm khách hàng bán lẻ. Sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng trong việc quản lý nợ xấu cũng sẽ tiếp tục.