Dự báo thế giới 2021: Sẽ có Hội nghị thượng đỉnh Moon-Kim lần thứ 4?

Tờ Korea Times số ra ngày 13/1 đăng bài bình luận với nhận định, với những nỗ lực của đảng Dân chủ đồng hành (DP) cầm quyền ở Hàn Quốc, nhiều khả năng Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 4 sẽ diễn ra ngay trong năm 2021.

Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in tại làng đình chiến Panmunjom tháng 8/2018. (Nguồn: AFP)

Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in tại làng đình chiến Panmunjom tháng 8/2018. (Nguồn: AFP)

Ý tưởng về cuộc gặp thượng đỉnh Moon-Kim, được các thành viên DP đưa ra ngay sau diễn văn chào năm mới ngày 11/1 vừa qua của Tổng thống Moon Jae-in, phần nào cũng cho thấy họ ủng hộ cam kết kiên định của ông trong việc sớm xúc tiến các cuộc đàm phán với Triều Tiên "mọi lúc, mọi nơi".

Tiền đề thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên

Các trợ lý thân cận của ông Moon Jae-in, bao gồm Thư ký cấp cao về các vấn đề chính trị Choi Jae-sung và Nghị sĩ DP Youn Kun-young, cựu Trợ lý tổng thống tham gia chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Moon-Kim năm 2018, đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của một Hội nghị thượng đỉnh liên Triều khác trong năm nay, coi đó là tiền đề cho việc thúc đẩy "tiến trình hòa bình" trên Bán đảo Triều Tiên mà ông Moon Jae-in đang mong muốn thực hiện trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ.

Trả lời báo giới ngày 13/1, ông Choi Jae-sung nói: "Việc chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức ra mắt ở Mỹ vào ngày 20/1 tới sẽ mang lại những thay đổi về bối cảnh cả ở bên trong và bên ngoài Bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, sẽ rất có ý nghĩa khi chúng ta đưa ra nhận định về khả năng diễn ra một Hội nghị thượng đỉnh liên Triều khác ở thời điểm này".

Một số chuyên gia cho rằng một Hội nghị thượng đỉnh liên Triều là "có khả năng xảy ra" bởi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mong muốn được nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế, vốn được chính ông nhấn mạnh là "ưu tiên chính" tại đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ VIII vừa diễn ra.

Họ nói thêm rằng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, có khả năng chính quyền Bình Nhưỡng sẽ hưởng ứng lời đề nghị nối lại đàm phán với Seoul trước khi can dự với chính quyền Mỹ sắp tới của ông Joe Biden.

Ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un đã có cuộc gặp vào tháng 5/2018 tại làng đình chiến Panmumjom ở biên giới giữa hai miền Triều Tiên, và chỉ sau đó vài tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump có mặt ở Singapore để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên.

Sean King, Phó Chủ tịch cấp cao của tổ chức Park Strategies, nói với tờ Korea Times: "Hội nghị thượng đỉnh liên Triều của năm 2021 có thể diễn ra theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Ông Kim Jong-un nên biết rằng Washington sẽ không can dự với Bình Nhưỡng nếu thiếu vắng vai trò của Seoul. Do đó, ông Kim Jong-un cần tính đến việc sớm có cuộc gặp với ông Moon Jae-in nếu muốn tiếp cận ông Joe Biden".

Dụng ý của ông Moon

Tuy nhiên, thời điểm thúc đẩy Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 4 đang khiến dư luận Hàn Quốc băn khoăn về mục đích thực sự của Tổng thống Moon Jae-in.

Thực tế cho thấy đề xuất đàm phán của ông Moon Jae-in, ngay cả ở hình thức trực tuyến, được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên từ chối các đề xuất hợp tác liên Triều trước đó và tuyên bố sẽ tăng cường năng lực hạt nhân của đất nước ngay trong Đại hội Đảng vừa diễn ra.

Một số người bày tỏ lo ngại rằng Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, nếu diễn ra trong năm nay, có thể tạo ấn tượng rằng Seoul đang bị Bình Nhưỡng "gây áp lực" buộc phải đưa ra những nhượng bộ lớn về chính trị để tạo động lực cho tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Một giáo sư Hàn Quốc nghiên cứu về Triều Tiên nhận định trên tờ Korea Times: "Hội nghị thượng đỉnh có thể diễn ra, song nó sẽ gây tổn hại đến di sản của tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm cũng như việc xử lý các vấn đề liên Triều về lâu dài".

Trong khi đó, phe đối lập ở Hàn Quốc đưa ra phản ứng bằng cách phủ nhận đề xuất của ông Moon Jae-in vì cho đó là điều "mơ mộng viển vông".

Theo ông Choi Jin, Giám đốc Viện nghiên cứu đường lối lãnh đạo của tổng thống (PLI) ở Seoul, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều có thể mang lại tác động tích cực bằng cách tạm thời thu hút sự ủng hộ của người dân trong mùa bầu cử. Tuy nhiên, nó sẽ không đủ để làm xoay chuyển sự tín nhiệm của người dân.

Các nhà phân tích khác cho rằng, một Hội nghị thượng đỉnh sẽ phụ thuộc vào mức độ thỏa hiệp mà Chính phủ Hàn Quốc sẽ thực hiện để đáp ứng các yêu cầu của Triều Tiên liên quan đến các lệnh trừng phạt kinh tế và xử lý các vấn đề về mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ.

Donald Kirk, một nhà báo kỳ cựu chuyên viết về vấn đề Bán đảo Triều Tiên, nhận định: "Một hội nghị thượng đỉnh liên Triều trong năm nay có thể diễn ra. Tuy nhiên, trước tiên ông Kim Jong-un muốn thấy những dấu hiệu rõ ràng về sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế. Khó có thể nói chắc điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, nhưng Mỹ và Hàn Quốc hoàn toàn có thể cân nhắc đến Tuyên bố chung Trump-Kim tại Singapore vào tháng 6/2018. Tại thời điểm đó, họ đã cam kết sẽ kiến tạo một Bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân".

(theo Korea Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/du-bao-the-gioi-2021-se-co-hoi-nghi-thuong-dinh-moon-kim-lan-thu-4-133925.html