Dự báo thời tiết Tết Ất Tỵ: Miền Bắc trời rét, miền Trung và miền Nam có mưa
Giai đoạn những ngày chính Tết (27-31/1, tức 28 Tết đến mùng 3 Tết): Miền Bắc chịu tác động của gió mùa Đông Bắc, trời rét, vùng núi có rét đậm...
Đó là thông tin tại Hội thảo Dự báo xu thế tình hình Khí tượng Thủy văn (KTTV) năm 2025 do Tổng cục Khí tượng Thủy Văn – Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tổ chức sáng 17/1.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia - cho biết: Ở Việt Nam, nhiệt độ từ tháng 1 đến tháng 12/2024 cao hơn từ 0,5°C đến 1,5°C so với mức trung bình. Đặc biệt, nhiệt độ vào tháng 4 rất cao, vượt trội mức trung bình lên đến 4°C ở các khu vực phía Bắc.
Nhiệt độ trung bình cả nước năm 2024 là 24,87°C, cao hơn so với trung bình nhiều năm (thời kỳ 1991-2020) là 1,10°C. Với mức nhiệt độ trung bình này, chuẩn sai nhiệt độ năm 2024 của Việt Nam cao hơn trung bình toàn cầu 0,38°C và năm 2024 là năm có nhiệt độ trung bình năm toàn quốc cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc của Việt Nam. Cũng trong năm 2024, tại Nam Bộ đã có xảy ra nắng nóng kéo dài liên tục 47 ngày (từ 29/3 đến 14/5).
Tổng lượng mưa (TLM) năm 2024 cả nước phổ biến 1500-2500mm, có nơi cao hơn, đặc biệt tại khu vực Trung Trung Bộ TLM phổ biến 2500-4000mm, một số nơi TLM trên 5000mm như tại Bắc Quang (Cao Bằng) 6546mm, Nam Đông (Huế) 5099mm, Trà My (Quảng Nam) 5470mm...
Số lượng bão năm 2024 ở mức xấp xỉ so với mức trung bình với 10 cơn bão và 01 áp thấp nhiệt đới, nhưng đã xảy ra bão rất mạnh và siêu bão gây ra tác động đáng kể. Trong đó, bão Yagi, cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 30 năm trên Biển Đông, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Quảng Ninh, Hải Phòng, gây ra gió mạnh cấp 10-12, giật cấp 13-15, riêng trạm Bãi Cháy mạnh cấp 14, giật cấp 17.
Tăng cường giám sát, dự báo thiên tai trong năm 2025
Để chủ động dự báo và cung cấp kịp thời thông tin về tình hình thiên tai có khả năng diễn biến phức tạp, gia tăng về tần suất và cường độ trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV - chia sẻ các giải pháp của Tổng cục KTTV trong công tác dự báo:
Tăng cường công tác theo dõi, giám sát diễn biến của trạng thái khí quyển - đại dương và phát tin cảnh báo, thông báo về các thiên tai KTTV khi số liệu quan trắc và dự báo đạt ngưỡng chỉ tiêu theo quy định;
Theo dõi sát tình hình khí tượng thủy văn trong phạm vi cả nước, đặc biệt tập trung quan tâm đối với khu vực chịu ảnh hưởng của mỗi đợt thiên tai có nguy cơ gây tác động lớn như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn… chủ động có công văn gửi thông tin nhận định sớm đến Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương để cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành;
Các đơn vị dự báo KTTV chủ động bổ sung các dự báo chuyên đề, dự báo từ sớm, từ xa để chính quyền và người dân địa phương biết, chủ động trong phòng, chống.
Tăng cường cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông, báo chí nhằm truyền tải khách quan, kịp thời các thông tin về thiên tai nói chung;
Thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo trên các trang thông tin điện tử, hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn; hệ thống cảnh báo sớm dông sét, mưa lũ tại địa chỉ: https://iweather.gov.vn và mạng xã hội.
Ngoài ra, ông Hoàng Đức Cường cho rằng, các giải pháp chính để nâng cao chất lượng dự báo như: Đan dày và nâng cao chất lượng quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn;
Nâng cao chất lượng các công nghệ dự báo, cảnh báo sớm: Nghiên cứu ứng dụng AI trong dự báo, cảnh báo thiên tai;
Tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin dữ liệu, đặc biệt là trên biển đối với bão và ở thượng nguồn các dòng sông chảy vào Việt Nam;
Ứng dụng các phương tiện, công nghệ hiện đại trong công tác truyền tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến các đối tượng chịu tác động khác nhau trên các nền tảng công nghệ thông tin phù hợp;
Các giải pháp khác như tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài nước; Tăng cường công tác truyền thông và phổ biến kiến thức về thiên tai KTTV; Tăng cường xã hội hóa để thu hút các nguồn lực…
Dự báo xu thế thời tiết dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ
Trong dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ, có rất ít khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông; trong giai đoạn trước Tết thời điểm từ 17-25/1 (18-26 tháng Chạp), khu vực Bắc Bộ sáng có sương mù nhẹ, ngày trời nắng ráo trời tiếp tục rét; khu vực Trung Bộ, vùng từ Thanh Hóa-Huế, nhiều mây, trời rét; khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận phía Bắc đêm và sáng trời rét, ngày trời nắng nhẹ; Tây Nguyên và Nam Bộ đêm và sáng sớm mây nhiều, có sương mù và sương mù nhẹ, ngày trời nắng, không xảy ra nắng nóng.
Giai đoạn những ngày chính Tết (27-31/1, tức 28 Tết đến mùng 3 Tết): Miền Bắc chịu tác động của gió mùa Đông Bắc, nền nhiệt độ ở mức xấp xỉ so với trung bình nền nhiệt, trời rét, vùng núi có rét đậm, phía đông Bắc Bộ có ngày có mưa nhỏ, mưa phùn. Khu vực Bắc Trung Bộ có mưa nhỏ vài nơi, trời rét. Khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác (thời gian mưa tập trung vào trước ngày 28/1 (29 Tết). Tây Nguyên và Nam Bộ: Phổ biến ít mưa, trời nắng (không xảy ra nắng nóng).
Dịp Tết Nguyên đán 2025, khu vực ven biển miền Đông Nam Bộ sẽ chịu ảnh hưởng của một đợt triều cường diễn ra từ ngày 30/01-02/02/2025 (mùng 2-5 Tết), đỉnh triều cao nhất trong đợt này có thể đạt 4,1m, gây ngập úng cục bộ cho một số khu vực ven biển, cửa sông.