Dự báo vải Thanh Hà mất mùa, nông dân kỳ vọng được giá
Do ảnh hưởng của thời tiết, vùng trồng vải Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) dự báo sẽ mất mùa khi cây vải ra hoa, đậu quả thấp, sản lượng ước giảm 40-50%.
Huyện Thanh Hà hiện có khoảng 3.300 ha vải tại các địa phương trong vùng quy hoạch sản xuất vải tập trung với 500 ha vải Thanh Hà được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Trong số đó, khoảng 1.700 ha vải thiều sớm và khoảng 1.600 ha vải thiều chính vụ.
Thời điểm này, hầu hết diện tích vải sớm gồm các giống u trứng, u gai và u hồng của huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã kết thúc thời kỳ ra hoa. Trà vải sớm đang giai đoạn nở hoa đến quả non, trà vải thiều chính vụ đang ra hoa.
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, năm nay tỷ lệ vải ra hoa đạt thấp hơn năm 2023 khi trà vải sớm đạt khoảng 80%, trà chính vụ chỉ đạt khoảng 30%. Trong số này có khoảng 30% diện tích vải ra hoa xen lá lộc, chủ yếu là giống vải u hồng. Nguyên nhân khiến sản lượng hoa và tỷ lệ đậu quả thấp do biến động bất thường của thời tiết. Tỷ lệ ra hoa, đậu quả ít sẽ làm giảm năng suất và sản lượng vải vào mùa thu hoạch năm nay.
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại xã Thanh Quang, vùng vải sớm lớn nhất của huyện Thanh Hà và tỉnh Hải Dương với diện tích khoảng 600 ha. Tại đây, nhiều vùng vải ra lộc sớm, ra hoa xen lẫn lộc, điều này gây nguy cơ làm giảm 40-50% sản lượng vải.
Với kinh nghiệm trồng vải nhiều năm, hầu hết các hộ dân tại các vùng trồng vải tập trung đều nhận định, năm nay năng suất vải sẽ sụt giảm. Những diện tích vải ra hoa kèm lộc sẽ phát triển kém hơn nếu hộ trồng vải không áp dụng các biện pháp chăm sóc tốt.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lan (thôn Phúc Giới, xã Thanh Quang) có hơn 1 mẫu vải sớm và vải thiều. Trước nỗi lo mất mùa như nhiều hộ dân khác, bà Lan cho biết: “Năm nay, tỷ lệ ra hoa, đậu quả giảm trầm trọng. Trung bình, cứ 3 cây vải trong vườn mới có một cây ra hoa và đậu quả, còn lại vải đều phát triển tán và lộc non. Nếu như năm ngoái, một vườn vải rộng 4 sào gia đình tôi phun 6 bình thuốc sâu sinh học, thì năm nay lượng quả đậu ít nên chỉ phun 1 bình”.
Trước tình trạng này, gia đình bà Phạm Thị Miêng (thôn Thúy Lâm, xã Thanh Quang) đang tập trung nhân lực, cắt tỉa các cành ra lộc, cành trong tán cho hơn 2 mẫu vải để cây có dinh dưỡng nuôi hoa, quả. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu ở thời điểm hiện tại để hạn chế ảnh hưởng khi vải ra lộc dẫn đến giảm sản lượng.
Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà cũng khuyến khích các hộ dân cần chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, tích cực áp dụng quy trình sản xuất theo quy trình VietGAP vào sản xuất của hộ gia đình.
Không chỉ nỗi lo mất mùa, nhiều hộ gia đình cùng các hộ gia đình trồng vải tập trung tại huyện Thanh Hà cũng kỳ vọng năm nay vải sớm và vải thiều sẽ bán được với giá cao. Ông Nguyễn Văn Túy (xã Thanh Thủy), hộ dân trồng vải cho biết, thời điểm đầu vụ năm 2023 vải u trứng bán với giá dao động 80 - 90 nghìn đồng/kg đối với vải u trứng và 40 - 50 nghìn đồng/kg với vải u gai, vải thiều thấp hơn với giá 15 - 20 nghìn đồng/kg.
“Năm nay, dự kiến sản lượng sụt giảm, chúng tôi đều hy vọng vải sẽ được giá cao hơn các năm trước và mong đầu ra ổn định, không bị thương lái ép giá” - ông Túy bày tỏ.