Dự báo về một nền văn minh không - nghĩ
'Một cuốn sách là một khẩu súng đã nạp đạn trong căn nhà bên cạnh. Đốt nó đi. Tước phát đạn khỏi khẩu súng kia đi. Xé toạc tâm trí con người đi. Ai biết được kẻ nào có thể là đích ngắm của người đọc rộng? Tôi ư? Tôi không nuốt nổi bọn đó dù chỉ một phút'. Nhân vật Beatty, Đội trưởng đội lính phóng hỏa trong tiểu thuyết '451 độ F' của nhà văn Mỹ Ray Bradbury (Dick Trương dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 2022) đã tuyên bố hùng hồn như thế.
Tuyên bố ấy cũng chính là sự cắt nghĩa cho án tử bằng lửa mà những cuốn sách đã, đang, và sẽ còn phải hứng chịu trong cái thế giới giả tưởng do Ray Bradbury dựng lên từ năm 1953. Không chỉ những cuốn sách, mà cả những kẻ đọc sách, những kẻ chứa chấp sách, những kẻ cố tình giấu sách trong nhà, đều đáng phải bị đốt cháy thành tro.
Thời gian để các sự kiện trong "451 độ F" xảy ra là quãng sau năm 2035, và là lúc đang có chiến tranh. Tuy nhiên, chiến tranh lại là thứ chỉ được nhắc đến chứ không hiện diện trong tiểu thuyết. Cái hiện diện thực sự, hiện diện bề bộn và gây choáng váng, khiến căng tai nhức mắt, chính là một đời sống dân sự chúng ta đang sống, bởi sự lệ thuộc của con người vào các loại hình giải trí, quảng cáo, truyền thông và công nghệ.
Một gia đình bình thường, mang tính phổ biến trong đời sống dân sự ấy, như gia đình của nhân vật anh lính phóng hỏa Guy Montag chẳng hạn, không phải là một căn nhà, nơi các thành viên trong gia đình có thể chung sống, sinh hoạt với nhau, nói năng với nhau, thể hiện tình cảm với nhau theo cách họ muốn.
Mà trong những căn nhà ấy, ngoài gia đình chủ nhân, luôn có sự hiện diện của những người khác, rất nhiều người khác: họ ở trên những màn hình tivi mang chức năng là những bức tường kiến tạo không gian cho phòng khách. Họ là những diễn viên, những biên tập viên, những nhà sản xuất chương trình truyền hình. Họ ca hát, diễn kịch, kể chuyện, hỏi và trả lời và tranh luận suốt ngày, không chỉ với nhau, mà cả với chính những khán giả/ chủ nhà, qua một cơ chế tương tác trực tiếp.
Một thứ tình cảm thân ái và gắn bó đã được thiết lập giữa những khán giả/ chủ nhà với những người trên tivi. Thân ái và gắn bó thậm chí còn hơn cả với những người nhà thực sự. Thân ái và gắn bó đến mức người ta - như Mildred, vợ của Montag và các bà hàng xóm của cô - cả ngày chỉ sống với các bức tường tivi, vui buồn cùng với câu chuyện của những "người nhà" trên tivi và không quan tâm đến đời sống ngoài tivi đang thực sự xảy ra những gì.
Đó là ở trong nhà, không gian riêng tư. Còn ở ngoài nhà, trong các không gian công cộng, tình hình cũng không khác là mấy nếu xét ở phương diện con người bị truyền thông và quảng cáo vây bủa, lan thấm, ăn mòn, đến mức trở thành máy móc hóa và ngu muội hóa.
Đoạn văn mang phong cách cực kỳ lộn xộn và đầy những lặp lại, kể chuyện Montag đi xe điện ngầm tìm đến nhà ông giáo sư văn chương Faber, là một cực tả về cái hiện thực này: Montag đang đọc cuốn "Kinh Thánh" trên tay, với tâm trạng "nếu mình đọc nhanh và đọc tất cả thì rồi một ít cát sẽ còn lại trên sàng", nhưng lại bị tiếng loa quảng cáo kem đánh răng Denham liên tục quấy nhiễu. Anh bị kích động và trở nên điên khùng, khiến cho các hành khách trong cái toa tàu om sòm nọ phải kinh hoàng. Mà hành khách là ai?. Là: "Những người mới một giây trước hãy còn ngồi, nhịp nhịp ngón chân theo nhịp Kem đánh răng Denham tuyệt hảo, Thuốc tẩy răng Denham tuyệt hảo, Kem đánh răng Denham tuyệt hảo tuyệt hảo tuyệt hảo tuyệt hảo, một hai, một hai ba, một hai, một hai ba. Những người mà cái miệng đang khẽ uốn theo các từ Denham tuyệt hảo Denham tuyệt hảo Denham tuyệt hảo".
Tất cả những việc này và các việc tương tự đã xảy ra trong "451 độ F", xét cho cùng, là xảy ra trong một cái thế giới mà người ta không muốn phải nghĩ, người ta ghét phải nghĩ, và người ta tìm mọi cách để mọi người có được sự tiện lợi tối đa mà hưởng thụ cuộc sống hạnh phúc do không - nghĩ. Cái sự không - nghĩ này vừa góp phần vun đắp lại vừa là một trong những trái quả ngọt của một guồng máy sản xuất và tiêu thụ vĩ đại nhưng điên cuồng.
Beatty, đội trưởng đội lính phóng hỏa, trong khi theo dõi và truy xét Montag, chính là người đã khai mở cho anh về cách mà thế giới này vận hành: "Hãy nhồi đầy đầu họ những dữ liệu không bắt cháy, hãy tọng cho họ đầy ứ "sự kiện" đến nỗi họ thấy tức thở nhưng tuyệt đối "sáng láng" nhờ có thông tin. Rồi thì họ sẽ cảm thấy mình đang suy nghĩ, họ sẽ có cảm giác mình đang chuyển động trong khi không chuyển động. Và họ sẽ vui vẻ hạnh phúc, bởi vì những sự kiện thuộc loại đó không thay đổi. Đừng cho họ bất cứ thứ gì khó nắm bắt như triết học hay xã hội học để cho họ cột các thứ vào nhau. Làm vậy thì chỉ có phiền não thôi".
Trong một thế giới mà người ta tìm kiếm hạnh phúc bằng việc không-nghĩ như vậy, sách đương nhiên phải là đối tượng của sự truy lùng để tận diệt. Bởi sách là thứ quá nguy hiểm, nhất là những cuốn sách tốt: chúng kích thích, vẫy gọi người đọc nghĩ, thậm chí chúng tra vấn và bắt người đọc phải nghĩ. Và như thế, nói theo lời rao giảng của Beatty với Montag, "chúng làm cho mọi người đâm ra bất hạnh với những lý thuyết và tư duy mâu thuẫn". Trên cơ sở ấy, ở cái thế giới giả tưởng kỳ quặc của "451 độ F", lính cứu hỏa đã bị lính phóng hỏa thay thế, nước để dập lửa đã bị biến thành dầu để lửa bốc cháy dữ dội hơn. Trong trường hợp này, đốt sách và đốt người lưu giữ sách nhân danh hạnh phúc của một nhân loại không - nghĩ, không gì khác, đó chính là cách ngu muội hóa con người để thứ quyền lực phổ quát của chủ nghĩa tiêu thụ và văn hóa giải trí bề mặt vươn lên, ngự ngôi thượng đẳng.
Trong bầu khí quyển ngột ngạt căng thẳng bởi sự trấn áp khắc nghiệt như vậy, anh lính phóng hỏa Guy Montag đã xuất hiện, có thể nói, như một kẻ nổi loạn, một kẻ đấu tranh chống lại thứ trật tự đã được thiết lập vững chắc. Không ai nói cho chúng ta biết bằng cách nào Montag lại trở thành lính phóng hỏa, và bằng cách nào một lính phóng hỏa như anh, thay vì đốt tất tần tật những cuốn sách truy tìm được, lại giữ cho mình một ít, giấu đi và đọc trộm.
Nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng Montag đã được sách khai minh. Thoạt tiên là sự hoài nghi của Montag trước cái hạnh phúc được sống trong một thế giới không - nghĩ. Rồi, với sự trợ giúp của ông giáo sư văn chương Faber - kẻ đã bị gạt ra bên lề thế giới từ bốn mươi năm trước, chỉ vì sách - Montag đã thực sự dấn thân vào cuộc chiến tranh của mình, theo cấp độ tăng dần, mà đỉnh điểm là việc anh quay vòi lửa đốt chết Beatty, lý thuyết gia của việc nhất thiết phải phóng hỏa đốt sách để bảo vệ cho sự an toàn của những con người không-sách và niềm hạnh phúc của một thế giới không - nghĩ.
Ở đây, người đọc hoàn toàn có thể tự cho phép mình hình dung, ước lượng sức mạnh khai minh của sách, của tri thức và của sự nghĩ/ tư duy nói chung. Nó khiến người ta thấy rằng nhất thiết phải hành động để mọi sự trở nên khác đi, cho dẫu cái khác ấy nhiều khi đòi hỏi trả giá bằng cả tính mạng. Ray Bradbury đã viết "451 độ F", chính là theo tinh thần như thế.
Sau khi đốt chết đội trưởng Beatty, lính phóng hỏa Guy Montag trốn chạy vào những vùng đất đã bị thế giới này bỏ quên. Nơi ấy không có giải trí, không có quảng cáo, không có truyền thông và công nghệ. Nơi ấy chỉ có những con người như anh, kẻ nằm ngoài vòng pháp luật. Những người mà anh gặp, họ không có sách trong hành lý, nhưng họ có sách trong bộ nhớ của mình, và họ chính là những cuốn sách, là những người viết sách mà thân xác đã tan vào cát bụi.
Ở những vùng đất bị thế giới bỏ quên ấy, họ sống chui lủi nhưng vẫn cố gắng kết nối với nhau để trao truyền những trang sách nằm trong bộ nhớ, với hy vọng mong manh rằng đến một lúc nào đó chúng sẽ được in ra, như một điều quan trọng đáng làm. Trong trường hợp này, cái nỗ lực kiên định ấy chính là nỗ lực chống đỡ sự lụi tàn của nền văn minh nhân loại, nỗ lực bảo vệ phẩm tính người trước sức mạnh đàn áp của nền đại sản xuất và công nghệ phi nhân tính.
451 độ Fahrenheit là nhiệt độ để giấy bắt lửa, nhiệt độ để những cuốn sách bốc cháy. Nó là một gợi ý để Ray Bradbury làm thành kiệt tác của mình, liên tục trong vòng chín ngày, dưới tầng hầm của một thư viện ở Los Angeles, bằng một cái máy đánh chữ mà ông thuê với cả thảy 9,8 đô la. Trên thực tế, cuốn tiểu thuyết của Ray Bradbury đã phát lộ được một điều vĩ đại: rằng tương lai của văn minh nhân loại đầy bất định và vô cùng mong manh; đánh mất sự tự ý thức và khả năng tự kiểm soát, nền văn minh có thể sẽ bước vào những ngày tàn bởi chính những thành tựu do nó tạo ra. Câu chuyện những cuốn sách bị phóng hỏa chỉ là một trong muôn khả thể.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/du-bao-ve-mot-nen-van-minh-khong-nghi-i696920/