Dự báo VN-Index kết thúc năm ở vùng 1.400 điểm, lợi nhuận toàn thị trường tăng 18%

Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng trong bối cảnh cơn sốt của thị trường vàng đã có dấu hiệu hạ nhiệt, mặt khác kênh đầu tư bất động sản vẫn chưa có sự phục hồi rõ nét thì dòng tiền sẽ có xu hướng chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán trong tương lai để tìm kiếm lợi nhuận.

Dự báo lợi nhuận toàn thị trường tăng 18% trong năm 2024, VN-Index kết năm ở vùng 1.400 điểm

GDP quý I/2024 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng trưởng quý I trong giai đoạn 2020-2023. Điều này cũng được phản ánh vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

PHS ước tính lợi nhuận toàn thị trường tăng trưởng 12% so với cùng kỳ trong quý I/2024, so mức -19% của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các nhóm ngành liên quan sản xuất và tiêu dùng như bán lẻ, thép, hàng không, xây dựng, ô tô có xu hướng phục hồi mạnh mẽ sau một năm 2023 khó khăn. Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán cũng có kết quả kinh doanh khả quan nhờ hưởng lợi từ diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán nói chung.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, cũng có một số nhóm ngành gây thất vọng như tăng trưởng chậm lại của nhóm ngân hàng (do nhu cầu tín dụng yếu) hay tăng trưởng âm của nhóm bất động sản khi các dự án lớn vẫn được bàn giao trong thời gian này.

 Ảnh: PHS

Ảnh: PHS

Về mặt triển vọng, theo ước tính của PHS, lợi nhuận toàn thị trường trong năm 2024 dự kiến tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng với mức P/E forward tại thời điểm cuối tháng 6/2024 khoảng 12,05x. Đây có thể xem là mức định giá tương đối hấp dẫn so với mức bình quân 10 năm khoảng 15.x.

 Ảnh: PHS

Ảnh: PHS

“Trong bối cảnh hiện tại, cơn sốt của thị trường vàng đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi NHNN chủ trương triển khai bán vàng tại các NHTM. Mặt khác, kênh đầu tư bất động sản vẫn chưa có sự phục hồi rõ nét. Do đó, dòng tiền sẽ có xu hướng chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán trong tương lai để tìm kiếm lợi nhuận”, báo cáo của PHS nhận định.

Trong đó, các ngành được PHS kỳ vọng sẽ dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường với mức tăng dự phóng lên tới 3 chữ số bao gồm Bán lẻ (+158%), Du lịch và giải trí (156%). Cùng đó là mức tăng trưởng tích cực và bền vững đến từ một số nhóm ngành triển vọng như Xây dựng và vật liệu (+87%), Viễn thông (+48%), Tài nguyên cơ bản (+39%), Dịch vụ tài chính (+38%).

2 nhóm ngành vốn hóa hàng đầu thị trường là Ngân hàng được dự báo chứng kiến tăng trưởng lợi nhuận 17%, thấp hơn một chút so với mức bình quân toàn thị trường (18%) và Bất động sản được dự báo tăng trưởng 5%, khiêm tốn hơn trong bối cảnh thị trường chung chưa thực sự phục hồi rõ nét.

PHS dự phóng P/E mục tiêu cuối năm 2024 của VN-Index có thể đạt khoảng 13.5x, tương ứng với VN-Index có thể đạt khoảng 1.400 điểm.

Dự phóng này của PHS tương đương với kịch bản tích cực mà Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra trong báo cáo phân tích mới đây. Cụ thể, BSC đưa ra 3 kịch bản cho VN-Index năm 2024. Kịch bản tiêu cực: Vn-Index tiệm cận 1.200 điểm, Kịch bản tích cực: hướng đến 1.425 điểm và Kịch bản cơ sở: 1.298 điểm với xác suất cao hơn hai kịch bản còn lại.

Câu chuyện nâng hạng là tâm điểm để thu hút dòng vốn ngoại trở lại

Từ đầu năm đến nay, ước tính các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng lượng cổ phiếu trị giá lên tới hơn 53.000 tỷ (tương đương hơn 2 tỷ USD) trên TTCK Việt Nam.

PHS nhận định đà bán ròng không chỉ xảy ra riêng lẻ trên TTCK Việt Nam, mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng có động thái rút vốn ở nhiều TTCK trong khu vực. Trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tại Mỹ đang duy trì ở mức khá cao, đồng thời chứng khoán Mỹ tăng vượt đỉnh với hiệu suất vượt trội, dòng vốn có xu hướng chảy ngược về các kênh đầu tư của Mỹ.

 Ảnh: PHS

Ảnh: PHS

Theo PHS, câu chuyện nâng hạng sẽ là mối quan tâm hàng đầu để hướng đến thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại trong tương lai. Trong đó, hệ thống KRX là cơ sở để vận hành cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm CCP – yếu tố quan trọng để giải quyết câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi của chứng khoán Việt Nam bởi cả FTSE và MSCI.

Trong bối cảnh hiện tại, PHS tiếp tục duy trì quan điểm rằng thị trường Việt Nam sẽ được chính thức nâng hạng bởi FTSE trong kỳ đánh giá tháng 9/2025, đáp ứng mục tiêu của Chính phủ.

“Với việc hệ thống KRX vẫn đang dừng ở mức thử nghiệm, kết quả đánh giá của FTSE trong kỳ tháng 9/2024 có thể sẽ không khả quan như dự báo trước đó của chúng tôi. Mặc dù vậy, thị trường vẫn còn một cơ hội nữa trong đợt xem xét tháng 3/2025 để hướng đến việc nâng hạng vào 6 tháng sau đó”, nhóm phân tích cho hay.

Với đánh giá của MSCI, Việt Nam vẫn còn nhiều tiêu chí cần phải cải thiện, đặc biệt là những tiêu chí liên quan đến giới hạn sở hữu và các quyền lợi đối với nhà đầu tư nước ngoài. Những tiêu chí này đòi hỏi cần có những sửa đổi về Luật Chứng khoán cũng như thời gian để xem xét cân nhắc.

Trong kịch bản tiêu cực nhất, nếu hệ thống KRX không thể được vận hành trong năm nay, Việt Nam sẽ có nguy cơ đánh mất cơ hội nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 bởi FTSE và sẽ không hoàn thành mục tiêu nâng hạng vào năm 2025 mà Chính phủ đề ra. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút dòng vốn ngoại.

PHS dự báo rằng việc nâng hạng có thể diễn ra sớm nhất vào năm 2027. Triển vọng nâng hạng sẽ giúp dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư chủ động và ETF có liên quan đến thị trường mới nổi.

 Ảnh: PHS

Ảnh: PHS

Bộ Tài chính hồi tháng 6 qua cũng đã ban hành một thông báo liên quan đến việc sớm giải quyết các nút thắt trong quá trình nâng hạng và sẽ cập nhật tình hình hệ thống KRX tới thị trường. Nhiều tổ chức phân tích và các công ty chứng khoán nhân định việc sớm đưa hệ thống giao dịch mới vào vận hành sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam đạt được rất nhiều mục tiêu trong thời gian tới, thanh khoản thị trường sẽ cải thiện đáng kể và triển vọng các phiên giao dịch nhiều tỷ USD sẽ xuất hiện thường xuyên.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/du-bao-vn-index-ket-thuc-nam-o-vung-1400-diem-loi-nhuan-toan-thi-truong-tang-18.html