'Du bè' tuần tra biên giới
PTĐT - Đi tuần tra biên giới bằng bè... Mới nghe, cứ ngỡ là chuyện của thế kỷ trước. Nhưng đó lại là chuyện có thật đang diễn ra hàng ngày trên dòng sông Đa Quýt... của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bù Gia Mập, BĐBP Bình Phước...
Sống ở nơi “0.4”
Chưa tới 5 giờ sáng, nhóm chúng tôi đã được đánh thức bằng một hồi còi lảnh lót. Trời vẫn phủ một màu đen sẫm, gió lạnh rít từng cơn, chẳng khác gì mùa Đông ngoài Bắc. Những ánh đèn pin đan qua, đan lại thay cho ánh đèn điện. Đây là loại đèn pin cải tiến, nhỏ và gọn, có thể gắn trên đầu nhờ một sợi dây. Ở phố thị, đèn pin gần như đã bị “khai tử”, nhưng ở Đồn Biên phòng Bù Gia Mập này, do không có điện lưới nên ai cũng phải tự trang bị cho mình 1 cái và được coi là “vật bất ly thân”.Trung tá, Đồn trưởng Nguyễn Thành Niên cho biết, đơn vị đóng cách trung tâm xã đặc biệt khó khăn Bù Gia Mập 30km, nhưng khác nhau cả một cuộc cách mạng công nghệ. Ngoài kia là “4.0” với đường nhựa, Internet, điện lưới, karaoke; còn cuộc sống ở Đồn Biên phòng Bù Gia Mập là “0.4” với: Không điện, không Internet, không sóng điện thoại và không nước sạch. Mãi sau này mới có sóng 2G mạng Viettel, nhưng cũng phập phù lắm. Mỗi tối, đơn vị chạy máy phát điện để anh em sinh hoạt và xem ti vi đến 21 giờ 30 phút.“Đặc sản” vùng lõm rừng quốc gia Bù Gia Mập
Đưa cho tôi bộ quân phục với đầy đủ giày, vớ (tất) bộ đội, Trung tá Nguyễn Thành Niên dặn dò chu đáo: “Phải thắt chặt dây giày, cài cúc ống quần, kéo cao vớ phủ gấu ống quần để chống vắt rừng”. Sau bữa cơm với cá kho và rau sạch đơn vị tự trồng, 6 giờ sáng, tôi theo chân đội tuần tra trực chỉ hướng bờ sông Đa Quýt. Vượt qua quãng đường 8km, mới tới được nơi cắm biển báo cột mốc CM 60/30 (1.2).Đại úy, Phó Đồn trưởng Nguyễn Hữu Sỹ chỉ huy đội tuần tra “cảnh báo”: Giờ mới bắt đầu giai đoạn vất vả. Rồi anh bày cho tôi mẹo để chống vắt: “Bước thật nhanh, tránh chạm vào cành, lá cây”... Là vùng lõm rừng quốc gia Bù Gia Mập nên ở đây còn rất nhiều cây, nhất vẫn là cây lồ ô. Chính vì vậy nên nơi này rất nhiều vắt. Với người lính Biên phòng, vắt đã trở thành “đặc sản” không thể thiếu trong mỗi chuyến đi tuần tra. Những con vắt đói ngửi được hơi người, búng tanh tách như tép trong giọ. Lúc đầu chúng tôi còn dừng lại gỡ, sau bị bám nhiều quá, gỡ mỏi tay nên thây kệ, coi như “hiến máu cho vắt”.Hơn một giờ băng rừng, tụt dốc trơn trượt với không ít những cú trượt, ngã, chúng tôi cũng đã ra tới sông Đa Quýt - điểm đầu tiên trong chiều dài 16,5km đường biên giới do Đồn Biên phòng Bù Gia Mập quản lý. Trước mắt tôi là khúc sông khá bằng phẳng, rộng độ 40m, nước trong xanh, ven 2 bên bờ là vô số hoa dại, rất thơ mộng. Binh nhất Lê Cẩm Cảnh, 19 tuổi, có đôi mắt to, lanh lợi, cứ ngẩn ngơ mãi trước vẻ đẹp của núi rừng biên cương. Cảnh nói, sau này có bạn gái, nhất định sẽ đưa lên thăm Bù Gia Mập.
“Du bè” trên đường biên giớiNhững chiếc ba lô căng phồng đựng đầy quân tư trang, tăng võng, lương thực cho 2 ngày ăn và sinh hoạt vừa được tháo khỏi vai, bộ đội ta đã vội đi chặt cây làm bè. Tiếng người lao xao hòa lẫn tiếng thác reo, tiếng chim hót tạo thành thứ âm thanh vui nhộn, một cảm giác rất thanh bình.Vốn là lính “cựu”, đã có 10 năm gắn bó với đơn vị và hàng trăm chuyến tuần tra biên giới, Thiếu tá Cao Sỹ Sơn tự sắm riêng cho mình con dao rựa chỉ để dùng vào việc kết bè. Cây lồ ô to như bắp đùi, Sơn chỉ vung 1 nhát là đứt phăng, ngọt lịm như người ta chặt mía. Anh nói, để kết một cái bè cần từ 13 đến 15 cây lồ ô, thêm 2 cây để làm sào chống.Có kinh nghiệm như Sơn, lại được sự trợ giúp đắc lực của 2 chiến sĩ nữa, nhưng cũng phải mất hơn 1 giờ mới kết xong 1 cái bè cho 2-3 người đi. Sơn nói, nhiều đoạn sông rộng tới 60-70m, nhiều chỗ nước xiết, có chỗ đang đi gặp đá ngầm nên khi kết bè phải hết sức cẩn thận từ việc chọn cây đến việc buộc từng mối dây. Sơn hóm hỉnh: “Người ta đi chơi bằng du thuyền, còn tụi em đi tuần tra biên giới bằng du bè”.Theo Đại úy Nguyễn Hữu Sỹ, khúc sông này rất nguy hiểm, về mùa mưa thường xuất hiện lũ rừng, nên cánh lính “cựu” phải có kinh nghiệm phát hiện lũ rừng để phòng tránh. Ngoài ra, anh em còn bày cho nhau cách nhận biết các loại lá thuốc mọc trong rừng, loại nào dùng để chữa tiêu chảy cấp, chữa ngộ độc thức ăn, loại nào dùng giải gan, phòng sốt rét... Vậy nên sau mỗi chuyến tuần tra trở về, bộ đội ta thường mang theo rất nhiều loại lá thuốc hái được trong rừng, đủ cho cả đơn vị uống đến đợt tuần tra tiếp theo.Sau khi đã kết xong 3 cái bè, tổ tuần tra bắt đầu hành trình bảo vệ biên giới. Vốn là khách “vãng lai”, tôi được ưu tiên “du bè” cùng Thiếu tá Cao Sỹ Sơn, với nhiệm vụ là ngồi yên một chỗ, giữ chặt cái ba lô đựng quần áo và đồ ăn. Từng đã có 4 năm làm đội trưởng vũ trang ở đồn Biên phòng, cũng đã từng chỉ huy hàng trăm chuyến đi bảo vệ đường biên, mốc giới, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham gia trong đội hình tuần tra biên giới bằng bè. Rất thơ mộng, rất vui nhưng cũng không kém phần vất vả. Chỉ khoảng 30 phút sau khi xuất phát, quần áo ai cũng bị ướt bởi những cú trượt chân khi chống bè, bởi bè nghiêng, sóng đánh khi bè đi vào khúc cua, nước chảy xiết...Chỉ với 16,5km đường biên giới với 7 vị trí mốc phụ, đội tuần tra phải mất gần 2 ngày vượt sông, cắt rừng với nhiều vất vả, hiểm nguy. Một bữa mỳ tôm sáng, ba bữa cơm đạm bạc giữa rừng già và một đêm giăng võng, đốt lửa ngủ bên cạnh cột mốc đã để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm về biên giới, về những người lính Đồn Biên phòng Bù Gia Mập. Ở nơi đó dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng các anh luôn đoàn kết, lạc quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc đoạn biên giới được giao.