Dù chỉ ngồi được với nhau bên mâm cơm, cũng đừng biến bữa ăn thành lúc để hỏi tội con và vợ chồng chỉ trích nhau
Trong thời buổi công nghệ hiện nay, bữa cơm gia đình dường như là cơ hội duy nhất để các thành viên trong gia đình giao tiếp với nhau. Thế nhưng không ít cặp vợ chồng đã biến bữa ăn thành cuộc khẩu chiến, không ít cha mẹ đã biến bữa ăn thành dịp để phê bình, chỉ trích và mạt sát con cái…
Anh Hải ở Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, vợ anh không có điều gì đáng chê trách, chỉ duy nhất có một tật mà anh góp ý mãi không được. Đó là việc cứ đến bữa cơm là chị lại cằn nhằn, chê trách chồng con khiến cho bữa cơm gia đình trở nên vô cùng ảm đạm. "Hiếm khi gia đình tôi có được bữa ăn vui vẻ. Nhiều lúc nuốt không trôi vì bực bội bởi những lời mai mỉa chỉ trích của vợ mình. Các con tôi nó thấy không khí bất hòa của bố mẹ, chúng cũng ăn vội ăn vàng cho nhanh chóng xong bữa để đi. Tôi bảo vợ tôi rằng, trời đánh tránh miếng ăn, cứ vừa ăn vừa nuốt bực vào trong thế này thì kiểu gì cũng mắc bệnh mà sớm phải đi với tổ tiên! Ấy vậy nhưng vợ tôi vẫn chứng nào tật nấy, chẳng thể thay đổi được", anh Hải tâm sự.
Tương tự cảnh gia đình anh Hải, chỉ khác "kẻ phá hoại bữa cơm gia đình" không phải là vợ mà là người chồng.
Cách đây không lâu, trên mạng xã hội truyền tay nhau một đoạn video cảnh người chồng thể hiện sự bức xúc của anh ta không chỉ bằng lời mà còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay ngay trong bữa cơm gia đình.
Theo đoạn clip ghi lại cho thấy, vợ chồng cùng 3 đứa con nhỏ đang ăn cơm thì bất ngờ người vợ buông lời cằn nhằn, điều này làm người chồng cảm thấy khó chịu, sau đó đã cáu gắt, đập vỡ bát cơm đang ăn dở trên tay xuống mâm. 3 đứa trẻ thấy vậy sợ hãi, ngồi lùi ra phía xa. Người chồng sau đó đứng dậy bỏ đi nhưng người vợ vẫn cằn nhằn, đôi co thêm. Quá bức xúc, người chồng đã ném thẳng chiếc dép từ ngoài cửa vào người vợ và chỉ tay dọa dẫm.
Chuyên gia Nguyễn Diệu Hoa, tổng đài tư vấn tâm lý tình cảm 1088 cho biết, chị đã từng nhận được nhiều cuộc điện thoại tư vấn mâu thuẫn gia đình liên quan đến việc chồng chê cơm vợ nấu. Không ít người vợ tỏ ra bức xúc khi mình hết lòng nấu bữa cơm cho chồng cho con ăn, trong khi nếu ngon thì không được một lời khen mà nếu dở là người chồng chê bai, mắng mỏ thậm chí là cả chửi bới mạt sát vợ.
Không chỉ vợ bức xúc chồng, chồng bức xúc vợ mà bố mẹ cũng "hồn nhiên" thể hiện sự bức xúc của mình đối với con cái trong bữa ăn. Muốn bữa cơm trở nên ngon miệng thì không chỉ bởi thức ăn mà còn do thái độ, tình cảm, cảm xúc tác động. Vậy nhưng không ít ông bố bà mẹ không hiểu được điều này.
Có người thường xuyên tấu điệp khúc chỉ trích con cái ngay trong bữa cơm như: "Sao dạo này điểm số kém thế? Quần áo thì bừa bộn khắp nơi… nói chung là chẳng được cái việc gì? Định thi trường nào?"
Hay: "Phòng nhìn lúc nào cũng như cái chuồng vậy? Cô giáo nói là dạo này chểnh mảng, có người yêu rồi à, đừng để tao phát hiện ra?"…
Chứng kiến những cảnh này, diễn giả, chuyên gia Phạm Ngọc Anh cảm thấy vô cùng lạ lẫm trong việc giáo dục con cái ở không ít phụ huynh hiện nay. Anh cho biết: "Có những bậc làm cha làm mẹ cứ hễ đến giờ ăn cơm tối là lại lôi đủ thứ chuyện "xấu xa" của con ra để nói, để phân tích, để răn đe,…. Cả ngày không gặp nhau nhưng hễ ngồi vào bàn ăn là giống buổi họp kiểm điểm toàn diện hơn là thời gian để quây quần, sum vầy!
Tôi không phủ nhận việc chúng ta quá bận bịu và chỉ có những lúc đó mới có thời gian để "giáo dục" con, tuy nhiên, cách giáo dục này có vẻ chẳng tác dụng gì mà chỉ gây ra thêm ức chế cho trẻ mà thôi. Hãy tự nhớ lại khi mình còn trẻ, nhất là ở độ tuổi trưởng thành, chúng ta có "thẩm" những câu chửi mắng đầy "yêu thương" từ bố mẹ không? Hay trong lòng chỉ dấy lên sự bực bội và mệt mỏi?
Khuyên chân thành các bậc làm cha làm mẹ, đừng biến bữa ăn thành "chiến trường". Tôi luôn hi vọng rằng khi ngồi vào bàn ăn, mọi sự xung quanh đều có thể gạt sang một bên và càng hi vọng rằng: sau này khi ra ngoài xã hội, con cái tôi sẽ nhớ da diết bữa cơm nhà, nhớ ngôi nhà của chúng", diễn giả Phạm Ngọc Anh nói.