Dù có thuận lợi song ngành Công nghệ Vật liệu đang đối mặt với nhiều thách thức
Mặc dù hiện nay đã có một số chuyên gia giỏi, nhưng số lượng nhân sự có trình độ chuyên môn cao vẫn chưa đủ để đáp ứng tốc độ phát triển của ngành.
Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ và thâm nhập sâu vào nhiều lĩnh vực như năng lượng, y sinh, điện tử, xây dựng, ô tô, hàng không…, ngành Công nghệ Vật liệu đang trở thành một trong những lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao và ổn định.
Sự ra đời liên tục của các loại vật liệu mới – từ vật liệu nano, vật liệu thông minh đến vật liệu tái chế và thân thiện môi trường không chỉ mở ra cơ hội ứng dụng rộng rãi mà còn kéo theo nhu cầu lớn về đội ngũ kỹ sư, chuyên gia được đào tạo bài bản, có khả năng nghiên cứu và triển khai thực tế.
Thị trường khát nhân lực chất lượng cao
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lâm Hoàng Hảo – Phó phòng Nghiên cứu và Phát triển, Công ty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân cho biết: Công nghệ Vật liệu là lĩnh vực nền tảng, đóng vai trò thiết yếu trong nhiều ngành công nghiệp và đang có nhu cầu nhân lực rất lớn. Đặc biệt, trong xu hướng phát triển sản phẩm bền vững, ứng dụng năng lượng tái tạo và tận dụng phế phẩm nông nghiệp để bảo vệ môi trường, nhu cầu nhân lực chất lượng cao càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thực tế vẫn còn hạn chế, khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng.
Ông Hảo nhận xét, mặc dù hiện nay đã có một số chuyên gia giỏi, nhưng số lượng nhân sự có trình độ chuyên môn cao vẫn chưa đủ để đáp ứng tốc độ phát triển của ngành. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn gặp khó trong việc áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất, cho thấy khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu công việc.
Bên cạnh đó, kỹ năng mềm của sinh viên, đặc biệt là khả năng giao tiếp, làm việc nhóm còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc trong môi trường doanh nghiệp. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh chuyên ngành, vẫn là rào cản lớn khiến sinh viên khó tiếp cận tài liệu quốc tế và hợp tác chuyên môn với các đối tác nước ngoài.
Chưa kể sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa chặt chẽ, dẫn đến chương trình giảng dạy chưa sát với thực tiễn, khiến sinh viên thiếu kỹ năng cần thiết khi bước vào thị trường lao động.

Ngành Công nghệ Vật liệu có nhu cầu lớn nhưng thiếu lao động trình độ cao. Ảnh: Trường Đại học KHTN - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
Cùng bàn luận về nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ Vật liệu, ông Hoàng Bá Cường, Tiến sĩ ngành Công nghệ vật liệu, hiện đang công tác tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn On Semiconductor Việt Nam nhấn mạnh: "Đây là lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp chế tạo, xử lý để tạo ra vật liệu có tính năng vượt trội hơn như nhẹ, bền hơn, dẫn điện tốt hơn hoặc thân thiện với môi trường – đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong cuộc sống và sản xuất".
Ngành học này cung cấp nền tảng kiến thức vững chắc về các nhóm vật liệu chủ yếu như kim loại, silicat, polymer, vật liệu năng lượng và các vật liệu tiên tiến như vật liệu bán dẫn, siêu dẫn và vật liệu y sinh cho người học. Đây là nguồn nhân lực có vai trò quan trọng, không chỉ đối với ngành công nghiệp bán dẫn, mà còn cho các lĩnh vực sản xuất và công nghệ cao khác như điện tử, y học, năng lượng tái tạo hay vật liệu xanh.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Cường, ở nhiều quốc gia trên thế giới, Công nghệ Vật liệu được coi là ngành mũi nhọn, giữ vai trò nền tảng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, lĩnh vực này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Việc đào tạo và phát triển nhân lực ngành còn khá khiêm tốn, và chưa thu hút được đông đảo sinh viên lựa chọn theo học.
Thực tế chỉ trong thời gian gần đây, khi Việt Nam định hướng đẩy mạnh ngành công nghiệp bán dẫn, Công nghệ Vật liệu mới bắt đầu nhận được sự chú ý nhiều hơn từ các cấp quản lý, cơ sở đào tạo và các viện nghiên cứu. Sự quan tâm này cũng kéo theo xu hướng gia tăng lượng sinh viên đăng ký ngành Công nghệ Vật liệu tại các trường đại học.
“Tuy nhiên, trình độ nhân lực ngành Công nghệ Vật liệu tại Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cao của các tập đoàn lớn. Dù nhiều doanh nghiệp FDI như Intel, Samsung, Amkor… đã đầu tư mạnh vào Việt Nam, nhưng lực lượng lao động trong nước chủ yếu đảm nhận các vị trí cơ bản. Việt Nam vẫn đang thiếu đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, có thể đảm nhận vai trò chủ chốt trong hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các công ty công nghệ hàng đầu”, Tiến sĩ Cường cho hay.

Tại Việt Nam, lĩnh vực Công nghệ Vật liệu vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Ảnh minh họa: Ảnh: Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
Trong khi đó, theo quan điểm của ông Hồ Lê Huy – Trưởng nhóm Nghiên cứu và Phát triển Vật liệu tái chế và thân thiện môi trường, Tập đoàn Thiên Long: “Nhân lực ngành Công nghệ Vật liệu không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, mà còn đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt trong các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Theo ông Huy, đội ngũ kỹ sư và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này có thể góp phần giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn. Cụ thể, trong lĩnh vực vật liệu mới, việc nghiên cứu và biến tính các loại vật liệu tiên tiến đang giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên sẵn có.
Trong lĩnh vực năng lượng, các vật liệu cải tiến có thể nâng cao hiệu suất thiết bị, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Đối với y sinh, việc phát triển các vật liệu chuyên dụng như hợp kim titan y sinh đang góp phần cải thiện chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe.
Còn trong xây dựng và giao thông vận tải, vật liệu mới giúp tăng độ bền, giảm chi phí bảo trì cho công trình hạ tầng.
Bên cạnh những lợi thế sẵn có, ngành Công nghệ Vật liệu tại Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo và khả năng phát triển nguồn nhân lực trình độ cao.
Trước hết là tình trạng thiếu hụt trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu và thực hành. Nhiều trường đại học hiện nay chỉ được trang bị các thiết bị cơ bản, trong khi các lĩnh vực vật liệu tiên tiến như vật liệu nano, vật liệu cho công nghệ bán dẫn lại đòi hỏi hệ thống phòng thí nghiệm chuyên sâu và công nghệ cao. Việc không được tiếp cận đầy đủ với các công nghệ cốt lõi khiến sinh viên khó theo kịp xu hướng phát triển của ngành vật liệu toàn cầu.
Bên cạnh đó, sự hạn chế trong hợp tác nghiên cứu – chuyển giao công nghệ giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu cũng là một rào cản đáng kể. Do thiếu các dự án hợp tác thực tiễn, sinh viên có rất ít cơ hội tiếp xúc với môi trường công nghiệp, dẫn đến khoảng cách lớn giữa kiến thức học thuật và yêu cầu thực tế.
“Một ví dụ cụ thể là phần lớn các trường đại học tại Việt Nam hiện chưa được đầu tư phòng thí nghiệm quang khắc – công nghệ then chốt trong chế tạo vi mạch và chip điện tử. Việc không kịp chuẩn bị hạ tầng đào tạo phù hợp khiến Việt Nam chưa thể chủ động cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là ở các vị trí kỹ thuật chuyên sâu”, ông Huy nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tế
Đánh giá về lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư, ông Lâm Hoàng Hảo nhận xét Việt Nam là một thị trường năng động và cạnh tranh với điều kiện tự nhiên ổn định, dân số trẻ và vị trí thuận lợi. Những yếu tố này tạo ra môi trường lý tưởng để thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh đó, ngành Công nghệ Vật liệu được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những lĩnh vực then chốt, góp phần tạo đột phá cho nền kinh tế nhờ khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, để đáp ứng được kỳ vọng này, các trường đại học tại Việt Nam cần tăng cường khả năng tiếp cận với trang thiết bị hiện đại, đồng thời đảm bảo chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp tránh tình trạng mất cân đối cung – cầu trên thị trường lao động.
Bên cạnh đó, để đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn, giáo dục đại học cần chú trọng đến nhiều yếu tố như trang bị kiến thức chuyên môn vững vàng về cấu trúc, tính chất và ứng dụng của vật liệu.
Thứ hai, rèn luyện kỹ năng thực hành trong phòng thí nghiệm và năng lực nghiên cứu độc lập. Phát triển kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp và lãnh đạo, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận các công nghệ tiên tiến.
Đặc biệt, khuyến khích tư duy sáng tạo cũng như khả năng giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp. Đây chính là nền tảng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đưa ngành Công nghệ Vật liệu cũng như nền kinh tế Việt Nam vươn xa.
Để theo học và chinh phục thành công chương trình đào tạo ngành Công nghệ Vật liệu, ông Hảo cho rằng người học cần hội tụ một số tố chất quan trọng. Trước hết là niềm đam mê đối với khoa học và công nghệ để xây dựng hứng thú với các vấn đề kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, cần có tư duy logic và khả năng phân tích để đánh giá và giải quyết các bài toán liên quan đến vật liệu. Tính tỉ mỉ và kiên nhẫn để có thể chinh phục quá trình nghiên cứu, thực nghiệm vốn đòi hỏi sự chính xác bền bỉ.
Đồng thời, sinh viên cũng cần bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhóm để dễ dàng phối hợp hiệu quả với các đồng nghiệp trong môi trường học thuật cũng như công việc thực tế sau này.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hồ Chí Minh tham quan và học tập tại Công ty On Semiconductor. Ảnh: NTCC
Trong khi đó, ông Hoàng Bá Cường nhận định rằng, bên cạnh việc thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và công ty đa quốc gia, Việt Nam cũng chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước. Nhiều tập đoàn lớn như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát... đã được hình thành và phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu và cơ khí chế tạo. Những thành tựu này đang tạo nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp hỗ trợ, góp phần giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...
Về nguồn lao động, Việt Nam hiện có lực lượng lao động trẻ dồi dào, song vẫn còn hạn chế về trình độ công nghệ và năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu khiến chi phí sản xuất tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.
Đối với ngành Công nghệ Vật liệu, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao là rất lớn. Người học cần có nền tảng vững chắc về Toán, Lý, Hóa, đồng thời trang bị kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và khả năng thích ứng với môi trường quốc tế.
“Trong thời gian qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn On Semiconductor Việt Nam đã tích cực phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều hoạt động hợp tác đào tạo và tuyển dụng. Mục tiêu của sự hợp tác này là nâng cao năng lực cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng cho việc mở rộng sản xuất.
Các hoạt động tiêu biểu bao gồm: trao học bổng cho sinh viên xuất sắc, tổ chức chương trình thực tập sinh, giới thiệu việc làm, cũng như tư vấn phát triển chương trình đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật”, ông Cường thông tin.
Còn Tập đoàn Thiên Long - đơn vị đang là đối tác của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo chia sẻ của ông Hồ Lê Huy, việc đồng hành cùng sinh viên trong đào tạo và định hướng nghề nghiệp luôn được đơn vị chú trọng. Hằng năm, Tập đoàn Thiên Long triển khai nhiều hoạt động như tổ chức tham quan nhà máy và các chương trình thực tập sinh, nhằm giúp sinh viên hiểu rõ hơn về mô hình hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với môi trường làm việc thực tế để trau dồi kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp.
Đặc biệt, Tập đoàn có các chương trình thực tập và tuyển dụng dành cho sinh viên các ngành liên quan đến Công nghệ vật liệu, với các vị trí như R&D, QA, QC trong các mảng mực in, sáp màu và vật liệu nhựa. Sau quá trình thực tập, sinh viên sẽ được đánh giá dựa trên năng lực và kết quả làm việc, từ đó có cơ hội được tuyển dụng chính thức vào tập đoàn.
Từ thực tiễn hợp tác, ông Huy nhận định rằng để sinh viên đáp ứng được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, chương trình đào tạo cần tăng cường các học phần thực hành và tổ chức nhiều khóa thực tập ngắn hạn. Điều này sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về môi trường làm việc trong doanh nghiệp cũng như tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục đại học cũng cần chú trọng hơn đến việc đào tạo kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Đây là yếu tố quan trọng giúp sinh viên truyền đạt ý tưởng hiệu quả, phối hợp tốt với đồng đội và nâng cao hiệu suất công việc sau khi tốt nghiệp.