Dù đã bị thu hộ chiếu, cựu chủ tịch Nissan vẫn trốn khỏi Nhật trót lọt
Cựu chủ tịch tập đoàn xe hơi Nissan Carlos Ghosn, 65 tuổi, thông báo ông đã trốn từ Nhật Bản và có mặt tại Lebanon cho dù ông đang bị quản thúc để chờ xét xử 4 tội danh liên quan đến gian lận tài chính tại quốc gia mặt trời mọc.
"Tôi hiện đang ở Lebanon và sẽ không thể bị hệ thống tư pháp Nhật Bản giữ làm con tin nữa. Đó là một hệ thống lừa đảo, phân biệt đối xử và từ chối các quyền cơ bản của con người. Tôi không phải là kẻ chạy trốn công lý, mà là người tự giải phóng mình khỏi sự bất công và đàn áp chính trị. Và bây giờ tôi có thể giao tiếp một cách tự do với giới truyền thông", cựu lãnh đạo Nissan Carlos Ghosn tuyên bố tại thủ đô Beirut (Lebanon) hôm 31.12 và cho biết ông mong muốn được giao tiếp "tự do" với các nhà báo bắt đầu vào tuần tới.
Được biết, Carlos Ghosn là người đã có công lớn trong việc vực dậy tập đoàn xe hơi Nhật Bản Nissan. Ông đã bị bắt tại Tokyo vào tháng 11.2018 và bị truy tố về tội danh lạm dụng tín nhiệm, che giấu thu nhập và đang trong thời gian chờ phiên tòa xét xử dự trù trong năm 2020.
Ông Ghosn đã được tại ngoại lần đầu tiên vào tháng 3.2019 trước khi bị bắt trở lại vào đầu tháng 4. Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Nissan sau đó đã trả 1 tỉ yen (8,9 triệu USD) để được tại ngoại, và bị theo dõi bởi một camera an ninh suốt 24/24 giờ được lắp đặt bên ngoài nhà mình. Ông không được giao tiếp với vợ, bị hạn chế sử dụng internet và các phương thức liên lạc khác, và bị cấm đi ra nước ngoài.
Ghosn hiện có 3 quốc tịch Pháp, Lebanon và Brazil nhưng được cho là đã bị tịch thu hộ chiếu tại Nhật. Tuy nhiên, các quan chức Lebanon cho biết ông nhập cảnh hợp pháp bằng hộ chiếu Pháp ngày 30.12. Đáng chú ý, nước Lebanon không có thỏa thuận dẫn độ với Nhật Bản.
“Cựu chủ tịch Nissan Carlos Ghosn đã vào Lebanon một cách hợp pháp và sẽ không phải đối mặt với bất kỳ hậu quả pháp lý nào”, hãng thông tấn nhà nước NNA dẫn thông báo của Tổng cục An ninh Lebanon hôm 31.12.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Lebanon cũng cho biết: "Carlos Ghosn đã nhập cảnh Lebanon một cách hợp pháp. Các hoàn cảnh xung quanh việc ông ấy rời khỏi Nhật Bản và nhập cảnh vào Beirut vẫn chưa được biết”.
Có nhiều suy đoán được đặt ra sau vụ trốn thoát bí ẩn của Ghosn, một trong số đó đã được đưa ra trên các phương tiện truyền thông Lebanon, cho rằng ông đã trốn trong một thùng gỗ đựng nhạc cụ rời khỏi nơi cư trú ở Tokyo với sự hỗ trợ của một nhóm bán quân sự đội lốt nhóm nhạc công sau khi tổ chức một buổi biểu diễn âm nhạc riêng tại nhà ông.
Còn tạp chí Les Echos của Pháp đưa tin rằng Carlos Ghosn chỉ đơn giản rời khỏi Nhật Bản với sự trợ giúp của hộ chiếu giả. Trong khi đó, Wall Street Journal lại cho rằng Ghosn đã đến Lebanon thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Theo dữ liệu hệ thống theo dõi máy bay Flightradar24, một máy bay riêng bay từ Osaka (Nhật Bản) tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), sau đó một chiếc khác tiếp tục đến Lebanon vào thời điểm cựu chủ tịch Nissan được cho là đã đến nước này.
Ngoài ra, các nguồn tin giấu tên nói với hãng tin Reuters rằng kế hoạch bỏ trốn được một công ty an ninh tư nhân sắp xếp trong 3 tháng, gồm cả việc đưa Ghosn bằng máy bay riêng tới Istanbul trước khi đến Beirut. Ngay cả phi công cũng không biết về sự hiện diện của Ghosn trên máy bay.
Theo CNN, cho dù sự thật là gì - và bản thân Ghosn cũng đã không nói rõ trong một tuyên bố khi có mặt tại Lebanon - một lối thoát như vậy sẽ đòi hỏi phải lập kế hoạch công phu và tài nguyên lớn.
Junichiro Hironaka, luật sư đại diện cho Ghosn, nói rằng thân chủ của ông phải có sự giúp đỡ của một "tổ chức lớn" để bỏ trốn.
“Chúng tôi rất bối rối và bị sốc. Tôi muốn hỏi ông ấy, rằng làm sao ông lại có thể làm điều đó với chúng tôi?”, luật sư Hironaka trả lời phỏng vấn với các phóng viên và giải thích rằng Ghosn không có hộ chiếu và "không thể sử dụng chúng”.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Masahisa Sato, một nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, cho biết: "Nếu điều này là sự thật, thì đó không phải là hành động rời khỏi đất nước, đó là một sự đào tẩu bất hợp pháp, và chính điều này là một tội ác. Liệu có hay không sự giúp đỡ nào bởi một quốc gia giấu tên? Đây cũng là một lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống của Nhật Bản khi xảy ra một vụ trốn thoát quá dễ dàng".
Hoàng Vũ (theo CNN, Reuters)