Dù đau lòng, phụ nữ cũng không nên nhún nhường trong 2 hoàn cảnh này
Nhiều người cho rằng nhún nhường một chút để hôn nhân êm ả, nhưng đến cuối cùng, sự êm ả ấy có thực sự có ý nghĩa hay không?
"Nên nhẫn nhịn một chút cho gia đình yên ấm" là lời khuyên mà không ít người dành cho phụ nữ khi họ không may gặp phải những chuyện chưa như ý trong hôn nhân. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi nhẫn nhịn "một chút", cái sự "một chút" này giới hạn là gì hay chưa?
Gia đình yên ấm, đương nhiên, đó là mục tiêu đáng để phấn đấu nhưng đừng vì thế mà quên mất bản thân mình cũng cần được tôn trọng, cũng có tiếng nói riêng. Nếu không, sự yên ấm ấy chỉ là vỏ bọc của muôn vàn ấm ức, bất hạnh.
Để mọi chuyện không tệ đến mức ấy, dù bị tổn thương, phụ nữ cũng không nên tiếp tục nhún nhường, nhẫn nhịn, đặc biệt là trong 2 trường hợp này.
1. Chồng bạn đã ngoại tình nhiều hơn 1 lần
Chồng bạn ngoại tình 1 lần, bạn có thể và cũng nên tha thứ. Bởi suy cho cùng, ai cũng có lúc lầm lỗi. Nhưng sau lần đầu tiên "đi nhầm đường", anh ấy vẫn chưa bỏ được thói hư này, đừng tha thứ nữa.
Người đàn ông thực sự biết trân trọng lòng bao dung của bạn sau lần "mắc lỗi" đầu tiên sẽ không để chuyện này tái diễn thêm lần 2, lần 3, lần thứ n nữa. Đây là điều chắc chắn! Nếu anh ấy vẫn tiếp tục làm bạn tổn thương vì thói trăng hoa, sự thật là anh ấy không còn coi trọng bạn nữa.
Hiện thực này đau lòng thật đấy, nhưng bạn nên chấp nhận để có thể tự giải thoát cho chính mình. Nếu vẫn cứ tiếp tục nhún nhường, tha thứ, điều bạn nhận được không phải là một gia đình thực sự ấm êm, hạnh phúc mà chỉ là một người chồng đã không còn yêu thương, tôn trọng mình mà thôi.
2. Chồng bạn đã làm bạn tổn thương về mặt thân thể nhiều hơn 1 lần
Có những người đàn ông không bao giờ ngoại tình, nhưng chỉ cần mất bình tĩnh hoặc say rượu, anh ta dường như lại trở thành một người khác. Cụ thể hơn là một người đàn ông coi vợ như "bao cát", ra sức tác động vật lý để xả cơn giận.
Không phải tự nhiên mà người đời lại có câu "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời". Thói vũ phu của những ông chồng, tiếc thay, lại là thứ "khó rời" như thế.
Nếu chuyện này chỉ xảy ra 1 lần, bạn có thể nghĩ đến việc tha thứ và tin vào lời hứa "anh sẽ không bao giờ như vậy nữa". Nhưng nếu cơ thể bạn đã thâm tím nhiều hơn 1 lần, hãy tìm mọi cách để tự giải thoát không chỉ cho mình, mà còn là cho con.
Chứng kiến cảnh bố đánh mẹ là vết thương tâm lý hằn sâu trong tâm hồn con trẻ. Và chắc chắn, không có đứa trẻ nào đáng phải mang vết thương ấy suốt cả cuộc đời.