Dư địa hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Nhật Bản còn rất lớn
Ngày 2/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức Hội nghị 'Gặp gỡ Nhật Bản 2023' (Meet Japan 2023) với sự tham dự của hơn 900 đại biểu trong và ngoài nước.
Đối tác quan trọng hàng đầu
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, hợp tác Việt Nam-Nhật Bản đang ở vào giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử quan hệ hai nước. Việt Nam vinh dự là điểm đến trong các chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức của các Thủ tướng Nhật Bản như Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Suga Yoshihide vào các năm 2013 và 2020.
Đặc biệt, chuyến thăm Việt Nam của Hoàng Thái tử và Công nương Nhật Bản từ ngày 20-25/9 đã tiếp tục tăng cường sự hiểu biết và tình cảm gắn bó, gần gũi giữa nhân dân hai nước, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới.
"Trong hợp tác về kinh tế, Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác số một về ODA với con số lên đến gần 30 tỷ USD, là đối tác thứ hai về lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại", Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh.
Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), 70% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có ý định tiếp tục và mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đứng đầu khu vực châu Á và châu Đại Dương. 88% doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng doanh thu tại Việt Nam sẽ tăng lên trong tương lai. "Điều đó sẽ là chắc chắn", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Hợp tác địa phương là trụ cột quan trọng
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá, cùng với xu thế phát triển chung của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, giao lưu, hợp tác giữa địa phương thời gian qua phát triển mạnh mẽ, thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.
Theo đó, địa phương hai nước đã thiết lập khoảng 100 cặp quan hệ, ký kết hơn 110 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, lao động, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân. "Bộ Ngoại giao coi việc hỗ trợ các địa phương Việt Nam kết nối với các đối tác Nhật Bản là nhiệm vụ quan trọng", ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Trong bối cảnh nền kinh tế hai nước hiện nay có tính bổ sung cho nhau, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, dư địa cho hợp tác, giao lưu giữa các địa phương hai nước còn rất lớn, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục-đào tạo, hợp tác nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân.
Ba gợi ý phát triển hợp tác địa phương
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio chia sẻ, năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản và Việt Nam, cũng là thời điểm quan hệ song phương đang phát triển với những thành tựu tốt nhất từ trước đến nay, đặc biệt là kinh tế, chính trị và văn hóa.
Cho rằng nền kinh tế đang chứng kiến xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, Đại sứ Nhật Bản khẳng định ngày càng có nhiều quốc gia chú ý tới Việt Nam với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế nổi bật. Ông cũng cho biết có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tham dự hội nghị hôm nay, trong bối cảnh đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào các địa phương của Việt Nam đang trở nên sôi động hơn trong những năm gần đây.
Tại hội nghị, Đại sứ Nhật Bản đã đề xuất ba gợi ý nhằm phát triển hơn nữa hợp tác đầu tư và phát triển kinh tế giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và địa phương Việt Nam, trong đó bao gồm cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng đảm bảo nguồn nhân lực và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh địa phương.
Trong khuôn khổ 3 phiên thảo luận chuyên đề, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ những phương hướng lớn và nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trên các lĩnh vực thương mại – đầu tư, giáo dục – đào tạo, hợp tác nguồn nhân lực, hợp tác văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân cũng như quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.