Dư địa lớn cho chuỗi chăn nuôi bò sữa

Chuỗi liên kết từ chăn nuôi và chế biến, phân phối các sản phẩm từ sữa bò với sự tham gia của HTX, người dân đang là mô hình sản xuất hiệu quả ở Hà Nội. Chuỗi giá trị này được đánh giá là mang lại lợi ích kép cho các bên tham gia, đồng thời thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển theo hướng bền vững.

Theo thống kê, sản lượng sữa bò tươi trên địa bàn thành phố Hà Nội mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ của người dân. Đây chính là cơ hội cho người dân, HTX trong lĩnh vực này tiếp tục đầu tư phát triển.

HTX dẫn dắt người dân

Hiện, 2 vùng chăn nuôi bò và sản xuất sản phẩm từ sữa bò lớn nhất Hà Nội là Gia Lâm và Ba Vì với tổng đàn 12.213 con (chiếm 79% đàn bò sữa toàn thành phố).

Để thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sản phẩm từ sữa bò, 2 địa phương này đã rất chú trọng xây dựng các chuỗi giá trị, thông qua sự dẫn dắt của mô hình HTX. Điều thuận lợi là các HTX đều liên kết chặt chẽ với người dân và các doanh nghiệp, đầu tư máy móc hiện đại, áp dụng quy trình sản xuất kinh doanh bảo đảm chất lượng nên nhanh chóng khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Tiêu biểu như tại Ba Vì đang có HTX đầu tư Nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì (thôn Xuân Hòa, xã Vân Hòa). HTX đã ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, sản xuất và chế biến. Hiện, HTX có trang trại chăn nuôi bò, nhà máy chế biến sữa; nhà máy bao bì; nhà máy phân bón hữu cơ; hệ thống cửa hàng bán giới thiệu sản phẩm; hệ thống các trang trại vệ tinh đồng thời là thành viên của HTX.

Mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín này đã giúp HTX cung cấp ra thị trường các sản phẩm được chế biến 100% từ nguồn sữa sạch tại trang trại như: Sữa tươi thanh trùng có đường, không đường, sữa chua nếp cẩm, sữa chua ăn, sữa chua uống, caramen và bánh sữa mang thương hiệu Trang Viên Ba Vì.

Chăn nuôi bò sữa theo chuỗi là một trong những thế mạnh của Hà Nội.

Chăn nuôi bò sữa theo chuỗi là một trong những thế mạnh của Hà Nội.

Đến nay, HTX đã có nhiều sản phẩm từ sữa được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, từ đó khẳng định chất lượng và giá trị bền vững của mô hình chuỗi giá trị khép kín.

Còn tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, mô hình sản xuất của HTX Chế biến sữa bò Phù Đổng cũng được đánh giá là một trong những mô hình chuỗi tiêu biểu khi liên kết người dân cung cấp sữa cho HTX để phục vụ chế biến.

Mối liên kết được duy trì nhiều năm qua giúp HTX yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sữa nguyên liệu, trong khi các nông hộ, gia trại, trang trại cũng vơi đi nỗi lo tiêu thụ. Đặc biệt, HTX cũng liên kết với các doanh nghiệp để kết nối đầu ra và khẳng định thương hiệu sản phẩm trên thị trường.

Có thể thấy, những chuỗi liên kết với sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp đã và đang giúp việc sản xuất, tiêu thụ sữa bò của các hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại trên địa bàn thành phố duy trì ổn định trong nhiều năm qua. Người dân cũng yên tâm chăn nuôi, mở rộng quy mô đàn bò sữa.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp, HTX còn đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và đưa ngành chăn nuôi và chế biến sữa bò phát triển theo hướng bền vững. Sản phẩm chế biến từ sữa bò của các HTX hiện đã có mặt tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, trường học như Winmart, AEON Mall, Hapro BRG, Saigon Co.op mart…

Nâng cao chuỗi giá trị

Hiện nay, tổng đàn bò sữa của Hà Nội đạt hơn 15.500 con, với sản lượng sữa đạt khoảng 38.700 tấn/năm. Toàn TP đang có 29 trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ngoài khu dân cư, chủ yếu nằm tại 2 huyện Ba Vì và Gia Lâm.

Theo đánh giá chung, Hà Nội có một số huyện có diện tích tự nhiên rộng, nhiều vùng bãi ven sông để tận dụng trồng cỏ, ngô, cây họ đậu dành cho chăn nuôi bò sữa như Ba Vì, Quốc Oai, Phúc Thọ,… Cùng với đó, người dân còn phát triển trồng lúa, các loại cây họ đậu nên tạo nguồn thức ăn phong phú cho bò.

Ngoài các HTX, thành phố còn có các doanh nghiệp, trang trại đều chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất chế biến nên dễ dàng nâng cao được chất lượng, đa dạng được sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Giám đốc HTX Nông trại xanh Ba Vì, ông Tạ Việt Hùng cho biết, ngoài sữa tươi nguyên chất, HTX phát triển thêm hàng chục sản phẩm từ sữa như sữa chua, bánh sữa, caramen… và đều được khách hàng đánh giá cao.

Tuy đạt được những kết quả khả quan nhưng khó khăn đặt ra cho các chuỗi chăn nuôi bò và chế biến sữa bò cũng không nhỏ. Dù đã chủ động trồng và thức ăn cho bò từ nguyên liệu sẵn có nhưng như thế là chưa đủ để phục vụ cho chăn nuôi quy mô lớn, nên các HTX, trang trại phải nhập khẩu thêm thức ăn cho bò.

Thế nhưng, giá một số nguồn thức ăn nhập khẩu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi đang tăng, dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trên 30%, làm đội chi phí trong chăn nuôi của các HTX.

Bên cạnh đó, do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất sử dụng để trồng cỏ cho bò đang dần bị thu hẹp dẫn tới nguồn thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi bò bị ảnh hưởng. Thiếu đất cũng khiến quá trình đầu tư trang trại gặp khó vì chăn nuôi và chế biến sữa bò đòi hỏi phải có diện tích đủ lớn để bảo đảm các quy trình từ đầu vào đến đầu ra một cách khép kín.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội, ngành sữa bò vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó rào cản lớn là chăn nuôi còn nhỏ lẻ. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương nghiên cứu cơ chế, chính sách để thúc đẩy các chuỗi liên kết tiêu thụ sữa bò giữa các hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại với doanh nghiệp, HTX.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tính toán hợp lý để dành quỹ đất trồng cỏ nhằm giúp người dân, HTX chủ động tạo ra nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò và áp dụng công nghệ cao.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/du-dia-lon-cho-chuoi-chan-nuoi-bo-sua-1088446.html