'Dư địa' xuất khẩu của Việt Nam sang Anh còn rất lớn

Theo số liệu mới đây từ Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang Anh năm 2022 đạt 5,9 tỷ bảng Anh (hơn 7,1 tỷ USD), tăng 30,3% so với năm 2021.

Ông Thái Trần, Giám đốc điều hành Công ty TT Meridian Ltd (Anh). (Ảnh: Nhân vật cung cấp.)

Ông Thái Trần, Giám đốc điều hành Công ty TT Meridian Ltd (Anh). (Ảnh: Nhân vật cung cấp.)

Giám đốc điều hành Công ty TT Meridian Ltd (Anh), ông Thái Trần, cho rằng Chính phủ Anh xem việc đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế, chống lạm phát và phục hồi tăng trưởng là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự hiện nay.

Trong số 5 ưu tiên chính sách mà Thủ tướng Rishi Sunak đã nêu ra đầu năm nay thì ba mục tiêu đầu tiên đều tập trung vào kinh tế, đó là giảm một nửa lạm phát, kích thích tăng trưởng kinh tế và giảm nợ công.

Điều này cho thấy Anh, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, đang nỗ lực hết sức để đối phó với những thách thức lớn chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Việc cùng lúc giảm lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nợ công là rất khó thực hiện vì chính sách có tác dụng với mục tiêu này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu khác. Chẳng hạn, việc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) liên tục tăng lãi suất trong thời gian qua để chống lạm phát vốn đang ở mức trên 10% trong nhiều tháng qua lại ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, khi các doanh nghiệp Anh phải huy động vốn với chi phí cao trong khi nhu cầu từ thị trường trong nước và thế giới cũng đang rất thấp.

Chính phủ Anh cũng quyết tâm giảm nợ công thông qua tăng thuế đối với các doanh nghiệp lớn và người có thu nhập cao, hoặc giữ nguyên mức doanh thu bắt đầu phải đăng ký thuế giá trị gia tăng (VAT) là 85.000 bảng Anh (khoảng 105.000 USD)/năm trong 5 năm tới. Điều này lại ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, vốn là những đầu tàu thúc đẩy kinh tế.

Đến thời điểm này, có thể nói, hiệu quả mà các chính sách của Chính phủ Anh đem lại là chưa rõ rệt. Lạm phát vẫn ở mức cao trên hai con số trong nhiều tháng qua, kinh tế Anh tăng trưởng thấp trong các quý gần đây và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Anh thuộc nhóm tăng trưởng thấp nhất trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20).

Điều này có thể do các chính sách có độ trễ nên cần thời gian để phát huy tác dụng với nền kinh tế. Ngoài ra, phải kể đến những yếu tố bất lợi cùng lúc ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh trong thời gian qua, như tiến trình Brexit, chỉ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), khiến thương mại với EU sụt giảm; đại dịch COVID-19 khiến thâm hụt ngân sách tăng cao và một lượng tiền lớn bơm vào nền kinh tế; chiến tranh Nga-Ukraine khiến chi phí năng lượng, thực phẩm tăng cao; và bất ổn kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu đối với sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu của Anh giảm mạnh…

Là người điều hành doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ xuất nhập khẩu, vận chuyển tại Anh, ông Thái nhận thấy nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Anh vẫn ở mức cao, đặc biệt là với các nhóm hàng thiết yếu (thực phẩm, dệt may, da giày…), vì các doanh nghiệp Anh hiện không thể sản xuất các sản phẩm như vậy ở Anh do phải gánh nhiều chi phí cao, chẳng hạn như chi phí nhân công lớn.

Do vậy, việc nhập khẩu hàng hóa thiết yếu là bắt buộc, và vấn đề là lựa chọn nhập khẩu từ nước nào để đảm bảo hàng hóa vừa chất lượng, vừa có giá thành tốt để có giá bán cạnh tranh, vừa tuân thủ các quy định về nhân quyền, môi trường.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Anh đang tích cực đàm phán các hiệp định tự do thương mại để vừa có nguồn hàng nhập khẩu đáp ứng được ba tiêu chí nói trên, vừa mở ra thị trường xuất khẩu cho hàng hóa, dịch vụ của Anh.

Về tổng thể, Anh vẫn theo đuổi triết lý tự do hóa thương mại từ hàng chục năm nay và trước những thách thức kinh tế hiện tại thì triết lý này càng được coi trọng. Brexit có thể gây hệ quả bất lợi trong ngắn hạn, nhưng lại đưa nước Anh xích lại gần hơn với thị trường toàn cầu thông qua các hiệp định hoặc khối kinh tế tự do thương mại mà Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà họ vừa kết thúc đàm phán gia nhập là một ví dụ điển hình.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư của Anh ra nước ngoài cũng đang ghi nhận tăng trưởng. Một mặt, thị trường nội địa đang có sức mua và lực cầu yếu, thúc đẩy nhu cầu cần đi ra thế giới.

Mặc khác, sau Brexit, các doanh nghiệp và quỹ đầu tư của Anh xác định cần đa dạng hóa danh mục đầu tư, phân tán rủi ro và quảng bá thế mạnh của Anh trên thị trường toàn cầu.

Anh được biết đến là một nền kinh tế phát triển ở trình độ cao với mũi nhọn là các ngành dịch vụ như ngân hàng, tài chính, quản lý quỹ, tư vấn pháp lý… Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này hiện vẫn liên tục mở rộng để tận dụng cơ hội thị trường, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi ở Mỹ Latinh, Trung Đông và Đông Nam Á.

(Ảnh: Quang Châu/TTXVN)

(Ảnh: Quang Châu/TTXVN)

Với chiến lược “Nước Anh toàn cầu” hậu Brexit, các chính sách kinh tế, thương mại và đầu tư của Anh đang rất mở và hướng đến toàn cầu chứ không chỉ bó hẹp ở châu Âu hay khu vực cụ thể.

Liên quan tới Việt Nam, ông Thái Trần nhận định rằng bất chấp đại dịch COVID-19 và suy thoái toàn cầu, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Anh vẫn tăng trưởng cao trong thời gian vừa qua.

Theo số liệu mới đây từ Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang Anh năm 2022 đạt 5,9 tỷ bảng Anh (hơn 7,1 tỷ USD), tăng 30,3% so với năm 2021.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Anh ở Đông Nam Á và lớn thứ 40 trên thế giới, chiếm tỷ trọng 0,4% tổng kim ngạch của Anh.

Những con số trên là đáng khích lệ nhưng vẫn khiêm tốn so với tiềm năng và “dư địa” cho xuất khẩu của Việt Nam sang Anh còn rất lớn. Đây cũng là quan điểm của rất nhiều chính khách, chuyên gia và doanh nhân hai nước.

Điều này có nghĩa là Việt Nam cần tận dụng rất nhiều cơ hội thị trường đang có ở Anh cũng như thời điểm quan hệ giữa hai nước đang rất tốt đẹp về mọi mặt.

Ông Thái Trần cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc và khuyến nghị chính sách để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu sang thị trường Anh:

Thứ nhất, hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa có được giá bán cạnh tranh so với hàng từ các nước “đối thủ” ở thị trường Anh. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Anh đưa ra giá chào hấp dẫn sẽ có nhiều cơ hội ký hợp đồng với nhà nhập khẩu Anh hơn.

Điều này càng đúng trong bối cảnh lạm phát và giá hàng hóa tăng mạnh đang là một vấn đề nhức nhối ở Anh. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường quản lý chi phí cũng như hiệu quả hoạt động để đảm bảo tối ưu chi phí sản xuất, qua đó có giá chào cạnh tranh. Các phương pháp, triết lý quản lý tiên tiến của thế giới như 5S, 6 Sigma,… nên được áp dụng và thường xuyên cải tiến.

Thứ hai, Anh là một thị trường lớn nhưng có tiêu chuẩn cao và quan tâm đến các yếu tố không chỉ về giá mà còn về tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Số lượng các doanh nghiệp Việt Nam có được các chứng chỉ, chuẩn mực liên quan đến ESG còn hạn chế. Điều này cũng có thể gây khó khăn cho việc tiếp cận khách hàng vì các nhà nhập khẩu lớn của Anh có xu hướng muốn làm việc với các đối tác có trách nhiệm xã hội.

Thứ ba, các doanh nghiệp xuất khẩu hiện đang phải mất nhiều thời gian và công sức với các thủ tục hành chính như xin cấp chứng nhận xuất xứ, kiểm dịch thực vật, động vật… và các giấy tờ này chủ yếu vẫn ở dạng bản giấy thay vì bản điện tử. Ứng dụng công nghệ sẽ giúp minh bạch hóa thông tin, chuẩn mực hóa tài liệu và tiết giảm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp.

Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua việc tạo điều kiện về thủ tục hành chính cũng như cung cấp thông tin đầy đủ, cập nhật và thuận tiện cho doanh nghiệp, có thể tham khảo cách làm của Anh thông qua trang web tra cứu về thuế quan của nước này: https://www.gov.uk/trade-tariff./.

Phong Hà (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/du-dia-xuat-khau-cua-viet-nam-sang-anh-con-rat-lon/864725.vnp