Đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con
Em tôi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) từ tháng 4-2019, dự kiến sinh con vào tháng 2-2020. Do sức khỏe yếu cho nên em tôi định hết tháng 1-2020 sẽ nghỉ việc. Vậy em tôi có được hưởng chế độ thai sản không? NGUYỄN THÀNH (Gia Lai)
Tư vấn đối thoại
Trả lời:
Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Khoản 4 Điều 31 Luật BHXH quy định: Người lao động đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp của em bạn, nếu làm việc và đóng BHXH từ tháng 4-2019 đến tháng 1-2020 và sinh con vào tháng 2-2020 thì trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con em bạn đã có 10 tháng đóng BHXH. Như vậy, em gái bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Tính thời gian đã đóng BH thất nghiệp
Thời gian đã đóng BH thất nghiệp theo quy định được tính như thế nào? Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau dài ngày, chế độ thai sản (không tham gia BH thất nghiệp) có được xem là thời gian đóng BH thất nghiệp không?
TRẦN HẢI VÂN (Hà Nội)
Trả lời:
Điều 43, Điều 44 Luật Việc làm quy định: Thời gian đã đóng BH thất nghiệp là thời gian mà đơn vị sử dụng lao động và người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng đã đóng BH thất nghiệp.
Luật Việc làm và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành chưa có quy định thời gian đơn vị sử dụng lao động và người lao động không đóng BH thất nghiệp mà vẫn được tính là thời gian đã đóng BH thất nghiệp.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BH thất nghiệp, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó người sử dụng lao động và người lao động không phải đóng BH thất nghiệp và không được tính là thời gian đã đóng BH thất nghiệp.
Quyền lợi BHYT khi tham gia từ đủ 05 năm liên tục trở lên
Trường hợp người đã tham gia BHYT 05 năm liên tục, phải phẫu thuật (đúng tuyến) nhưng sau khi ra viện phải chi trả số tiền lớn hơn 06 tháng lương cơ sở thì có được BHXH thanh toán lại phần chi phí vượt này không? Cần phải nộp những hồ sơ gì?
PHẠM HẢI HÀ (Quảng Ninh)
Trả lời:
Theo Luật BHYT, người có thẻ BHYT đã tham gia BHYT từ đủ 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở thì sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh.
Trường hợp đã có chi phí đồng chi trả trong năm vượt quá 06 tháng lương cơ sở và có thời gian tham gia BHYT liên tục từ 05 năm, đề nghị đem hồ sơ bao gồm: thẻ BHYT, các hóa đơn đã thanh toán chi phí đồng chi trả 20% đến cơ quan BHXH để cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm và thanh toán phần chênh lệch chi phí đã đóng 20% vượt quá 06 tháng lương cơ sở (nếu có).