Dự định hoàn lương của người đàn ông phạm tội buôn người

Lên Lạng Sơn kiếm sống nhưng chẳng hiểu thế nào Nguyễn Viết Hùng, SN 1961 ở Kim Bảng, Hà Nam lại dính vào một đường dây buôn người. Mỗi khi nhắc lại tội lỗi của mình, Hùng luôn tỏ ra ân hận và câu nói luôn thường trực trên miệng ông ta là 'mong sao cuộc đời những cô gái ấy sau này tìm được chốn bình yên, hạnh phúc'.

Giá đắt vì tham

Phải trả giá bằng bản án 23 năm tù giam và mới đi được một phần tư quãng đường cải tạo nhưng trong đầu người đàn ông này đã sắp sẵn dự định cho ngày ra trại. Hùng bảo, điều ông ta mong muốn nhất là không bao giờ gặp lại người cũ và sau khi ra tù sẽ về quê sinh sống hoặc vào Tây Nguyên lập nghiệp vì trong đó có nhiều anh em, họ hàng nên sẽ được hỗ trợ.

Ngày bước vào trại giam, Hùng mới ngoài năm mươi tuổi và đã lên chức ông với 3 đứa cháu nội, ngoại. Con cái trưởng thành và đều có gia đình riêng rồi nhưng bản thân Hùng lại không bằng lòng với cuộc sống nơi thôn dã mà từ trước tới nay ông ta vẫn coi đó là bình thường.

Nói đến chuyện bỏ quê đi nơi khác làm ăn, Hùng bảo đó là “duyên nợ” và vì hai chữ “duyên nợ” ấy mà ông ta gán đời mình với một phụ nữ cùng quê để rồi cả hai cùng bị bắt trong một vụ án.

Người phụ nữ ấy là khách quen thường hay mua rau của Hùng trong những lần ông ta thồ rau đi chợ bán và rồi không hẹn mà gặp, họ cùng xuất hiện ở Lạng Sơn.

“Tôi lên Lạng Sơn đi xây còn cô ấy lên đây làm giúp việc. Chúng tôi tình cờ gặp rồi nhận ra nhau, sau đó thì rủ nhau làm ăn”, Hùng kể.

Người đàn ông này đã im lặng hoặc lảng tránh mỗi khi chúng tôi hỏi sâu hơn về mối quan hệ của ông ta với người phụ nữ đó. Nếu có nói, Hùng chỉ bảo đó là quan hệ làm ăn, là tình đồng hương nơi xa nhà… Theo lời Hùng thì chỉ vì tham tiền mà cả hai bị cuốn vào đường dây buôn người.

“Chúng tôi được những người ở bên kia biên giới dụ dỗ, mời mọc và hứa trả hoa hồng hậu hĩnh. Thấy cách họ bày cho chúng tôi quá nhẹ nhàng lại được ứng tiền trước để chi phí nên tôi nghĩ thử làm xem sao”, Hùng nhớ lại.

Hùng bảo, việc ông ta làm chủ yếu nhằm vào những cô gái có nhu cầu làm việc ở bên kia biên giới. Những cô gái này đa phần khi ở trong nước đều làm những công việc nhạy cảm và cũng biết sang bên kia sẽ làm công việc gì nhưng vì sợ rủi ro nên mới thông qua những người như ông ta để tìm được chỗ làm ngay.

Trong suy nghĩ của Hùng thì ông ta không có lỗi với những cô gái này vì giữa đôi bên đã có thỏa thuận mà chỉ cảm thấy có lỗi với một số cô gái vì tìm việc làm mà nhẹ dạ mắc lừa.

Hỏi Hùng lừa bán mấy người và mỗi bị hại được những đối tượng bên kia trả công bao nhiêu, người đàn ông này bảo lâu rồi không nhớ và cũng không muốn nhớ lại chuyện đó nữa, mà giờ chỉ có một mục đích duy nhất là cố gắng hoàn thành công việc được giao để mỗi tháng, mỗi quí được bình xét xếp loại khá còn được giảm án.

Phạm nhân Nguyễn Viết Hùng trong giờ cải tạo lao động. Ảnh: N.Vũ

Phạm nhân Nguyễn Viết Hùng trong giờ cải tạo lao động. Ảnh: N.Vũ

Mong người thân tha thứ

Giống như hầu hết các phạm nhân khác khi nhắc đến gia đình, tất cả đều có chung một tâm trạng. Đó là sự khắc khoải nhớ nhà, là sự mong chờ được quan tâm và niềm hy vọng được tha thứ và chia sẻ. Hùng bảo ngày ở nhà chỉ là anh nông dân ngoài cấy vụ lúa ra thì chỉ biết trồng rau củ 2 vụ đông xuân thành ra biết đi chợ là từ đó.

Trình độ văn hóa của Hùng mới chỉ dừng lại ở cấp tiểu học, nghỉ ở nhà một thời gian thì xây dựng gia đình. Cũng như nhiều thanh niên ở vùng đồi núi Kim Bảng này, Hùng có một thời gian đi xây, làm phụ hồ nhưng sau khi cưới vợ thì không đi nữa.

Lý do mà ông ta đưa ra là vì sau khi lập gia đình thì thầu được mấy cái đầm nên vợ chồng bảo nhau tập trung vào chăn nuôi, không đi làm ăn xa nữa. Tuy nhiên, khi con cái trưởng thành, Hùng nhớ nghề cũ nên lại đi xây.

“Gọi là đi làm cho vui thôi chứ mục đích không phải vì kinh tế. Ở nhà ao vườn đã có các con quán xuyến cả rồi nên tôi mới rảnh rang mà đi”, Hùng tâm sự. Hỏi ông ta làm không phải vì bí bách về kinh tế, sao lại làm điều phạm pháp, Hùng im lặng không đáp.

Thi hành án ở trại giam số 5, Hùng cải tạo ở đội trồng rau. Người đàn ông này bảo công việc phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân nên không có ý định xin chuyển. Hùng cho biết từ ngày vào trại cải tạo năm nào cũng được xếp loại khá và đó là động lực để ông ta cố gắng được vào danh sách xét đề nghị giảm án.

Điều khiến Hùng băn khoăn nhất là không tìm được bị hại để thực hiện việc bồi thường vì nếu làm được điều đó thì ông ta mới có cơ hội sớm ra trại trước thời hạn.

“Vợ con tôi đã đáp ứng nguyện vọng của tôi là thực hiện việc bồi thường tiền cho bị hại như tòa án đã tuyên thế nhưng hôm xét xử không phải bị hại nào cũng có mặt. Gửi bên thi hành án thì họ trả lại vì không có địa chỉ người bị hại để chuyển. Gia đình tôi muốn tìm bị hại để gửi số tiền trên nhưng không biết bị hại ở đâu để bồi hoàn. Nếu không thực hiện được thì tôi vẫn phải làm đơn khất nợ cho đúng thủ tục, mà như thế thì dù có cố gắng đến đâu, tôi cũng chỉ được xét giảm án chứ không thể được ra tù ở những trường hợp khác”, Hùng bộc bạch.

Rồi người đàn ông này bày tỏ lòng biết ơn đối với cán bộ trại giam và gia đình đã không bỏ rơi ông ta trong lúc hoạn nạn. Hùng bảo một năm vợ con lại vài lần bố trí thời gian vào thăm còn hàng tháng thì gửi quà vào nên không cảm thấy đơn độc.

Dự định của Hùng là sau này về quê cùng vợ con tiếp tục công việc tăng gia sản xuất và nếu như không vượt qua được những lời bàn tán của hàng xóm láng giềng thì ông ta sẽ vào Tây Nguyên sinh sống. Ở đó, Hùng có rất nhiều bà con, họ hàng nên tin tưởng rằng sẽ được mọi người cưu mang, giúp đỡ.

Đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với phạm nhân nhưng rất ít khi tôi gặp được người tự tin với những dự định của mình như Hùng. Mong sao những dự định Hùng nói là thật và đó sẽ là điểm tựa để ông ta vững vàng hơn trong những năm tháng sau này của cuộc đời mình.

Nguyễn Vũ - Hà My

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/du-dinh-hoan-luong-cua-nguoi-dan-ong-pham-toi-buon-nguoi-215906.html