Dự định làm việc xuyên Tết

Nhiều lao động không còn xem Tết là dịp về quê nghỉ ngơi, tận hưởng. Thay vào đó, họ muốn tận dụng đợt lễ cuối năm để làm việc, bù lại khoảng thời gian trì trệ vì dịch bệnh.

Mọi năm, cứ đến đầu tháng 12, công ty của Minh Phương (27 tuổi, TP Thủ Đức) đã công bố lịch nghỉ Tết và ngày chuyển lương tháng 13, thưởng cuối năm rất đầy đủ.

Tuy nhiên, năm nay, cô và đồng nghiệp vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào. Nhiều người thậm chí chắc chắn rằng năm nay sẽ không có thưởng.

Phương hiểu được tình cảnh khó khăn của công ty trong một năm qua khi phải đóng cửa hơn 4 tháng vì giãn cách, giai đoạn còn lại cũng chật vật xoay xở. Sau dịch, nhân sự được chia ra để đi làm cách ngày (ngày làm, ngày nghỉ) vì lượng công việc, khách hàng giảm đáng kể.

Thế nhưng, nghĩ đến cái Tết không một đồng tiền thưởng vẫn khiến Phương rầu rĩ. “Đây có lẽ sẽ là năm đầu tiên tôi không được nhận thưởng kể từ khi ra trường đi làm. Với tình hình này, năm nay tôi sẽ ở lại TP.HCM để nghĩ cách 'cày cuốc' thêm, thay vì về quê ăn Tết”, Phương nói với Zing.

 Nhiều lao động dự định ở lại các thành phố lớn làm việc xuyên Tết thay vì về quê. Ảnh: Nam Khánh.

Nhiều lao động dự định ở lại các thành phố lớn làm việc xuyên Tết thay vì về quê. Ảnh: Nam Khánh.

Thắt chặt chi tiêu cuối năm

Nửa tháng nữa là kết thúc năm 2021. Thời điểm này mọi năm, các công ty bắt đầu công bố kế hoạch thưởng Tết cho người lao động.

Nhưng năm nay, do dịch bệnh nhiều công ty đóng cửa 4-5 tháng, đến đầu tháng 10 mới hoạt động trở lại. Lịch nghỉ Tết, thưởng cuối năm vì vậy vẫn còn bỏ ngỏ.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi đến các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, yêu cầu các đơn vị thông tin sớm và đầy đủ kế hoạch trả lương, trả thưởng trong dịp Tết (cả trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022) trước ngày 25/12.

Chỉ còn 2 tuần nữa là bước sang năm mới, Phương Trinh (22 tuổi, quận 7, TP.HCM) bắt đầu lo lắng về lương thưởng khi nhìn lại số tiền tiết kiệm ít ỏi trong tài khoản. Từ tháng 10/2020, Trinh chuyển sang làm trợ lý MC và kiêm thêm vài công việc freelance khác.

 Vì không có thưởng Tết, Trinh phải hạn chế chi tiêu trong các dịp lễ sắp tới. Ảnh: NVCC.

Vì không có thưởng Tết, Trinh phải hạn chế chi tiêu trong các dịp lễ sắp tới. Ảnh: NVCC.

Trinh cho biết dịp Tết năm ngoái, mức thưởng cô nhận được không nhiều nhưng cũng đủ để phụ giúp gia đình và sắm sửa một ít đồ dùng. Thế nhưng, năm nay cô đoán khoản này sẽ không còn.

“Dịch bệnh kéo dài cộng với giãn cách xã hội 5 tháng khiến không chỉ mình mà sếp cũng bị ảnh hưởng nguồn thu nhập. Thông thường vào khoảng thời gian này là kín lịch dẫn chương trình nhưng giờ thì khá ít. Tết năm nay dù có thưởng hay không thì mình cũng không bất ngờ lắm”, Trinh chia sẻ.

Tuy nhiên, nghe bạn bè bàn luận về tiền lương tháng 13, thưởng Tết lên đến hàng chục triệu đồng, Trinh cũng có chút chạnh lòng. Tháng trước, cô vừa chuyển ra ở riêng, quyết định tự chủ kinh tế và không phụ thuộc vào gia đình. Với tình hình này, cô phải chắt bóp chi tiêu trong mùa Tết sắp tới.

“Việc thưởng Tết giảm mạnh hay không có cũng đều ảnh hưởng đến mình. Mình khá lo lắng cho kế hoạch tài chính cuối năm vì có nhiều khoản cần chi. Chắc mình sẽ phải cân đo lại những thứ cần thiết, không hoang phí như năm ngoái được”, Trinh nói.

"Nghỉ nửa năm là quá đủ"

Minh Phát (24 tuổi, ngụ quận Bình Tân) không trông đợi nhiều vào khoản thưởng Tết. Khi các quán bar buộc phải đóng cửa, Phát và các đồng nghiệp mất hoàn toàn thu nhập.

Sau đợt giãn cách kéo dài 5 tháng, anh xin vào làm bartender tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3). Theo Phát quan sát, không chỉ anh mà khá nhiều bạn bè cũng cùng chung cảnh ngộ.

“Tình hình kinh doanh bấp bênh, hàng quán đóng cửa nửa năm do dịch, mình nghĩ các chủ doanh nghiệp không thể thưởng Tết cho nhân viên như những năm trước. Với mình, được nhận đủ lương là mừng lắm rồi”, Phát bộc bạch.

Phát cho biết thêm tiền thưởng hàng năm anh thường dành một khoản để đi du lịch và mua quà biếu cho người thân, bạn bè.

“Nếu anh chủ quán có ý định mở xuyên Tết, mình sẽ đi làm luôn vì nghỉ nửa năm là đủ rồi. Năm nay chắc là năm đầu tiên mình không có thưởng, đi làm mùa Tết cũng là một cách để kiếm thêm thu nhập”, Phát nói.

 Lao động các ngành như karaoke, spa, quán bar lo không có thưởng Tết sau nhiều tháng bị dừng hoạt động. Ảnh: Phương Lâm.

Lao động các ngành như karaoke, spa, quán bar lo không có thưởng Tết sau nhiều tháng bị dừng hoạt động. Ảnh: Phương Lâm.

Tương tự, Hà Vy (29 tuổi) dự định không về quê mà sẽ ở lại TP.HCM làm thêm trong đợt Tết Nguyên đán để bù lại khoản tiền tiết kiệm đã tiêu trong thời gian nghỉ dịch.

Trước đây, Vy là nhân viên của một spa ở quận Phú Nhuận. Tuy nhiên trong cả năm qua, do tình hình dịch khó khăn, spa đóng cửa thời gian dài, cô chỉ mới đi làm được vỏn vẹn 2 tháng.

Thời gian còn lại, cô về quê ở Phú Yên phụ giúp bố mẹ buôn bán. Giữa tháng 11, nghe thông tin spa mở cửa trở lại, Vy quay lại thành phố.

"Tưởng đâu được đi làm lại, ai ngờ thành phố ra quy định tiếp tục tạm dừng hoạt động của spa. Vì không muốn về lại quê nên mình đã quyết định xin vào làm việc cho một trung tâm trị liệu".

Mới đi làm nửa tháng nên Vy không mong chờ vào khoản thưởng Tết cuối năm. Thay vào đó, cô cố gắng làm chăm chỉ hơn và dự định nhận việc xuyên Tết để tăng thu nhập cho năm sau.

"Với mình nghỉ mấy tháng dịch là quá đủ rồi. Tết không về với bố mẹ cũng buồn thật, nhưng sau khi tính toán chi phí đi lại, chi tiêu ngày lễ và cân nhắc dịch bệnh, mình thấy tốt hơn hết vẫn nên ở lại", Vy chia sẻ.

Huệ Lâm - Phương Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/du-dinh-lam-viec-xuyen-tet-post1283600.html