Dự định về vài tháng, cô giáo ở Australia kẹt lại TP.HCM cả năm

Dự định về Việt Nam với gia đình vài tháng nhưng do tình hình dịch căng thẳng, Kiều Khanh chưa thể trở lại Australia để học tập, làm việc hơn 1 năm nay.

Kiều Khanh (sinh năm 1997, TP.HCM) là sinh viên năm cuối ngành Sư phạm mầm non tại ĐH Công Giáo Australia. Cô vừa đi học, vừa làm giáo viên mầm non ở thành phố Melbourne.

Tháng 3/2020, vì dịch Covid-19 bùng phát cùng một số lý do cá nhân, Khanh xin nghỉ phép ở chỗ làm để về Việt Nam vài tháng. Mọi chuyện không như dự tính, hơn 1 năm nay, cô chưa thể quay lại Australia vì biên giới vẫn đóng cửa.

“Hiện chưa có nhiều thông tin từ bang mình ở về việc cho du học sinh quay lại. Chuyện học tập bị ảnh hưởng, rồi thất nghiệp nhưng mình may mắn có gia đình kề bên. Ở Việt Nam, mình có nhiều thời gian cho gia đình, bạn bè hơn so với hồi đi du học”, Khanh nói với Zing.

 Kiều Khanh làm giáo viên mầm non ở xứ sở chuột túi từ năm 2 đại học.

Kiều Khanh làm giáo viên mầm non ở xứ sở chuột túi từ năm 2 đại học.

Nghề “gõ đầu trẻ” ở Australia

Sau khi tốt nghiệp lớp chuyên Văn của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Kiều Khanh sang Australia du học từ năm 2016. Năm 2017, cô đi dạy thời vụ ở trường mầm non tư nhân và được ký hợp đồng chính thức sau 1 tuần.

Trước khi về Việt Nam, Khanh là giáo viên chủ nhiệm lớp của các bé 2-2,5 tuổi.

Cô chia sẻ lý do đến với nghề “gõ đầu trẻ”: “Mình là fan của các bộ phim học đường Disney. Mình luôn thắc mắc tại sao các em nhỏ ở nước ngoài lại sáng tạo và độc lập sớm được như vậy. Mình muốn biết sâu hơn về phương pháp giáo dục của họ. Tất nhiên, điều kiện tiên quyết vẫn là mình rất thích trẻ con”.

Theo Khanh, Australia là đất nước đa quốc gia nên học trò của cô mang nhiều quốc tịch khác nhau. Với trẻ em người Việt, cô cố gắng tạo điều kiện để giao tiếp với các bé bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Với mong muốn học trò có thể tham gia hoạt động văn hóa của nhiều quốc gia, Khanh giới thiệu tới các em một số trò chơi dân gian Việt Nam như chi chi chành chành, nhảy dây, nhảy lò cò, bịt mắt bắt dê.

“Các bé thích nhất là trò bịt mắt bắt dê. Có hôm, mình còn dạy mấy bé 2 tuổi làm gỏi cuốn Việt Nam”, cô nói.

 Kiều Khanh giới thiệu cho học trò nhiều trò chơi dân gian Việt Nam. Các em có thể lựa chọn chơi hoặc không.

Kiều Khanh giới thiệu cho học trò nhiều trò chơi dân gian Việt Nam. Các em có thể lựa chọn chơi hoặc không.

Thời gian đầu đi dạy, Khanh gặp trở ngại về ngôn ngữ và khác biệt văn hóa. Cô sợ giao tiếp với phụ huynh vì lo họ không hiểu ý mình. Bên cạnh đó, cô ý thức bản thân làm việc với trẻ nhỏ nên phải cẩn trọng trong từng lời nói, hành động vì các em sẽ noi theo.

Tuy nhiên, sau vài tháng, Khanh nhận ra rằng tình yêu thương không có sự khác biệt về ngôn ngữ. Cô tập trung vào chuyên môn, chăm lo, dạy dỗ học trò bằng tình cảm chân thành.

“Mình từng tâm sự với một phụ huynh rằng không biết mình nói có bị khó hiểu không. Phụ huynh đó cùng bé ở nhà vẽ cho mình bức thư, kêu là con yêu cô nhất, cảm ơn cô. Cảm động lắm. Mình cũng may mắn được các giáo viên giúp đỡ tận tình để có thể vừa học, vừa đi dạy”, Khanh kể.

Tận dụng gap year để làm điều ý nghĩa

Trong 1 năm qua, Khanh học theo hình thức online. Kết thúc học kỳ vừa rồi, cô chỉ còn lại những môn thực tập, bắt buộc quay lại Australia mới có thể hoàn thành.

Không còn lựa chọn nào khác, Khanh ngậm ngùi xin nhà trường cho bảo lưu kết quả.

“Mình rất thích đi học nên trước khi gửi e-mail xin bảo lưu đã khóc cả đêm. Sau đó, mình lấy lại tinh thần, coi như gap year để thực hiện những dự án mà mình ấp ủ”, cô nói.

Kiều Khanh bảo lưu kết quả học tập vì chưa thể quay lại Australia đi thực tập.

Kiều Khanh bảo lưu kết quả học tập vì chưa thể quay lại Australia đi thực tập.

Bên cạnh dành thời gian cho gia đình, bạn bè, Khanh tìm cách mang kiến thức cô học được ở Australia để giúp đỡ nhiều bậc cha mẹ ở Việt Nam trong mùa dịch.

Khanh cùng một người bạn, cũng là giáo viên mầm non ở Australia, vừa khởi động dự án Teachers’ GARA ấp ủ hơn 1 năm qua. Mục tiêu của hai người là thúc đẩy cộng đồng nhìn nhận sự cố gắng của cha mẹ và giáo viên trong công cuộc nuôi dạy con trẻ, đồng thời giúp họ tiếp cận nguồn thông tin chính thống, toàn diện hơn để lựa chọn cách dạy con phù hợp.

“Về mặt cá nhân, chúng mình sẽ cố gắng tổng hợp tất cả kinh nghiệm và kiến thức học được để chia sẻ đến các bậc cha mẹ, giáo viên. Về mặt dự án, chúng mình đang phỏng vấn các giáo viên, chuyên gia trong ngành từ cả Australia, Việt Nam để đưa đến cho mọi người những góc nhìn đa chiều và khách quan hơn. Chúng mình mong muốn đem lại kết quả tích cực cho sự phát triển chung của trẻ em”, Khanh chia sẻ.

Hiện tại, Khanh mong trở lại Australia để hoàn thành chương trình học. Tuy nhiên, cô cho rằng sức khỏe và sự an toàn là ưu tiên hàng đầu.

Khanh chưa chắc chắn về chuyện sẽ ở lại Australia làm việc sau khi tốt nghiệp vì vẫn thích sống tại Việt Nam. Tuy nhiên, cô sẽ cân nhắc chọn nơi có điều kiện phát triển sự nghiệp.

Cô gái 24 tuổi tận dụng thời gian gap year để thực hiện các dự án ấp ủ.

Cô gái 24 tuổi tận dụng thời gian gap year để thực hiện các dự án ấp ủ.

Trong những ngày TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Khanh và gia đình không gặp nhiều khó khăn về lương thực, thực phẩm.

“Xóm mình ở đùm bọc nhau lắm, nhà nào có gì, mua gì là chia cho nhau hết. Mọi người còn phân công mỗi nhà một nhiệm vụ như mua trứng, thịt, rau xong về chia lại cho mọi người. Dịch như vậy mới thấu tình người nên ở Việt Nam thời gian này, mình thật sự cảm thấy may mắn. Chỉ mong mọi người ở tuyến đầu chống dịch được khỏe mạnh”, Khanh chia sẻ.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/du-dinh-ve-vai-thang-co-giao-o-australia-ket-lai-tphcm-ca-nam-post1239555.html