'Đu' game thoái vốn khéo 'bỏng tay'

Việc nhà nước muốn thoái vốn đã kích hoạt nhiều cổ phiếu tăng mạnh sau thời gian im ắng. Tuy nhiên, việc đu theo các cổ phiếu này có thể đem lại rủi ro lớn cho nhà đầu tư, và hậu quả đang phần nào được thể hiện.

Tính đến phiên 12/12, cổ phiếu VCA của CTCP Thép Vicasa - VNSteel (mã VCA) đã tăng trần 11 phiên liên tiếp kể từ ngày 28/11, qua đó giúp cổ phiếu tăng hơn gấp đôi lên 17.600 đồng/CP.

Theo giải trình của ông Ngô Tiến Thọ, Tổng giám đốc Vicasa, giá cổ phiếu VCA biến động hoàn toàn được quyết định bởi cung – cầu của thị trường chứng khoán. Các quyết định của nhà đầu tư liên quan đến cổ phiếu VCA không nằm trong phạm vi kiểm soát của Công ty. Các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty vẫn diễn ra ổn định, bình thường, không có biến động gì bất thường. Đồng thời, Công ty không tham gia, can thiệp hoặc thực hiện bất kỳ hành động nào có thể gây ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu trên thị trường.

Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy đà tăng mạnh cổ phiếu bắt đầu từ thông tin Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel, mã TVN), công ty mẹ sở hữu 65% vốn VCA đã phê duyệt phương án chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Vicasa với mức giá khởi điểm 238 tỷ đồng cho mỗi lô cổ phần. Giá trị này tương ứng với 24.158 đồng/cổ phần, được xác định bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam. Thời gian dự kiến thực hiện bắt đầu từ tháng 11 và dự kiến hoàn thành quý IV/2024 - quý I/2025.

Hiện tượng cổ phiếu được “hâm nóng” sau thông tin thoái vốn cũng được ghi nhận ở mã TTL của Tổng công ty Thăng Long. Đầu tháng 12, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thông báo về việc tổ chức đấu giá bán 10,5 triệu cổ phần, tương đương hơn 25% vốn điều lệ của TTL vào ngày 26/12 tới đây. Giá khởi điểm của cả lô hơn 222,6 tỷ đồng, tương đương hơn 21.200 đồng/cổ phần. Thông tin này cũng giúp TTL tăng trần 6 phiên liên tiếp từ ngày 05/12 đến 12/12, giá cổ phiếu leo từ vùng 7.900 đồng lên 13.600 đồng/CP, tương ứng tăng 67%.

Trong văn bản giải trình, TTL cho biết, việc cổ phiếu TTL tăng giá là diễn biến khách quan theo cung cầu thị trường. Các quyết định giao dịch cổ phiếu TTL của nhà đầu tư không nằm trong phạm vi kiểm soát của tổng Công ty.

Tương tự, cổ phiếu TRT của CTCP RedstarCera cũng có đợt tăng hết biên độ nhiều phiên, đặc biệt là chuỗi ngày từ 27/11 đến ngày 02/12 sau thông tin VNSteel công bố kế hoạch thoái toàn bộ 2,2 triệu cổ phần, tương đương 20,05% vốn điều lệ tại RedstarCera vào đầu tháng 11. Với biên độ dao động 15% trên UPCoM, chuỗi 4 phiên tăng trần liên tiếp đã giúp cổ phiếu TRT bứt tốc tăng gần 74%, đạt 27.300 đồng/CP (phiên 02/12), thiết lập mức đỉnh sau nhiều năm.

VNSteel xác định giá trị cổ phần tại thời điểm ngày 30/6/2024 là hơn 126,5 tỷ đồng, tương đương giá trị thực tế một cổ phần sau thẩm định là 57.358 đồng/cổ phần. Mức giá này cao gấp 3,2 lần thị giá của cổ phiếu TRT trên thị trường tại thời điểm thông báo thoái vốn.

Theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, những doanh nghiệp nhà nước thoái vốn thường là những doanh nghiệp có trong lộ trình thoái vốn, hoạt động kém hoặc không có hiệu quả, thua lỗ kéo dài, nên để cơ cấu lại, nhà nước thoái vốn để đảm bảo hoạt động.

Trong các trường hợp kể trên, 9 tháng năm 2024, Vicasa đạt doanh thu thuần hơn 1.013 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 1,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 3,5 tỷ đồng.

Với Tổng công ty Thăng Long, lũy kế 9 tháng năm 2024, TTL báo lãi sau thuế đạt 10,7 tỷ đồng, giảm hơn 42% so với cùng kỳ (18,6 tỷ đồng), bất chấp doanh thu tăng 34%, lên 1.364 tỷ đồng do giá vốn và các chi phí tăng.

Riêng RedstarCera, theo báo cáo mới nhất cập nhật đến năm 2023, Công ty đạt gần 511 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 24% so với năm 2022. Nhưng do đà giảm của doanh thu mạnh hơn đà giảm của giá vốn, cộng với chi phí dây chuyền tạm ngưng do sửa chữa, dừng sản xuất tăng đột biến, khiến doanh nghiệp báo lỗ xấp xỉ 33,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 28,7 tỷ đồng.

Ông Huân nhận thấy, những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả mà giá cổ phiếu vẫn được kéo lên cao thì không thể loại trừ khả năng có sự xuất hiện của những đối tượng “thứ ba” đu theo game thoái vốn của Nhà nước, cố tình đẩy giá cổ phiếu tăng để dễ thoái vốn.

Thực chất, việc thoái vốn của Nhà nước có hai chiều hướng. Với những công ty tốt được thoái vốn sẽ cho ra thị trường một lượng cổ phiếu chất lượng, nhà đầu tư giao dịch nhộn nhịp hơn giúp giá cổ phiếu tăng. Nhưng với các doanh nghiệp không hiệu quả thì việc tăng giá có thể chính là sự đẩy giá lên của “đội lái” để thoát hàng.

“Nhiều nhà đầu tư không quan tâm quá nhiều, mà chỉ đánh theo 'đội lái', chỉ cần có game là 'đu vào'. Chưa kể, bằng nhiều cách, nhiều bên còn có thể bán khống cổ phiếu để thu lại lợi nhuận khi giá cổ phiếu giảm. Điều này sẽ mang đến rủi ro rất lớn, vì thực chất đây là trò chơi 'gắp lửa bỏ tay người' và người cuối cùng ở lại sẽ phải ôm cục lửa đó”, ông Huân nói.

Trong đó, trường hợp của RedstarCera, sau 4 phiên tăng trần đã nhanh chóng quay đầu giảm, thậm chí có phiên chạm sàn, nhiều phiên không có thanh khoản, khiến những nhà đầu tư lỡ ôm hàng vùng giá cao bị kẹt lại. Hay VCA sau 11 phiên miệt mài leo dốc, đến phiên 13/12 cũng đã đổ đèo, cổ phiếu giảm sàn xuống 16.400 đồng/CP.

Chưa kể, khả năng thoái vốn thành công của Nhà nước cũng chưa thể đo lường khi đây không phải lần đầu tiên, Nhà nước thông báo thoái vốn các đơn vị này, đơn cử như TTL được thông báo thoái vốn đến lần thứ 3.

Kiều Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/du-game-thoai-von-kheo-bong-tay-post359992.html