'Du hành' về Sài Gòn - Gia Định xưa qua những trang sách
Tiếp theo cuốn sách 'Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương' ra mắt cuối năm 2022 được độc giả chú ý, nhà văn - nhà báo Cù Mai Công vừa ra mắt phần 2 của tác phẩm này.
Trải qua hơn 300 năm, vùng đất Sài Gòn - Gia Định giờ đã thành một "siêu đô thị" với hơn 9 triệu dân. Theo đó, cái tên Gia Định và Sài Gòn không còn được sử dụng một cách chính thức. Tuy vậy, nhiều người vẫn quen dùng tên gọi cũ, như một cách gọi thân thương dành cho vùng đất này.
Nhà báo Cù Mai Công là một trong số đó. Sinh ra và lớn lên vùng đất này, cộng thêm việc thích lang thang ngoài đường suốt cả thời niên thiếu, tác giả đã có những "tài sản" vô giá về nhịp sống phong phú của Sài Gòn trong một giai đoạn rất đặc biệt.
Vốn thích lang thang đó đây, cộng thêm công việc làm báo đã giúp cho những trang viết của Cù Mai Công lấp lánh những chất liệu của đời sống. Mặc dù không tự nhận là nhà nghiên cứu nhưng tác giả luôn có những phát hiện mới mẻ và thú vị mà không phải nhà nghiên cứu nào cũng khai thác được.
Khi đọc Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2, độc giả như được cấp phát một chiếc vé du hành về quá khứ. Những con đường thân quen, những nơi chốn đã nằm lòng nay bỗng nhuộm lên màu sắc hoài niệm, xen chút lạ lẫm.
2 tập Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương có độ dày chưa đến 500 trang nhưng là vốn liếng của hàng ngàn tư liệu, hình ảnh được tác giả gom góp chuẩn bị cả hàng chục năm. Qua đó, Cù Mai Công như sắm vai một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, dẫn dắt bạn đọc đi vào những hàng cây, con đường, khung trời cũ của một Sài Gòn - Gia Định trong trí nhớ, thân quen và thu hút.
Nếu không sống đủ lâu và không đủ yêu thương thành phố này thì rất khó để có thể kể và viết nó một cách tỉ mỉ đến vậy. Vì lẽ đó, tuy là một quyển sách "sinh sau" so với nhiều tác phẩm khác viết về Sài Gòn, song những trang viết của Cù Mai Công vẫn lấp lánh và hấp dẫn.