'Du học nghề tại chỗ': Khoản đầu tư cho tương lai
Trong đào tạo chất lượng cao, 'du học nghề tại chỗ', học sinh được xét tuyển, học phí cao nhưng với những kỹ năng được đào tạo tại trường và cơ hội sau khi tốt nghiệp, đây sẽ là một khoản đầu tư hiệu quả cho tương lai?
LTS:
- Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
- PGS.TS. Bùi Thế Dũng, Chuyên gia tư vấn về Giáo dục nghề nghiệp
- Ông Nguyễn Khánh Cường, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA2
>> Xem lại Phần 1 Tọa đàm
Khoản đầu tư cho tương lai
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Cường, một vấn đề mà phụ huynh và các em học sinh chắc chắn rất quan tâm là khung chương trình, các quy chuẩn đào tạo, học phí trong đào tạo chất lượng cao hay chúng ta thường gọi là "du học nghề tại chỗ". Xin ông chia sẻ một vài thông tin? Bên cạnh đó, học phí của chương trình này so với mặt bằng đào tạo nghề nghiệp nói chung có cao hơn nhiều không và có nhận được sự hỗ trợ đặc biệt nào không?
Ông Nguyễn Khánh Cường: Trường LILAMA2 đang triển khai mô hình đào tạo thí điểm của 3 nghề chuyển giao của Đức, rồi 4 nghề cũng thí điểm mô hình đào tạo phối hợp với Đức, hiện những nghề này về học phí đang được Chính phủ hỗ trợ. Nhưng trong tương lai và trong chương trình đào tạo du học tại chỗ cho các em mà chúng tôi gọi "con đường đến làm việc tại Đức" thì mức học phí cũng dựa trên Nghị định 86 tại khoản 10 của điều 5, theo đó cho phép các trường có thể xây dựng học phí trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.
Học phí trong hình thức đào tạo này cao hơn chương trình bình thường, ví dụ chương trình bình thường chúng tôi đang thu là 6 triệu cho 1 học kỳ, nhưng học phí chương trình "du học nghề tại chỗ" phải cao hơn để đáp ứng nhiều bài tập, nhiều kỹ năng khác, nên chúng tôi đang thu 25 triệu cho 1 học kỳ.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Giang, ông có thể cung cấp bổ sung thông tin là về mặt bằng học phí đào tạo nghề hiện nay?
Ông Đỗ Văn Giang: Ông Cường đã chia sẻ xuất phát từ thực tế. Còn về mặt quy định Nhà nước thì trong Luật cũng đã ghi, đối với các chương trình chất lượng cao nhà trường được phép sử dụng mức học phí tương xứng với chất lượng của chương trình đào tạo. Mà chất lượng chương trình đào tạo đó là gắn với chuẩn đầu ra, đó là thương hiệu của nhà trường. Trong Nghị định 86 và thông tư 09 hướng dẫn cũng đều cho phép các trường tự xác định mức học phí đó. Và tôi nhắc lại là vẫn phải đảm bảo sự tương xứng với chất lượng đầu ra mà các trường tuyên.
Tôi muốn dẫn ra đây một ví dụ. Đó là mới đây tôi có trao đổi với lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội nơi đang đăng ký và báo cáo với chúng tôi là cũng có 7 nghề theo chương trình chất lượng cao chứ không phải chương trình phối hợp như trường ông Cường. Nhưng mà cách tổ chức làm của ông ấy thì gần giống hệt như ông Cường và đặc biệt vừa rồi trường ký luôn với một doanh nghiệp ô tô để đào tạo đến 40% sinh viên cho nghề ô tô và nghề điện, được dạy luôn tại doanh nghiệp.
Tôi cho rằng các phụ huynh và các em có thể yên tâm với vấn đề học phí đã đầu tư khi các em có thể vào một nơi có thương hiệu, có cơ hội để học tập rèn luyện và có kỹ năng nghề tốt. Kỹ năng nghề chính là một loại tiền tệ toàn cầu trong tương lai. Khi các em đã học và có đủ các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng cá nhân, kỹ năng mềm khác thì cơ hội việc làm và khả năng tiến thân cũng như thành công trong cuộc sống rất cao.
Còn sự hỗ trợ của Nhà nước thì chúng tôi mong muốn được nhiều hơn nữa. Tuy nhiên điều này lại phải phụ thuộc vào kinh phí, sau đó lại cân đối đến từng nghề. Ví dụ một trường như LILAMA2 tận 10 nghề thì chúng tôi không thể là cùng một lúc có thể phân bổ kinh phí về tỉnh để chuyển về trường ông ấy cho cả 10 nghề được. Mà cả hệ thống lớn như vậy nên hiện tại thì vẫn đang còn thấy hơi « thòm thèm » một chút, nhưng vẫn đảm bảo để tạo một cú hích cho các trường tăng cường tính tự chủ trong những việc này.
Nhà báo Phạm Huyền: Ông có thể nói cụ thể hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước đối với đào tạo chất lượng cao?
Ông Đỗ Văn Giang: Chẳng hạn, để trường LILAMA2 hoặc các trường khác được đào tạo thí điểm theo 22 nghề của Đức thì Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã phải có được kinh phí từ Nhà nước rót về, sau đó sẽ căn cứ vào nguồn và nghề của các trường để đầu tư một khoản tiền A, B, C nào đó để trang bị cơ sở vật chất, thiết bị đặt vào trong xưởng ấy hoặc phòng học chuyên môn hóa. Bởi theo quy định của bộ chương trình chuyển giao của Đức và đoàn kiểm định của họ khi đến trường thấy đáp ứng đủ theo tiêu chuẩn của họ thì họ mới cấp giấy công nhận, trường mới được đào tạo.
Còn giáo viên thì đã có 391 giáo viên được cử sang Đức, Úc theo chương trình chuyển giao để đảm bảo được các tiêu chuẩn của Đức và của Úc, thi được giấy chứng nhận đạt yêu cầu bên đó thì khi về mới được quyền giảng dạy ở Việt Nam.
Bộ chương trình thì được chuyển giao đồng bộ. Đồng bộ ở đây là từ công nghệ về tiêu chuẩn, năng lực đánh giá rồi khung giảng dạy, phương thức thi kiểm tra đánh giá.
Tôi cho rằng những đầu tư như thế cũng đã là rất là lớn đối với Nhà nước.
Việt hóa nhưng vẫn đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác
Nhà báo Phạm Huyền: Như ông Giang và thầy Cường chia sẻ thì khi xây dựng chương trình chúng ta phải đáp ứng rất nhiều các tiêu chuẩn của đối tác. Vậy thì về phía cơ quan nhà nước Việt Nam, chẳng hạn Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tham gia thế nào trong xây dựng quy chuẩn chương trình? Tức là chúng ta có điều chỉnh ở mức độ nào đó để nó phù hợp với nhu cầu ở Việt Nam hay không, rồi trong khâu thẩm định, tức là chúng ta theo chuẩn của Úc hay Đức hay Nhật nhưng đơn vị cuối cùng chịu trách nhiệm thẩm định ra sao để tránh sự xung đột hoặc những khác biệt so với những quy định trong Khung đào tạo quốc gia?
Ông Đỗ Văn Giang: Khi chuyển giao chương trình, chuyên gia của nước ngoài sang tận nơi ở thị trường Việt Nam cùng các chuyên gia, doanh nghiệp… Việt Nam đi khảo sát từng vấn đề. Về xong bắt đầu lại ngồi với nhau để nghiên cứu lại xem Việt hóa như thế nào cho là đủ. Ví dụ chúng tôi đang Việt hóa khoảng 10%, có những nghề đến 20% là tối đa, làm sao để bên đối tác vẫn công nhận chương trình đó đạt tiêu chuẩn của bên chuyển giao.
Thế thì không có sự vênh hay sự đáng sợ, mập mờ, không đồng thuận nào giữa các chuyên gia nước ngoài của các nước đó với chuyên gia Việt Nam cả. Cho nên hoàn toàn yên tâm khi tổ chức đào tạo.
Ông Nguyễn Khánh Cường: Tôi xin bổ sung thêm một chút. Ví dụ như bộ chương trình của trường tôi được Đức thừa nhận tương đương tiêu chuẩn của Đức thì phải trải qua 4 lần khảo sát, 4 hội thảo với hơn 100 doanh nghiệp tham gia vào để xây dựng, để Việt hóa chương trình, không phải là một chương trình đơn giản. Trong 4 lần đấy thì có một lần cuối cùng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp tham gia trong hội đồng và ký bản thẩm định là chương trình này đã làm mấy vòng, bao nhiêu doanh nghiệp tham gia vào... Đó là cách xây dựng, triển khai một số chương trình vừa qua, đặc biệt là 4 chương trình của Đức chuyển giao.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Cường, trong phần đầu Tọa đàm, PGS.TS Bùi Thế Dũng có chia sẻ câu chuyện vào dễ ra dễ, hay là vào dễ ra khó… Vậy xin hỏi chuyện đầu vào của LILAMA2 có những quy định riêng gì về những quy chuẩn, có khác biệt so với các mô hình đào tạo khác không?
Ông Nguyễn Khánh Cường: Hiện đối với các chương trình thông thường khác chúng tôi cũng chỉ xét học bạ. Nhưng với chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình du học tại chỗ thì chúng tôi xét tuyển, học sinh phải là khá, có trình độ ngoại ngữ, có sức khỏe. Vì để đảm bảo sau khi học xong các em có thể tham gia không những thị trường lao động trong nước mà còn cả quốc tế. Nếu tham gia chương trình này thì học phí rất cao, nó giống như một khoản đầu tư cho tương lai của các em, nên nó cũng có những tiêu chuẩn khác biệt.
Ông Đỗ Văn Giang: Với chương trình đào tạo chất lượng cao, chúng ta đã có thông tư quy định rõ các tiêu chí về giáo viên, cơ sở vật chất thiết bị, chương trình, giáo trình thế nào, học sinh ra sao… Trước tiên thì phải đảm bảo các quy định tuyển sinh của Việt Nam. Còn các quy định như trình độ ngoại ngữ phải đạt ví dụ bậc 2/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam hoặc tương đương. Về tin học phải đảm bảo theo quy định trong thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông…
Tức là tất cả đã có sự liên thông trong quy định về hệ thống tiêu chí, và thực tế vào được các chương trình này phải là những em mạnh, còn em nào không đủ năng lực ngoại ngữ, tin học vào thì sẽ không theo kịp. Đó là còn chưa kể kỹ năng chuyên môn nữa, rất nhiều vấn đề.
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy thưa ông Cường, với tiêu chuẩn đầu vào khá cao, thì thực tế tuyển sinh của trường ông có gặp khó khăn để tuyển đủ học sinh không?
Ông Nguyễn Khánh Cường: Vâng, các chương trình đào tạo chất lượng cao, nhất là 3 chương trình chuyển giao thì khâu xét tuyển phải tuân thủ các điều kiện khá cao và cũng không dễ để tuyển đủ số lượng các em đấy. Đây là một quá trình sàng lọc, nhưng hiện chúng tôi vẫn tuyển được đủ học sinh cho chương trình này.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin ông Cường chia sẻ thêm về việc đào tạo ngoại ngữ trong chương trình chất lượng cao, có vất vả không thưa ông?
Ông Nguyễn Khánh Cường: Hiện nay các em theo học chương trình Đức của chúng tôi thì khi tốt nghiệp bắt buộc lấy bằng B1 tiếng Đức. Trước khi vào trường các em học tiếng Anh, nhưng khi về trường chúng tôi đào tạo ngay 720 tiết thiết kế trong chương trình, thuê hẳn 1 trung tâm tiếng Đức cùng với giáo viên tiếng Đức nhà trường đào tạo các em để ra trường đảm bảo được tiếng Đức B1. Đấy là một thách thức, một thách thức cho cả giáo viên, thách thức cho nhà trường và thách thức cho chính bản thân các em tham gia.
Làm sao đưa giáo viên vào doanh nghiệp nhiều hơn
Nhà báo Phạm Huyền: Một câu hỏi xin được dành cho PGS.TS Bùi Thế Dũng. Thưa ông với một đầu vào tuyển sinh yêu cầu khá cao như vậy, thì chắc chắn đội ngũ giáo viên cũng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn cao để có thể giảng dạy phải không. Về vấn đề này thì có vướng mắc, khó khăn nào không, thưa ông?
PGS.TS. Bùi Thế Dũng: Đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp nói chung là phải có kiến thức, phải có kỹ năng và điều quan trọng nữa là phải có kinh nghiệm nghề nghiệp. Có thể nói tiêu chí thứ ba đang là cái chúng ta vướng nhất. Tất cả các nước chọn giáo viên giáo dục nghề nghiệp đều là những người từng có thời gian làm việc tại doanh nghiệp, ví dụ như Singapore là nước ở gần chúng ta quy định tối thiểu là 3 năm. Trên thực tế ở Việt Nam vẫn có trường hợp chẳng hạn thầy cô dạy nghề ô tô mà không biết lái xe. Đưa ra ví dụ đó để thấy tiêu chuẩn của chúng ta đặt ra với giáo viên rất đầy đủ, nhưng thực tế nguồn cung vào khá khó khăn.
Hiện nay chính thống mà nói Việt Nam có 5 trường đại học sư phạm kỹ thuật, có 8 khoa sư phạm kỹ thuật ở các trường đại học khác tham gia đào tạo giáo viên sư phạm kỹ thuật, hay nói cách khác là giáo viên dạy nghề. Nhưng sự thay đổi, cập nhật của các cơ sở đó trong những năm vừa qua tôi cũng nói rất thật là hình như càng ngày càng xa với sứ mệnh ban đầu là đào tạo ra đội ngũ giáo viên dạy nghề.
Ngày xưa các trường này có tên rõ là trường đào tạo giáo viên dạy nghề, có nghĩa là sứ mệnh ngay từ đầu đã định rõ, sau những lần đổi tên chúng ta có những cái tên hay hơn, cao hơn nhưng lại ngày càng xa với sứ mệnh đào tạo nghề nghiệp.
Hiện nay nguồn giáo viên của chúng ta chủ yếu là những người “rẽ ngang”, những người học kỹ thuật công nghệ từ các trường đại học và bổ sung thêm chứng chỉ sư phạm dạy nghề. Điều này có có ưu điểm là linh hoạt, có thể phủ được rộng các nghề, nhưng so sánh với đào tạo giáo viên ngay từ ban đầu, chúng tôi gọi là đào tạo song song, tức là vừa sư phạm vừa chuyên môn, vừa sư phạm chuyên ngành, tất cả song song suốt cả 4 năm trời thì chắc chắn chất lượng tốt hơn rất nhiều.
Một bên là phép cộng, cộng công nghệ với sư phạm, còn một bên là đã tích hợp với nhau trong suốt cả quá trình 4 năm và như vậy người giáo viên trong suốt thời gian đó luôn luôn nghĩ mình là một giáo viên trong tương lai chứ không phải là một kỹ sư. Đây cũng là một điểm rất đáng suy ngẫm.
Chúng tôi vừa làm một khảo sát năng lực giáo viên thì sơ bộ điểm trung bình giáo viên đạt 6,5/10, như thế cũng là phấn khởi lắm rồi. Có thể nói về kiến thức và kỹ năng cơ bản thì các thầy cô tương đối tốt, bạn quốc tế cũng đánh giá cao. Nhưng cái chúng ta còn cần bổ sung chính là kỹ năng nghề nghiệp mà trong trường chúng ta không có điều kiện để dạy. Thứ hai là về kinh nghiệm hành nghề của doanh nghiệp, cái đó vô cùng quan trọng.
Các trường như LILAMA2 cũng đã có rất nhiều giải pháp để bổ sung điều này, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cũng có những quy định là các thầy các cô 1 năm phải có bao nhiêu thời gian đi doanh nghiệp để sống với môi trường doanh nghiệp, ví như đào tạo cơ khí là phải tiếp cận với những quy trình sản xuất công nghiệp của năm 2020 chứ không phải của năm 2015.
Nhìn chung đội ngũ giáo viên dạy nghề của Việt Nam về kiến thức và kỹ năng cơ bản cũng như trình độ sư phạm đều tương đối tốt. Nhưng cái tôi nghĩ chắc chắn điều các trường cũng như hệ thống còn đang rất trăn trở là làm sao đưa các thầy cô vào doanh nghiệp nhiều hơn. Như thế khi về dạy các em là dạy đúng cái thực tế sản xuất ở doanh nghiệp đang diễn ra của nghề đấy.
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy trường LILAMA2 đã giải quyết bài toán khó về đội ngũ giáo viên ra sao, thưa thầy Cường?
Ông Nguyễn Khánh Cường: Đội ngũ giáo viên của chúng tôi hiện nay đến 80% là từ trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, rồi Hưng Yên ra. Nhưng các thầy cô khi về trường kinh nghiệm chưa nhiều thì giải quyết thế nào? Một mặt chúng tôi gửi các thầy cô đi doanh nghiệp trong các đợt sinh viên đi thực tập, mặt khác chúng tôi nhận những sản phẩm của doanh nghiệp về tổ chức sản xuất ngay tại trong trường, sản phẩm ấy làm xong có giao được cho doanh nghiệp hay không thì giáo viên phải học, phải trực tiếp ở đấy.
Đó là mô hình hiện nay của chúng tôi, nhất là ngành điện thì chúng tôi kết hợp với doanh nghiệp làm những tủ bảng điện, thiết kế những tủ bảng điện để cung cấp cho doanh nghiệp. Trong ngành cắt gọt kim loại CNC thì chúng tôi lấy những sản phẩm về tiện, về phay... chúng tôi làm khuôn mẫu để bán lại, giao lại cho doanh nghiệp để có thu nhập. Hay nghề cơ khí chế tạo chúng tôi làm những con lăn giao cho doanh nghiệp. Đó là cách đào tạo giáo viên của chúng tôi, giáo viên dạy nghề có được kinh nghiệm, có được trải nghiệm đối với môi trường nghề nghiệp.
Nhà báo Phạm Huyền: Như vậy rõ ràng đòi hỏi rất lớn sự năng động sáng tạo của từng trường. Thưa ông Giang, ông nghĩ sao về điều này?
Ông Đỗ Văn Giang: Đứng từ góc độ của nhà nghiên cứu, chuyên gia và ở góc độ thực tế quản lý ở cơ sở nghề nghiệp thì ông Dũng, ông Cường đã nói rồi và tôi thấy cũng đều đúng. Chúng tôi ở cơ quan quản lý nhà nước thì cũng hiểu rằng đó là sự băn khoăn chung của toàn hệ thống có đến hơn 2.000 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Còn đội ngũ giáo viên dạy nghề theo tôi nhớ là đến hết 2018 đang có khoảng hơn 86.000 giáo viên trong toàn quốc ở các cấp trình độ.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn theo góc độ tương đối lạc quan hơn là trong 1 vài năm gần đây thì tiêu chí, tiêu chuẩn quy định đối với giáo viên giáo dục nghề nghiệp là đến doanh nghiệp 1 năm ít nhất 4 tuần. Như quan sát của tôi thì nhiều trường đặc biệt những trường mạnh về đào tạo chất lượng cao đều phải tự chủ trong việc đó. Chưa kể nếu ở những trường đào tạo chất lượng cao ở những nghề chuyển giao hay đăng ký đào tạo chất lượng cao theo thông tư số 21 thì họ còn tự tìm kiếm nguồn.
Nguồn đó là gì? Tự liên kết với các đối tác nước ngoài để có thể thành lập các trung tâm có thể đào tạo được giáo viên để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cũng như ngoại ngữ rồi khả năng trải nghiệm khác. Nhiều trường cũng đã làm được như vậy. Tôi cho rằng là đòi hỏi bắt buộc nên các trường đều phải có chiến lược của mình trong việc phát triển đội ngũ giáo viên.
Trong dạy nghề vai trò của người thầy hết sức quan trọng, không những phải “miệng nói tay làm” mà tất cả các thứ đều phải chuẩn chỉ, bởi nó còn liên quan đến những vấn đề như an toàn đến cháy nổ chẳng hạn. Bản thân tôi ngày xưa khi làm giáo viên dạy nghề thì mọi thứ như chỗ này đặt thước cặp, chỗ kia đặt thước lá, bên này là cái phôi... đều phải chính xác, thuần thục. Tất cả những điều ấy bản thân giáo viên chúng tôi cũng phải tự hoàn thiện. Và tôi cũng tin tưởng rằng chắc là các thầy cô ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bây giờ cũng sẽ làm được những điều như thế.
(Còn tiếp)
VietNamNet thực hiện