Du học nghề tại Đức: Xu hướng năm 2024

Việt Nam đang mở rộng hợp tác và giao thương với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Cộng hòa Liên bang Đức.

Chương trình học nghề tại Đức đang thu hút rất nhiều sinh viên Việt Nam tham gia.

Chương trình học nghề tại Đức đang thu hút rất nhiều sinh viên Việt Nam tham gia.

Chính vì vậy, trong vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều bạn trẻ lựa chọn đi du học nghề tại quốc gia này với mong muốn tìm kiếm cơ hội việc có mức thu nhập cao.

“Nở rộ” các chương trình du học nghề Đức

Vừa kết thúc chương trình trung học phổ thông, Nguyễn Ngọc Phương (18 tuổi, quê Quảng Nam) quyết định sẽ bảo lưu kết quả thi đại học để ra Hà Nội học tiếng Đức. Theo tư vấn từ trung tâm giới thiệu việc làm, học viên sẽ học tiếng trong 8 tháng, sau đó thi lấy chứng chỉ và hoàn tất các thủ tục cần thiết để sang Đức.

“Lý do em chọn đi du học nghề là vì trong làng có rất nhiều anh chị cũng chọn đi học nghề tại nước ngoài thay vì học tiếp lên cao đẳng, đại học. Thực tế, thu nhập từ việc lao động ở nước ngoài lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Đó là con số đáng mơ ước đối với tất cả mọi người ở vùng quê nghèo như quê em. Vì vậy, nhiều hộ gia đình nghèo cũng cố gắng vay mượn cho con đi nước ngoài. Qua tìm hiểu, em quyết định chọn theo học nghề điều dưỡng. Em thấy tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường cao do vấn đề thiếu nhân lực”, Nguyễn Ngọc Phương nói về lựa chọn của mình.

Ông Dương Thái Hòa (51 tuổi, quê Quảng Ngãi) đưa con ra Hà Nội để nghe tư vấn, tìm hiểu về chương trình du học nghề tại Đức. Theo ông Hòa, lực học của con chỉ ở mức trung bình. Vì đó, ông không hy vọng nhiều việc con sẽ đỗ đại học. Ông Hòa dự định cho con đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc.

Khi nghe con đề xuất chương trình du học nghề, ông vợ chồng ông Hòa tìm hiểu thì thấy chi phí lên tới 250 triệu đồng. Ông Hòa lo lắng vì kinh tế của gia đình không dư dả.

“Tuy nhiên theo như tư vấn, ngoài số tiền ban đầu, gia đình chúng tôi sẽ không phải đóng thêm khoản chi phí nào nữa. Trong suốt chương trình học của con, các trường nghề tại Đức sẽ đài thọ các khoản chi phí. Thậm chí, trong quá trình học, con còn được đi thực tập tại các doanh nghiệp và được trả lương. Sau khi tìm hiểu, tôi nghĩ đây là chương trình du học phù hợp với khả năng tài chính của gia đình. Vì đó, tôi đưa cháu lên Hà Nội để nghe tư vấn chọn nghề. Nếu hợp lý, tôi sẽ cho cháu ở lại học tiếng luôn”, ông Hòa chia sẻ.

Theo ông Đào Văn Trung (35 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tư vấn viên chương trình du học nghề), năm nay trung tâm tư vấn nhận được số lượng đăng ký chương trình du học nghề tại Đức tăng cao so với những năm trước. Một số ưu điểm của chương trình du học nghề tại Đức có thể kể tới như: Không giới hạn đối tượng tuyển sinh, mức chi phí hợp lý, không đặt quá nặng yêu cầu về học lực…

“Có thể nói, đây là chương trình du học nghề phù hợp cho rất nhiều đối tượng. Chỉ cần các bạn tốt nghiệp cấp 3, không mắc các bệnh truyền nhiễm, có sức khỏe tốt đáp ứng việc học tập và làm việc là đã có thể đăng ký. Vì không yêu cầu điểm thi tốt nghiệp cũng như đánh giá học lực mỗi năm nên các bạn có học lực vừa phải vẫn có thể theo học được.

Bên cạnh đó, từ năm 2021, Cộng hòa Liên bang Đức đã miễn chứng minh tài chính cho du học nghề với các bạn có bằng B1 tiếng Đức. Vì đó, chi phí cũng giảm rất nhiều, đỡ một phần gánh nặng tài chính cho các bạn học sinh và gia đình. Cuối cùng, nếu đã đạt B1 tiếng Đức thì việc xin visa đi du học nghề là vô cùng dễ dàng”, ông Trung cung cấp thêm một số thông tin về chương trình du học nghề tại Đức.

 Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định

Theo ông Trung, nhiều người truyền tai nhau rằng đi học tại Đức rẻ, song thực tế không hẳn vậy. Chi phí phải chuẩn bị ban đầu khi đi du học nghề tại Đức phụ thuộc vào nghề học mà học viên chọn lựa.

Các nghề mà nước Đức đang thiếu nguồn nhân lực như: Điều dưỡng, xây dựng thì chi phí học khoảng 200 – 300 triệu đồng. Đối với một số nghề khác thì tổng chi phí sẽ cao hơn, khoảng 300 – 350 triệu đồng.

Do mức lương thực tập thấp hơn quy định nên học viên phải tự đóng thêm một số khoản chi phí sinh hoạt có thể kể đến như: Nghề nhà hàng, khách sạn, cơ khí,… Đặc biệt, đối với ngành vật lý trị liệu, học viên không được đi thực tập, không được nhận lương. Vì đó, học viên phải tự chi trả với mức cao. Đây là lý do không được nhiều bạn trẻ chọn lựa.

Ngoài ra, ngôn ngữ cũng được đánh giá là rào cản lớn đối với nhiều bạn trẻ. Theo bạn Đoàn Hồng Anh (26 tuổi, quê Hải Phòng), tiếng Đức không phải ngôn ngữ dễ học.

“Ban đầu tôi khá tự tin về việc học ngoại ngữ phục vụ cho việc đi du học nghề. Tiếng Anh tôi học khá tốt. Tuy nhiên khi bắt đầu học ngôn ngữ Đức, tôi gặp khó khăn vì độ khó. Từ vựng, cụm từ của ngôn ngữ Đức dài. Ngữ pháp và âm điệu Đức cũng rất lạ. Cấu trúc câu phức tạp khiến người học khó tiếp nhận.

Tôi phải mất hơn 1 năm mới có thể lấy được bằng B1 tiếng Đức (trong khi dự tính ban đầu chỉ khoảng 8 tháng). Việc rèn tiếng Đức thật tốt trước khi đi đã giúp tôi đỡ bỡ ngỡ, dễ dàng tiếp cận với bài giảng của thầy cô trên trường”, Hồng Anh cho biết.

Hồng Anh cũng chia sẻ, trong quá trình học tiếng Đức tại Việt Nam, không ít học viên gặp khó khăn trong việc có được bằng B1 tiếng Đức nên đã chuyển hướng sang du học nghề tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác như: Hàn Quốc, Đài Loan…

Họ phải tốn thêm một khoản chi phí, chưa kể phải học lại ngôn ngữ khác. Vì vậy, Đoàn Hồng Anh có lời khuyên cho các bạn trẻ là nên tìm hiểu thật kỹ ngành nghề, văn hóa, đất nước mình muốn đến… trước khi quyết định đi du học nghề. Việc tìm hiểu là cần thiết, tránh tốn tiền, mất thời gian của bản thân.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/du-hoc-nghe-tai-duc-xu-huong-nam-2024-post690945.html