Du học sinh bỏ 100 triệu đồng để quay lại học ngay trước khi TQ mở cửa
Việt Hoàng cảm thấy khá tiếc sau khi mất 100 triệu đồng cho việc quay lại Trung Quốc học. Trong khi đó, Minh Châu, Ngọc Yến lại phấn khởi bớt được chi phí này sau ngày 8/1/2023.
“Mình quay trở lại Trung Quốc ngày 18/9 - một tháng sau khi có thông báo du học sinh được quay trở lại nước này. Cả vé máy bay và chi phí cách ly, mình tiêu tốn lên đến cả 100 triệu đồng. Bây giờ, các hạn chế nới lỏng, lại có thông báo mở cửa ngày 8/1/2023, mình khá tiếc số tiền đó, tiếc cả thời gian phải cách ly nữa", Việt Hoàng (24 tuổi) chia sẻ với Zing.
Việt Hoàng hiện là du học sinh tại Đại học Dân tộc Quảng Tây (Nam Ninh, Trung Quốc). Năm 2019, sau khi về Việt Nam ăn Tết, giống như nhiều du học sinh khác, Hoàng bị kẹt lại trong nước tới tháng 9 năm nay.
Ngày 26/12, chính quyền Trung Quốc cho biết sẽ mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19 kể từ ngày 8/1/2023. Tin tức này khiến Hoàng cùng nhiều du học sinh khác phấn khởi, tuy nhiên cũng không tránh khỏi cảm giác tiếc chi phí vé và cách ly trước đó.
Tốn tiền vì di chuyển và cách ly
Hoàng cho biết thời điểm đó, cậu khá sốc khi giá vé máy bay từ TP.HCM tới Quảng Châu lên đến 56 triệu đồng, nhưng vì lo lắng Trung Quốc có thể tiếp tục đóng cửa, cậu chấp nhận bay sang. Ngoài ra, Hoàng mất thêm 3 triệu đồng để di chuyển từ Lạng Sơn vào TP.HCM, 10,5 triệu đồng cho 4 ngày cách ly tại đây và khoảng 16 triệu đồng cho 10 ngày cách ly tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, thời điểm cậu sang trùng với thời gian Trung Quốc mừng lễ Quốc khánh, trường chưa đón sinh viên và mọi quy định hạn chế vẫn rất nghiêm ngặt. Vì vậy, Hoàng mất thêm khoảng 15 triệu đồng cho 15 ngày ở khách sạn.
Số tiền này khá lớn với gia đình Hoàng bởi cậu du học gần như tự túc, chỉ được nhận một khoản nhỏ học bổng.
Hiện tại, các hạn chế gần như được gỡ bỏ hết tại khu vực cậu sinh sống, du học sinh giảm số ngày cách ly hoặc không còn phải cách ly sau ngày 8/1, chi phí vé máy bay cũng hạ nhiệt.
Mừng cho các bạn mới và bản thân được thoải mái hơn, nhưng Hoàng cũng không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối. Thậm chí, cậu từng ước sẽ sang Trung Quốc muộn hơn một tháng, lúc đó, chi phí có thể giảm tới 1/3.
Trong khi đó, cũng sang Hàng Châu vào tháng 9, Dương Huyền (26 tuổi, Học viện Mỹ thuật Trung Quốc) phải cách ly tới 21 ngày, chi phí vé và cách ly là 61 triệu đồng. Tuy nhiên, Huyền cảm thấy không quá tiếc số chi phí này bởi trước đó, cô đã phải “du học tại nhà" một năm. Việc sang Trung Quốc học trực tiếp sẽ giúp cô có trải nghiệm sớm hơn cũng như tăng khả năng giao tiếp. Đây cũng là cảm nhận của Việt Hoàng.
Phấn khởi khi hạn chế được nới lỏng
Chia sẻ với Zing, Huyền cho biết hiện tại, mọi hoạt động tại Hàng Châu đã dễ thở hơn, nhất là sau khi có thông báo mở cửa vào đầu năm 2023.
Cô cho biết trước khi mở cửa, quy định đeo khẩu trang đã không còn quá khắt khe như trước. Trước đây, chính quyền Hàng Châu yêu cầu người dân phải test nhanh Covid-19 3 ngày/lần và quét mã sức khỏe khi đi vào các khu vực công cộng. Hiện tại, quy định này cũng đã được gỡ bỏ.
“Trước đây, nếu không test Covid-19, mình không thể vào trường hay quay lại ký túc xá. Vì vậy, có ngày mình quên test, 20-21h, mình phải đi tìm điểm test vì ở khá xa. Nhưng bây giờ, mọi thứ thoải mái hơn. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà dịch bùng lên gần đây, bọn mình cũng không đi lại tự do như trước đó”, Huyền cho biết.
Ngoài ra, theo Huyền, việc di chuyển giữa các tỉnh cũng thuận tiện hơn, sinh viên chỉ cần cách ly tại nhà 3 ngày sau khi đi từ tỉnh khác về. Nhiều bạn Trung Quốc cũng đã về quê ăn Tết, sau khi mở cửa, du học sinh cũng thuận tiện về nước hơn, khi quay trở lại cũng không cần cách ly.
“Mình mừng khi Trung Quốc mở cửa. Như vậy, mình có thể về nước vào kỳ nghỉ hè, thay vì phải đợi đến Tết năm 2024. Giá vé lúc đó chắc cũng sẽ rẻ hơn. Hiện tại, vé từ Hàng Châu về Hà Nội cũng giảm còn khoảng 20 triệu đồng", Huyền nói.
Tương tự Huyền, Ngọc Yến (24 tuổi, học viên cao học, Đại học Nam Kinh) cũng vui mừng khi nghe tin Trung Quốc mở cửa. Yến cho biết cô vừa về Việt Nam để đón Tết cùng gia đình và tránh đợt dịch bùng phát mới đây tại Trung Quốc.
Nếu nước bạn mở cửa, đầu tháng 2/2023, Yến sẽ thuận lợi bay trở lại để tiếp tục học tập, không phải cách ly và chi phí vé cũng rẻ hơn.
Hiện tại, giá vé máy bay còn khá cao tùy chặng bay, tuy nhiên, Yến cho biết cô về Việt Nam ngày 30/12 chỉ hết 7 triệu đồng. Cô khuyên du học sinh nếu muốn về nước lúc này có thể chọn các đường bay quá cảnh giống cô để rẻ hơn hoặc đợi đến sau ngày mở cửa.
Người mừng, người lo
Cùng chung tâm trạng, Minh Châu (20 tuổi, Học viện Mỹ thuật Trung Quốc) phấn khởi thông báo tới bố mẹ ngay sau khi biết tin. Trước đó, Châu dự kiến tháng 2/2023 sẽ bay sang Trung Quốc để học trực tiếp, thay vì học online như 1,5 năm vừa qua.
Trung Quốc mở cửa, nữ sinh cảm thấy như trút được gánh nặng khi bớt được một khoản tiền lớn về chi phí vé máy bay và cách ly.
Châu cho biết nếu vẫn giữ nguyên tình trạng hạn chế, cô dự kiến phải mất ít nhất 50 triệu đồng cho khoản này. Một số tiền khá lớn vì cô cũng phải mất thêm chi phí mua đồ dùng cá nhân từ Việt Nam sang. Ngoài ra, thời gian cách ly cũng khá dài, 8 ngày tại khu cách ly tập trung và 11 ngày tự cách ly tại ký túc xá.
“Mình vừa bất ngờ, lại vui. Chi phí giảm, người thân cũng có thể ra sân bay tiễn mình. Đầu tháng 12, trước khi bay, bạn mình phải ở trong nhà nguyên một tuần, hạn chế gặp bạn bè, người thân để tránh lây nhiễm, nên mình cũng lo không được gặp người thân. Bây giờ, mọi việc đơn giản hơn, chi phí cũng chỉ dưới 20 triệu đồng”, Châu nói.
Trái với cảm xúc của nhiều người, Phương Anh (24 tuổi, học viên cao học tại Đại học Hà Bắc) cho hay cô không thực sự hào hứng khi nghe tin Trung Quốc loại bỏ chính sách chống dịch hà khắc và mở cửa biên giới.
Phương Anh nhập học tháng 8/2022. Cho đến nay, cô đã học trực tuyến tại Việt Nam được một học kỳ.
“Mình chờ lâu đến mức nghe tin mở cửa, mình cũng thấy bình thường. Ban đầu, mình sốt sắng sang Trung Quốc, nhưng sau một học kỳ học trực tuyến, mình lại thấy phù hợp với hình thức học này hơn”, Phương Anh chia sẻ với Zing và cho hay cô sẽ cố gắng xin trường học trực tuyến nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, nếu trường bắt buộc phải sang học trực tiếp, cô cũng rất sẵn lòng.
Phương Anh lý giải rằng cô đang trong quá trình chuẩn bị hôn lễ sẽ diễn ra trong năm tới. Vì vậy, việc sang Trung Quốc ở thời điểm hiện tại không thuận lợi và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống cá nhân. Bên cạnh đó, nữ học viên cho rằng Trung Quốc mới mở cửa, tình hình dịch bệnh lại chưa ổn định, cô không muốn sang thời điểm này.
“Số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc liên tục đạt đỉnh, bệnh viện nhiều nơi còn thiếu thuốc trầm trọng. Mình nghĩ du học sinh cũng nên cân nhắc, đợi quốc gia này ổn định hơn”, Phương Anh nói thêm.