Du học sinh ở châu Âu, Mỹ có nên về nước tránh dịch Covid-19?
Lo ngại dịch Covid-19 ở Châu Âu, Mỹ ngày càng phức tạp, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có du học sinh, đã về nước hoặc có ý định về nước để tránh dịch.
Trước tình hình công dân Việt Nam, trong đó có du học sinh từ các nước có dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) ở châu Âu, Mỹ... về nước để tránh dịch Covid-19 hoặc có ý định về nước ở thời điểm này, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết do tình hình dịch Covid-19 ở các nước châu Âu phức tạp nên việc di chuyển từ nơi ở, nơi cư trú đến các sân bay trung chuyển đều không an toàn và rất dễ mắc Covid-19.
Hơn nữa, việc quá cảnh tại sân bay các nước thứ 3 cũng có thể làm các công dân có nguy cơ mắc dịch bệnh này. "Đơn cử, một Việt kiều Mỹ về TP HCM đã mắc Covid-19 khi quá cảnh ở sân bay Vũ Hán (Trung Quốc) chưa đầy 2 giờ đồng hồ vào ngày 15-1; hoặc bệnh nhân số 34 (BN34) ở Bình Thuận mắc Covid-19 khi quá cảnh từ sân bay Doha (Qatar) về Việt Nam ngày 2-3..."- PGS Phu nói.
Theo PGS Trần Đắc Phu, những ngày qua, hầu hết các ca bệnh Covid-19 được phát hiện ở Việt Nam đều đến từ các chuyến bay. Do đó, có thể nhận định rằng quá trình di chuyển từ các nơi đến sân bay đầu mối, trong quá trình bay với nhiều người, quá cảnh tại các sân bay ở nhiều nước sẽ tiềm ẩn nhiều rủi do cho công dân Việt Nam.
Một nguy cơ nữa là khi ngồi trên máy bay 15-24 giờ đồng hồ trong không gian khép kín. Nếu trên máy bay có người mang virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao. "Điển hình là chuyến bay mang số hiệu VN0054 xuất phát từ London (Anh) và hạ cánh tại Hà Nội vào ngày 2-3 có đến 14 hành khách đã bị nhiễm SARS-CoV-2, hay cũng chuyến bay số hiệu VN0054 về Việt Nam ngày 9-3 cũng đã có 3 người mắc bệnh là một nữ tiếp viên ở Hà Nội, một nữ du học sinh ở Hạ Long và một du khách nước ngoài.
Cũng theo PGS Nguyễn Đắc Phu, theo quy định, toàn bộ người nhập cảnh về từ hoặc từng đi qua các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 trong vòng 14 ngày phải đưa về khu vực cách ly tập trung. Những người này sẽ được lấy mẫu để xét nghiệm. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 được chuyển ngay đến các cơ sở y tế để được cách ly, điều trị kịp thời. Trường hợp âm tính vẫn phải cách ly tập trung đến khi đủ 14 ngày.
Vì vậy, tất cả công dân về nước đều phải tuân thủ khai báo y tế trước chuyến bay, khi nhập cảnh. Mọi người cần khai báo trung thực về tình trạng sức khỏe của mình, những nơi mình đã đi qua, bao gồm cả những sân bay quá cảnh, trong vòng 14 ngày trước chuyến bay. Tuyệt đối không được giấu thông tin về sức khỏe, không được phép như trường hợp hành khách lên chuyến bay cất cánh được 2 giờ, gia đình mới điện thoại báo cho hãng hàng không.
Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Đặng Thị Hải Tâm cho biết, cha mẹ có con du học ở Châu Âu cũng hỏi bà câu hỏi trong thời điểm này có nên đưa con về Việt Nam? Tuy nhiên, bà nghĩ rằng vào lúc này là không nên bởi các lý do:
Thứ nhất: Đi lại các phương tiện công cộng vào thời điểm này, nhất là máy bay, rất dễ bị lây nhiễm.
Thứ hai: Các nước áp dụng các chính sách hạn chế đi lại, các hãng hàng không hủy chuyến không có kế hoạch, các em có nguy cơ phải vật vạ các nơi quá cảnh, rất nguy hiểm.
Thứ ba: Đại sứ quán nước ta tại các nước châu Âu có trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ công dân khi gặp khó khăn (đây là nhiệm vụ rồi), các em nên có liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam ở sở tại.
Cuối cùng, các em đang trong độ tuổi thanh niên nên sức đề kháng sẽ tốt, cần tự biết chăm sóc mình bằng việc ăn đủ chất, ngủ đủ giờ, giữ vệ sinh như chuyên gia hướng dẫn, tránh tiếp xúc đông người để hạn chế các nguy cơ lây nhiễm. Chúng ta cùng thành công vượt qua đại dịch này.