Du học sinh tuyệt vọng vì 2 năm vẫn chưa thể đến Úc
Hàng chục nghìn sinh viên bị chậm trễ 'giấc mơ du học Úc' gần 2 năm vì chưa thể nhập cảnh. Dịch Covid-19 đã gây tác động nặng nề đến ngành giáo dục và ảnh hưởng đến tương lai của rất nhiều sinh viên.
Sovia Gill, một du học sinh đến từ Ấn Độ, vui mừng khi nghe tin Úc sẽ mở cửa biên giới vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, cô sớm thất vọng khi biết các quy định mới đều ưu tiên đối tượng là công dân Úc và thường trú nhân.
“Thật sự rất đau lòng”, Sovia Gill nói. Hiện Gill đang theo học chương trình thạc sĩ ngành Kỹ thuật tại Đại học South Queensland và cô đã phải học online kể từ tháng 2 năm ngoái.
“Tiếp theo sẽ là thông báo sinh viên phải đợi tới năm sau mới có thể quay lại trường. Đó là điệp khúc chúng tôi đã phải nghe đi nghe lại gần 2 năm qua. Tôi dường như đã mất hết hy vọng”, Gill chia sẻ.
Sau hơn 20 tháng đóng đủ toàn bộ học phí mà vẫn chưa được tới trường, cô gái 23 tuổi đến từ làng Gobindpur, quận Kapurthala cảm thấy “như bị lừa” và “mất niềm tin vào sự sắp xếp của nhà trường”.
“Tại nơi tôi đang sống, mạng Internet kết nối không ổn định. Tôi đã mất hàng tiếng đồng hồ chỉ để tải một bài giảng về. Vào những ngày thi, tôi phải lên ở nhờ trên thành phố để có chất lượng đường truyền tốt hơn. Tôi từng nghĩ tình trạng này chỉ là tạm thời và mình có thể cố gắng vượt qua. Nhưng đến khi học kỳ tiếp theo sắp kết thúc, tình hình vẫn không có chút khả quan hơn”.
“Nhiều người bạn nhận được thị thực sau tôi, nhưng giờ họ đã có mặt tại Canada, Anh, Pháp hoặc Mỹ. Tôi cảm thấy như bị phản bội”, Gill thất vọng nói.
Sovia Gill chỉ là một trong số hàng chục nghìn sinh viên quốc tế đang chờ đợi để được trở lại Úc. Họ đã phải học trực tuyến trong suốt một khoảng thời gian rất dài. Theo kế hoạch nới lỏng kiểm soát biên giới, chính phủ Úc cho biết du học sinh chỉ được phép nhập cảnh với số lượng rất hạn chế.
Ví dụ, bang New South Wales dự kiến sẽ đưa khoảng 500 sinh viên quay lại học tập trên các chuyến bay diễn ra vào trước lễ Giáng sinh. Các bang Victoria và Nam Úc cũng đã trình kế hoạch tương tự, còn bang Queensland và Tây Úc vẫn chưa có bất cứ động thái nào.
Trong nỗ lực giải quyết trở ngại đối với việc quay trở lại của sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ, Úc đã tuyên bố chấp nhận 2 loại vắc xin Sinovac và AstraZeneca. Hai quốc gia này chiếm khoảng một nửa tổng số du học sinh tại Úc.
Victoria Cao, người đã nhận được thị thực từ tháng 7/2020 để theo học ngành Tài chính tại Newcastle, bang New South Wales, cho biết cô đã phải trì hoãn việc học đến 4 lần và đang vô cùng tuyệt vọng.
“Chúng tôi vẫn phải trả toàn bộ học phí dù không được đến trường. Tình hình hiện tại không chỉ làm ảnh hưởng đến công việc trong tương lai, mà sức khỏe tinh thần của chúng tôi cũng bị khủng hoảng nghiêm trọng”.
Lĩnh vực giáo dục quốc tế của Úc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Doanh thu 1 năm qua đã giảm xuống còn 19,6 tỷ USD so với con số 29,3 tỷ vào năm 2019.
Gần 550.000 sinh viên quốc tế đăng ký học tại Úc trong năm 2020-2021, giảm mạnh so với con số 750.000 trước khi đại dịch xảy ra. Xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ, sinh viên đến từ Nepal, Việt Nam, Malaysia, Brazil, Hàn Quốc chiếm tỉ lệ đăng ký học tại Úc cao nhất.
Bà Catriona Jackson, Giám đốc điều hành của các trường đại học hàng đầu tại Úc, cho biết rất đồng cảm với hoàn cảnh của các sinh viên quốc tế.
“Đây là tình huống khó khăn cho các em. Tuy nhiên, đã có rất nhiều sinh viên bắt đầu làm quen với việc học tập trực tuyến. Các em đã rất kiên cường”, bà Jackson nói.
Bà Jackson cũng cho biết các trường đại học đang cung cấp hàng loạt những dịch vụ hỗ trợ về học phí trực tuyến, khó khăn tài chính và trợ giúp tinh thần cho sinh viên quốc tế.
“Trước đại dịch, chúng tôi thu hút được sinh viên đến từ hơn 140 quốc gia khác nhau. Sức hấp dẫn của nền giáo dục Úc vẫn mạnh mẽ nhờ vào chất lượng đào tạo và những trải nghiệm tại đây”, bà Jackson khẳng định.
Thời Vũ(Theo SCMP)