Du học sinh Việt Nam tại Mỹ bồi hồi nhớ hương vị Tết quê nhà
Đón Xuân Tân Sửu trong hoàn cảnh giản cách xã hội đã khiến những du học sinh Việt Nam lại càng thêm nhớ quê nhà, đặc biệt là hương vị Tết trong các món ăn truyền thống...
Mới đây, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ phối hợp cùng các hội địa phương tiêu biểu như Boston, New York, Chicago, California, Arizona... phát động cuộc thi ý nghĩa mang tên Hương vị Tết. Với chủ đề chia sẻ về món ăn ngày Tết tự làm, nhiều bạn trẻ tại Mỹ đã gửi gắm nhiều tâm sự cùng những kỷ niệm khó quên của mình về Tết Việt...
Đậm đà bò khô xứ Nghệ
Nguyễn Thúy Hằng kể rằng hơn một năm trước cô đã được ăn Tết với mẹ sau 10 năm không được đón Tết ở nhà. Năm nay do dịch Covid-19 không thể về nhà, cô đành lên ý tưởng nấu các món ăn Tết cho bạn bè, trong đó không thể thiếu món bò kho xứ Nghệ.
“Tết với những người con xứ Nghệ không thể thiếu món bò kho. Bò được ướp trước một ngày với mắm, muối, đường thốt nốt, tiêu xay, gừng, tỏi, ớt, hoa hồi, quế, rồi lúc để lên bếp thì không cho thêm tí nước nào. Nước trong thịt tự tiết ra rồi ngấm lại vào tạo nên sự săn chắc và hương vị đậm đà của thịt. Không có mật mía, nhưng vị cũng gần giống được vị bò kho mẹ nấu. Đối với nhiều người bạn, đây là lần đầu nếm thử món ăn này, coi như giới thiệu chút tinh hoa của ẩm thực xứ Nghệ quê choa với bạn bè mọi miền”, Hằng chia sẻ.
Ấm áp mâm cơm ngày Tết
Với các bạn trẻ Gia Phan và Khánh Vũ, thì câu ca dao “Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” luôn đọng lại trong tâm thức.
Lại một năm phải ngậm ngùi “Xuân này con không về”, nên dù ngoài trời lất phất tuyết rơi, nhưng trong nhà họ vẫn có được sự ấm áp đến từ mâm cơm Tết cùng bè bạn. Hai bạn cũng khẳng định: “Đi xa chỉ nhớ cái hương vị đậm đà, bình dị của quê nhà thân yêu. Bước chân dù có rong ruổi khắp mọi miền thế giới, hồn Việt vẫn mãi trong tim”.
Bánh củ cải ‘may mắn’
Là một người Việt gốc Hoa, Trương Mỹ Ngân cho biết mỗi khi Tết đến, bên cạnh những món ăn quê hương thì có một món mà cô rất thèm là bánh củ cải. Giải thích về lý do người Hoa hay ăn món bánh này vào mỗi dịp Tết, Ngân nói rằng trong tiếng Hoa, từ "củ cải", được đọc hơi giống với từ "sự may mắn". Cho nên người Hoa tin rằng nếu ăn món bánh này vào dịp đầu năm thì may mắn sẽ luôn theo chân họ suốt năm còn lại.
Bánh củ cải còn được gọi là Lo Bak Go (trong tiếng Quảng Đông) hoặc Luo Bo Gao (trong tiếng phổ thông). Nguyên liệu làm bánh khá đơn giản, chủ yếu từ củ cải trắng cùng những nguyên liệu như tôm khô, nấm đông cô, lạp xưởng và đậu phộng để tăng thêm phần hấp dẫn và mùi vị của bánh. Bánh có vị mằn mặn và được hấp trong một khuôn tròn hoặc vuông, sau đó sẽ được chiên giòn hoặc chiên cùng với trứng.
“Nhờ cuộc thi này mà tôi đã có động lực làm món bánh truyền thống mùa Tết để vơi bớt nỗi nhớ nhà. Cũng đã 5 năm tôi không được thưởng thức mùi vị bánh với không khí quây quần bên gia đình. Nên sau khi vừa chín, mùi hương của bánh lan tỏa làm tôi gợi nhớ đến những kỷ niệm đẹp khi còn được ăn Tết ở Việt Nam”, Ngân nói.
Vị truyền thống của bánh chưng
Tết năm nay cũng là lần đầu tiên cô gái Lê Thị Phượng được gói bánh chưng. Trước đây, bố luôn là người gói, còn cô và em trai loay hoay bên cạnh ngắm nghía và chụp ảnh làm màu. Năm nay là năm đầu tiên cô đón Tết xa nhà và như một phản xạ có điều kiện, cô lại thèm bánh chưng.
“Bố không ở bên, nên muốn ăn thì tôi phải lăn vào bếp vậy. Dù là lần đầu làm chuyện ấy, tôi đã được mọi người ưu ái gọi là “nghệ nhân”. Thật ra thì bánh tôi gói không được đẹp lắm, chỉ là có nhiều thịt hơn so với bánh mọi người gói thôi, nhưng đây là một trải nghiệm vui và ý nghĩa đối với tôi”, Phượng chia sẻ.
Hương vị thơ ấu từ món ăn mẹ nấu
Với Nhi Nguyễn, đón Tết xa nhà luôn ùa về những kỷ niệm và hương vị của những món ăn mẹ nấu ngày xưa. Bởi vậy, năm nay cô đã hỏi mẹ về những công thức của món bánh hỏi heo quay và nấm đông cô mẹ hay làm mỗi dịp Tết để có thể làm ra món ăn có hương vị thời thơ ấu giúp vơi đi nỗi nhớ nhà.
Cô cho biết, hằng năm, mẹ cô luôn làm món heo quay và bánh hỏi để làm lễ vật cúng với mong muốn năm mới gia đình có được thành công, thịnh vượng, đầy đủ và ấm no. Ngoài ra, mẹ còn nấu món nấm đông cô trong ngày Tết để mong ước các thành viên trong gia đình có sức khỏe tốt và tràn đầy năng lượng để tiếp tục hành trình một năm mới.
Cuối cùng, Nhi Nguyễn cũng hoàn thành những món ăn gợi nhớ lại hương vị ngày nào khi sống xa quê hương. Mặc dù ở bên Mỹ thiếu nhiều nguyên liệu nhưng món ăn của cô cũng đã hoàn thành một cách mỹ mãn.
Bánh chưng với vị riêng
Nguyễn Thục Anh kể rằng đối với cô, Tết là khi mẹ gọi dạy đi chợ sớm chuẩn bị đồ gói bánh chưng. Ngoài bánh chưng truyền thống thì gia đình cô còn có món bánh chưng ngọt (hoặc bánh chưng đường).
“Có một câu chuyện khá buồn cười là vì được ăn bánh chưng vị ngọt từ bé nên tôi cứ tưởng ai cũng sẽ ăn như nhà mình. Lên đại học, khi nói chỉ mong đến Tết ăn bánh chưng đường là bao nhiêu bạn bạn ngạc nhiên hỏi "cái đấy là cái gì?". Hóa ra cũng là nếp của mỗi nhà, mỗi nhà mỗi vị. Thế mà món ăn đó cũng gắn bó với tôi bao nhiêu mùa bánh chưng rồi”, Thục Anh chia sẻ.