Du học sinh Việt ở Bỉ: Ở nhà 23 giờ mỗi ngày nhưng bất ngờ chưa, không ai cô độc cả!
Khi thông điệp 'Ở NHÀ - chưa bao giờ cứu mạng người lại đơn giản đến thế!' được rầm rộ sẻ chia cũng là lúc mình nhận ra cả nước Bỉ đã sẵn sàng cho cuộc sống mới thời Covid-19.
Tối nào cũng vậy, đúng boong 20 giờ, khi truyền hình bắt đầu cập nhật thông tin dịch bệnh trong ngày, những người hàng xóm của mình đều đổ ra ban công, cửa sổ để cùng nhau dành những tràng vỗ tay thật dài cho các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.
Còn nhớ khi phong trào mới bắt đầu khoảng giữa tháng 3, tiếng vỗ tay còn rụt rè, lách tách xa gần thì hôm nay tiếng vỗ tay đã vang vọng cả một con đường, hòa cùng tiếng kèn xe, xoong chảo, kèn hiệu và cả những tiếng “Bravo” (Hoan hô), để rồi đến khi kết thúc tràng pháo tay dài chừng 3 phút, tất cả sẽ thi nhau hét thật to “Bonne soireé à tous” chúc buổi tối tốt lành cho tất cả.
“Tất cả” ở đây còn bao gồm cả các nhân viên y tế, nhân viên an ninh, nhân viên cứu hộ, nhân viên giao hàng, nhân viên siêu thị… đang tiếp tục phải làm công việc của họ mỗi đêm, mỗi ngày.
Tại thời điểm mình gõ những dòng này, ở Bỉ có 7.284 ca nhiễm và 289 ca tử vong. Cả nước đã thực hiện cách ly toàn dân kể từ ngày 18/3/2020, và vào hôm qua, Thủ tướng Sophie Wilmès đã chính thức thông báo kéo dài thời hạn cách ly đến ngày 19/4/2020 để tránh tình trạng quá tải bệnh viện. Khả năng tiếp tục cách ly thêm 2 tuần sau đó vẫn đang trong quá trình xem xét.
Điều này đồng nghĩa với việc người dân sẽ tiếp tục tuân thủ các biện pháp chống dịch do chính phủ đề ra: đóng cửa trường học, nhà hàng, cà phê, hàng quán, khuyến khích doanh nghiệp cho nhân viên làm việc ở nhà, hạn chế tối đa việc ra ngoài (trừ khi đi mua nhu yếu phẩm, thuốc men hay tập thể dục gần nhà trong thời gian chưa tới 1 tiếng mỗi ngày), mỗi siêu thị chỉ được đón 10 khách mỗi lần…
Trong đó, quan trọng nhất là phải luôn rửa tay thật sạch và khi đi ra ngoài phải đảm bảo khoảng cách tiếp xúc với người đối diện tối thiểu 1.5 mét. Nếu không tuân thủ những quy định này, người vi phạm có thể sẽ bị phạt từ 250 đến 750 euros (6,5 triệu - 19,5 triệu đồng).
Và khi không còn những cái ôm hôn, bắt tay như thói quen chào hỏi thông thường, người Bỉ vẫn có những cách khác để gửi lời hỏi thăm, dặn dò nhau cẩn trọng. Ông bà chủ nhà sống ngay tầng dưới thường xuyên tương tác với tụi mình trên Messenger, dặn dò hai đứa đừng làm việc hay học hành quá sức, nhất là phải dành thời gian để ra ban công tận hưởng ánh nắng trời, và nếu có thể thì nên đi dạo trong khu phố cho khuây khỏa.
Anh Manou chủ tiệm cắt tóc gần nhà không quên ghi chú: “Giữ sức khỏe của quý khách và gia đình nha, hẹn sớm gặp lại!” cuối thông báo tạm nghỉ. Chú bán cá, anh chàng Trung Đông chủ hàng tạp hóa gần nhà cũng đã bắt đầu đeo khẩu trang và găng tay vì sự an toàn cho tất cả.
Trên group của cộng đồng cư dân khu vực mình ở liên tục xuất hiện tin nhắn kêu gọi ủng hộ thức ăn cho người vô gia cư, hay thậm chí có người còn để lại số điện thoại cá nhân, tỏ ý sẵn sàng đi siêu thị giúp những cụ già neo đơn có nhu cầu. Có một cô bạn cần xin ít giấy in, tức khắc đã có hơn một thành viên ngỏ ý giúp đỡ, thậm chí còn tranh cãi xem nhà ai ở gần cô ấy hơn cho tiện việc di chuyển của cô ấy.
Và tất nhiên, hai trường đại học VUB và ULB nơi tụi mình đang theo học cũng đã nhanh chóng thông báo về việc chính thức chuyển toàn bộ chương trình đào tạo qua hình thức trực tuyến - kéo dài đến thời điểm kết thúc năm học vào tháng 6. Lý do vì nhà trường muốn sinh viên không còn phải lăn tăn, lo sợ tình hình dịch bệnh làm ảnh hưởng đến việc học.
Thông điệp đã rõ: Các em chỉ việc chuyên tâm học trực tuyến, mọi vấn đề liên quan đến thi cử, luận văn đã có nhà trường lo, và quan trọng nhất là chắc chắn sẽ không để năm học này kéo dài so với kế hoạch!
Với riêng trường mình, bên cạnh việc kéo dài thời hạn nộp luận văn, nhà trường còn thường xuyên tương tác với sinh viên qua phần mềm, gửi video động viên từ thầy hiệu trưởng, mở rộng các nguồn tài nguyên trực tuyến, tổ chức chương trình gia sư qua mạng…
Đặc biệt, bất cứ giảng viên nào khi gửi mail cho tụi mình cũng luôn kết bằng một lời nhắn nhủ khác-với-thông-thường. Không còn là “Thân mến” hay “Trân trọng”, mà thay vào đó sẽ là “Chúc các em thật nhiều sức khỏe và an yên trong khoảng thời gian đầy biến động này”, “Mấy đứa cẩn trọng nhé”, “Chúc các em một cuối tuần vui dù trong hoàn cảnh như hiện nay, mong sớm gặp lại các em!”
Các thầy cô dễ thương quá phải không? Chắc là chuyến cách ly dài ngày làm thầy cô… quá cô đơn rồi. Có lẽ sáng mai ra mình nên chia sẻ đến thầy cô lời thách thức “Chante du Britney à ta fenêtre” (Ra cửa sổ hát nhạc Britney) khởi nguồn từ ý tưởng của một cô gái Bruxelles có tên Daphné Huynh làm mưa làm gió trên mạng xã hội Bỉ tuần qua.
Ca khúc được chọn là “Baby one more time” của Britney Spears? Lý do vì sao á? Chính là vì cái câu “My loneliness is killing me” huyền thoại.
Còn bạn, mùa cách ly này, bạn đã làm gì cho hết “lonely”?